Tài chính

"Chu kỳ tăng lãi suất tại Việt Nam vẫn chưa thể kết thúc"

Những gián đoạn do COVID-19 giờ đã nằm lại phía sau đối với Việt Nam nhưng nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa lại sụt giảm. Theo đó, đây là dịp thích hợp để xem lại kế hoạch cơ cấu nhằm cải thiện năng suất lao động.

Báo cáo "Vietnam at a Glance" của HSBC vừa công bố đặt vấn đề về bối cảnh chung như trên, để đi sâu vào động lực của thị trường lao động Việt Nam - một vấn đề mà HSBC nhấn mạnh đặc biệt cần xem xét trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào, có người cho rằng đã bước vào, giai đoạn hậu "dân số vàng".

Giai đoạn đang bước vào này, Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2030 có thu nhập thuộc nhóm trên của các nước thu nhập trung bình của thế giới và nâng GDP bình quân đầu người lên khoảng 7.500 USD.

Chặng đường phía trước để phục hồi thị trường lao động

Sau khi Việt Nam mở cửa trở lại từ tháng 3, thị trường lao động đã phục hồi mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp quý 3 ở mức 2,28%, tỷ lệ thấp chưa từng thấy kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Lực lượng lao động đạt 51,9 triệu người và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,7% tính đến cuối quý 3/2022, tiếp nối đà tăng trưởng kể từ thời điểm giãn cách xã hội trong Quý 3/2021.

Các hoạt động kinh tế phục hồi trên diện rộng ở Việt Nam đã góp phần cải thiện tình hình thị trường lao động và cho thấy dấu hiệu nền kinh tế trong nước đang trên đà lấy lại phong độ toàn diện. Cụ thể, nhu cầu sử dụng lao động trong các ngành liên quan đến dịch vụ đã hồi sinh đáng kể, Tổng cục Thống kê ghi nhận khu vực này đã tiếp nhậnlượng lao động bình quân mới cao nhất. Nhu cầu lao động tăng cao cũng được phản ánh trong dữ liệu về thu nhập, trong đó, thu nhập bình quân tháng tiếp tục tăng.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, lao động đang chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp trở lại với các công việc phi nông nghiệp và từ việc làm phi chính thức sang chính thức khi các hoạt động ở thành thị sôi động trở lại.

Vậy tình hình sắp tới thế nào? Theo đánh giá trong báo cáo trên của HSBC, kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng kiến một sự chuyển dịch ngoạn mục. Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài để thay đổi cơ cấu thị trường lao động, chuyển lao động tham gia ngành nông nghiệp sang ngành sản xuất giá trị gia tăng cao hơn và khu vực dịch vụ. Thị trường lao động cũng hưởng lợi nhờ "dân số vàng", với tỷ lệ dân số phụ thuộc luôn dưới 50% kể từ năm 2006.

Trong ngành sản xuất, Việt Nam chủ yếu thu hút các công việc thủ công như lắp ráp linh kiện, xuất phát từ việc tận dụng lợi thế cạnh tranh về lương. Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Japan External Trade Organization - JETRO), lương công nhân sản xuất do các công ty Nhật Bản trả ở Việt Nam chỉ bằng hơn một nửa so với Malaysia và Thái Lan. Một yếu tố khác là mức độ phổ cập giáo dục phổ thông cho người dân Việt Nam ở mức cao nhờ những cải cách giáo dục thành công của chính phủ trong giai đoạn những năm 2000 và những năm 2010.

Để Việt Nam duy trì đà tăng trưởng, phát triển thêm lợi thế cạnh tranh cho lực lượng lao động là một việc quan trọng. Cải thiện giáo dục và đầu tư thêm cho nguồn nhân lực đã được nhấn mạnh là một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của chính phủ cho giai đoạn 2021-2030.

Sau khi Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19, Chính phủ có thể đánh giá lại những nỗ lực nhằm đầu tư cho nguồn nhân lực để cải thiện năng suất lao động vốn là vấn đề mang tính cơ bản, đặc biệt trong bối cảnh dân số bắt đầu già đi. Mặc dù đã đạt được tỷ lệ phổ cập giáo dục cơ sở, Việt Nam vẫn có thể làm nhiều hơn nữa để tăng tỷ lệ phổ cập giáo dục phổ thông trung học. Trong số các quốc gia thuộc nhóm ASEAN-6, tỷ lệ đã qua đào tạo đại học ở Việt Nam (cử nhân và sau đại học) trong độ tuổi từ 25 trở lên ước tính ở mức 10% vào năm 2019, thấp hơn so với mức 12% của Malaysia và 16% của Thái Lan.

