Doanh nghiệp

Chủ quản Highlands Coffee kinh doanh ra sao tại Việt Nam?

Với hơn 520 cửa hàng tính đến giữa tháng 8/2022, Highlands Coffee là cái tên dẫn đầu về độ phủ giữa làn sóng kinh doanh chuỗi cà phê ngày càng bùng nổ ở Việt Nam. Tuy nhiên, năm ngoái, thương hiệu này lần đầu báo lỗ trong 8 năm, với lợi nhuận âm hơn 19 tỷ đồng. Dẫu vậy, đây vẫn là đơn vị có kết quả kinh doanh tích cực nhất trong hệ sinh thái của Jollibee Foods Corporation tại Việt Nam.

Ông chủ Highlands Coffee là ai?

Là một trong những chuỗi bán lẻ cà phê xuất hiện đầu tiên trên thị trường, Highlands Coffee được doanh nhân David Thai sáng lập năm 1999. Về sau, ông thành lập Công ty cổ phần Việt Thái Quốc tế (VTI) để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.

Gắn bó với thương hiệu hơn một thập kỷ, đến năm 2012, David Thai bán 49% bộ phận kinh doanh Việt Nam của VTI cho Jollibee Foods Corporation (JFC). Bằng cách chi ra 25 triệu USD, doanh nghiệp đến từ Philippines này gián tiếp sở hữu Highlands Coffee.

Cũng trong thời điểm này, JFC và VTI thâu tóm Phở 24 và sau đó là Coffee Bean & Tea Leaf vào năm 2019. Jollibee Foods hoàn thiện hệ sinh thái bán lẻ thực phẩm và đồ uống (F&B) của mình tại Việt Nam với 4 thương hiệu, bao gồm chuỗi Jollibee Việt Nam sẵn có.

Bên ngoài một cửa hàng Highlands Coffee tại quận 1 (TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần

Bên ngoài một cửa hàng Highlands Coffee tại quận 1 (TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần

Jollibee Foods Corporation được thành lập bởi tỷ phú Tony Tan Caktiong - hiện là người giàu thứ 7 tại Philippines, theo thống kê của Forbes. Ông sinh ra trong một gia đình người Trung Quốc nhập cư vào Philippines. Từ bé, Caktiong đã có năng khiếu trong việc đánh giá món ăn. Mẹ Caktiong từng nói ông là người con khó nuôi nhất nhà vì khó tính trong chuyện ăn uống.

Cha mẹ ông mở một quán ăn gia đình để nuôi 7 người con ăn học. Ông cùng các anh chị em đã làm tất cả mọi việc từ rửa bát đĩa đến dọn bàn và phục vụ khách hàng. Suốt thời thơ ấu, cha luôn dạy ông rằng, phải đảm bảo thức ăn do mình nấu ra thật ngon miệng.

Lớn lên, ông tốt nghiệp đại học với bằng kỹ sư hóa học. Cứ ngỡ cơ duyên với nghề bếp núc khi bé không được tiếp nối nhưng vào năm 1975, Caktiong có một chuyến thăm nhà máy kem. Ngay sau đó, ông chi 7.000 USD để mua nhượng quyền kinh doanh thương hiệu kem Magnolia Ice Cream. Chàng trai 22 tuổi này khởi nghiệp với hai tiệm kem ở Manila.

Dần dần, Tony Tan Caktiong mở thêm các món ăn như bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên, gà rán... và thành lập Jollibee Foods Corporation. Tích cực thâu tóm nhiều chuỗi đồ ăn và thức uống khác, đến nay đế chế của tỷ phú này đang điều hành hơn 3.200 quán ăn ở Philippines và hơn 2.600 cửa hàng ở nước ngoài. Forbes đánh giá, JFC là một trong những chuỗi nhà hàng châu Á phát triển nhanh nhất thế giới.

Những năm qua, doanh thu và lợi nhuận của công ty JFC tăng với tốc độ 15% mỗi năm. Thời gian trước, công ty cho biết sẽ tăng gấp đôi quy mô kinh doanh của mình sau mỗi 5 năm. Vượt qua 2 năm kinh doanh bết bát vì đại dịch, Jollibee Foods cho biết đến nay tất cả thương hiệu đều đăng ký mức tăng trưởng hai con số.

Quý II/2022, JFC báo lợi nhuận sau thuế khoảng 2,7 tỷ peso (hơn 49 triệu USD), hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán hàng trên toàn hệ thống gồm những chuỗi do công ty sở hữu và được nhượng quyền, đã tăng 45% lên mức cao kỷ lục 73,1 tỷ peso. Nhờ "định giá tốt và hoạt động hiệu quả", kết quả trên được ban lãnh đạo đánh giá tốt hơn dự kiến và đã trở lại mức trước đại dịch.

Highlands Coffee - "trái ngọt" tại thị trường Việt Nam

Ngoài quê nhà Philippines, Jollibee Foods Corporation xác định Việt Nam đứng đầu thị trường chiến lược. Công ty từng chia sẻ, trong 15 năm qua, thị trường gần 100 triệu dân luôn có doanh số phát triển cao nhất ở quốc tế của doanh nghiệp này.

Xuất hiện từ cuối thập niên 90 nhưng đến đầu năm 2005, JCF mới lập pháp nhân Công ty TNHH Jollibee Việt Nam, đánh dấu gia nhập thị trường chính thức. Tuy hiện diện sớm, đến nay vị thế của chuỗi thức ăn nhanh này vẫn chưa thể dẫn đầu thị trường. Từng đặt mục tiêu mở 300 cửa hàng vào năm 2020 và bắt đầu nhượng quyền thương hiệu từ tháng 11/2015, đến nay Jollibee chỉ mới kịp khai trương điểm bán thứ 150 hồi cuối tháng 3/2022. Con số này cao hơn nhiều so với các đối thủ như Popeyes, McDonald's, Buger King... nhưng vẫn thấp hơn KFC và bằng khoảng ba phần tư số lượng điểm bán của Loterria.