Một trong những nguyên nhân có thể kể tới là số lượng tốt nghiệp cấp ba. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng các công việc đòi hỏi tay nghề cao tương ứng cũng còn thiếu tại thị trường Việt Nam, dẫn tới vòng lặp tay nghề thấp và lợi ích liên quan tới lương tương ứng từ giáo dục cấp ba. Ngay thời điểm hiện tại, các công việc không đòi hỏi tay nghề đang chiếm một phần tư lực lượng lao động của Việt Nam. Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) đã ước tính rằng chỉ 9% nghề nghiệp ở Việt Nam có thể được xếp vào dạng tay nghề cao trong năm 2021, so với 65% ở Singapore. Vì vậy, giảm chi phí cơ hội cao của giáo dục phổ thông trung học có thể là một cân nhắc hiệu quả cho chính phủ nhằm đưa ra hành động.

Khi xem xét kỹ hơn nguồn cung của giáo dục, Ngân hàng Thế giới ước tính chi phí giáo dục công chiếm trung bình 5% GDP trong giai đoạn 2004-2019. Nếu chỉ tính riêng giáo dục phổ thông trung học, chi tiêu cho giáo dục phổ thông trung học ở mức 0,6% GDP năm 2019, thấp hơn mức 0,8% ở Malaysia năm 2020. Trong bối cảnh chi tiêu cho giáo dục phổ thông trung học ở Việt Nam chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, chiếm khoảng 80%, việc tăng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này là một bước đi tích cực nhằm nâng cấp lực lượng lao động.

Bên cạnh tăng vốn đầu tư, cơ cấu đào tạo nghề cũng còn nhiều không gian để cải thiện. Những thông tin về mở rộng sản xuất giá trị gia tăng cao hơn vẽ nên một bức tranh tích cực nhưng các doanh nghiệp hiện tại lại gặp khó khăn trong tuyển dụng do kỹ năng không phù hợp. Một khảo sát dành cho doanh nghiệp do Ngân hàng Thế giới tiến hành trong năm 2019 phát hiện rằng 68% doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động với những kỹ năng chuyên môn đòi hỏi tương ứng với công việc. Nhận thức được trở ngại này, các cơ quan chức năng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp. Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nghề bằng cách hiện đại hóa chương trình và thiết bị giảng dạy, phấn đấu đến năm 2025 có 80% lao động đào tạo nghề thông thạo các kỹ năng công nghệ thông tin.

Mặc dù vậy, lực lượng lao động Việt Nam hiện tại ngày càng tiếp xúc với các kỹ năng và kiến thức giá trị gia tăng cao hơn. Có nhiều dấu hiệu cho thấy gia tăng về lĩnh vực sản xuất đang thể đi vào những ngành tạo ra các sản phẩm phức tạp hơn. Foxconn, một nhà cung cấp lớn của Apple, gần đây đã đầu tư thêm 300 triệu USD nhằm mở rộng hoạt động ở Việt Nam. Dự định sản xuất thêm sản phẩm công nghệ tân tiến như đồng hồ Apple của họ là những dấu hiệu cho thấy lực lượng lao động Việt Nam đang tiến dần lên trong chuỗi giá trị sản xuất.

Một tên tuổi lớn trong ngành phần mềm giá trị gia tăng cao, Synopsys, cũng vừa công bố sẽ mở rộng hoạt động thiết kế bộ vi xử lý và quan trọng hơn là chuyển một phần chương trình đào tạo kỹ sư sang Việt Nam. Với quy mô lớn hiện tại của Samsung, việc có thêm doanh nghiệp lớn tham gia vào thị trường là một tin tốt với Việt Nam, tạo điều kiện cho việc chuyển giao kiến thức trở nên đa dạng hơn. Dòng FDI ổn định vào Việt Nam cũng góp phần duy trì việc làm ổn định, Tổng cục Thống kê ghi nhận tỷ lệ lao động có việc làm chính thức tăng hơn so với phi chính thức.

Tựu chung lại, những bước phát triển của thị trường lao động Việt Nam tiếp tục duy trì tích cực. Sự hỗ trợ, phục hồi và cải thiện của thị trường lao động rất đáng khích lệ nhưng những kết quả này có được chủ yếu là do phục hồi kinh tế sau đại dịch. Về lâu dài, trọng tâm cần đặt vào những biện pháp khác nhằm nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động Việt Nam nhằm thúc đẩy năng