Có mạng lưới rộng giúp doanh thu Jollibee Việt Nam cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2017-2019 với tốc độ tăng trưởng hai chữ số. Biên lợi nhuận gộp luôn duy trì ở mức 40-50%. Dẫu vậy, chuỗi này vẫn đang kinh doanh dưới giá vốn. Trong nhiều năm qua, Jollibee Việt Nam thường xuyên lỗ hàng chục tỷ đồng.

Ở mô hình chuỗi đồ ăn, JFC còn sở hữu Phở 24 sau khi thâu tóm VTI. Có mặt gần 20 năm trên thị trường, thương hiệu này từ chuỗi phở lớn nhất cả nước, đặt mục tiêu mở 1.000 điểm bán, hiện co hẹp về 22 cửa hàng, chủ yếu tập trung ở TP HCM. Về với chủ mới, Phở 24 cũng đã đặt chân đến thị trường ngoại gồm Hàn Quốc, Indonesia và Philippines.

Giai đoạn 2018-2019, JFC cho biết chuỗi này bán được 5 triệu tô phở mỗi năm. Tương ứng trên báo cáo tài chính riêng, Phở 24 ghi nhận doanh thu đạt đỉnh 119,5 tỷ đồng trong năm 2019. Tuy vậy, chuỗi phở này vẫn chung cảnh ngộ với Jollibee Việt Nam khi đang lỗ sau thuế hàng chục tỷ đồng. Năm ngoái, doanh thu giảm 7% nhưng công ty lỗ thêm gần 60% so với năm 2020.

Trong số 4 chuỗi F&B mà JFC đang vận hành ở Việt Nam, Highlands Coffee được xem là "trái ngọt" duy nhất. Đầu năm ngoái, đại diện Jollibee Foods cho biết chuỗi cà phê này là doanh nghiệp phát triển nhanh nhất khi liên tục mở mới và đã ghi nhận lãi. Trước đại dịch, các cửa hàng mới của chuỗi cà phê này đã tạo ra lợi nhuận rất cao trên vốn đầu tư với tốc độ khai trương khoảng 2 cửa hàng mỗi tuần.

Thực tế doanh thu chuỗi cà phê này tăng liên tục, lần đầu vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng năm 2017. Chỉ hai năm sau, con số trên vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng. So với những chuỗi đồ uống khác trên thị trường, biên lãi gộp của Highlands luôn ở nhóm cao nhất, duy trì khoảng 70% trong 3 năm gần đây.

Về lãi ròng, chuỗi cà phê Highlands duy trì quanh mốc gần 100 tỷ đồng trong hai năm 2017 và 2018, giảm xuống còn 55-80 tỷ đồng trong hai năm tiếp theo dù doanh thu lập kỷ lục. Tuy nhiên, đại dịch sau đó đã cản đà tăng trưởng của Highlands Coffee. Doanh thu năm ngoái lùi gần 20%. Công ty cũng lần đầu báo lỗ kể từ năm 2014.

Trong quý II/2022, lãnh đạo Jollibee Foods cho biết các chuỗi thức uống là những nhân tố đóng góp mạnh mẽ vào doanh thu của công ty. Riêng Highlands Coffee đã mở thêm 25 cửa hàng mới, đạt con số 525 tại Việt Nam và Philippines. Tuy vậy, JFC cũng lưu ý giá vốn tăng do giá nguyên vật liệu và giá cước vận chuyển lên cao đang là trở ngại chung cho các chuỗi kinh doanh. Trước áp lực này, Highlands Coffee đã tăng giá bán một số thức uống thêm 4.000-10.000 đồng tùy sản phẩm trong tháng 6. Ngoài ra, chuỗi này cũng vướng nhiều lùm xùm nợ tiền thuê mặt bằng tại Hà Nội và TP HCM.

Trong khi Highlands Coffee đẩy mạnh mở rộng độ phủ, chuỗi Coffee Bean & Tea Leaf chỉ vỏn vẹn 6 cửa hàng sau 14 năm có mặt tại Việt Nam. Thương hiệu này chỉ xuất hiện tại TP HCM, chuộng mặt bằng khối đế các trung tâm thương mại - văn phòng lớn ở khu vực nội thành. Chọn phân khúc cao cấp với giá bán gấp 1,5-2 lần Highlands Coffee, chuỗi này kén khách hàng hơn hẳn, do đó kết quả kinh doanh cũng khiêm tốn.

Giai đoạn 2017-2021, doanh thu Coffee Bean & Tea Leaf Việt Nam giảm liên tiếp, bốc hơi hơn 5,75 lần. Biên lợi nhuận gộp từ mức "nhỏ giọt" khoảng 2,86% trong năm 2017 hạ dần về mức -8,43%. Do đó, chuỗi này lỗ liên tiếp hàng chục tỷ đồng suốt nhiều năm qua.

Với số lượng cửa hàng ít ỏi, thị trường Việt Nam giữ vai trò không quá quan trọng với Coffee Bean & Tea Leaf. Báo cáo thường niên của Jollibee Foods cũng chưa từng đề cập đến tình hình hoạt động và đóng góp của thị trường Việt Nam trong kết quả kinh doanh của chuỗi cà phê này.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm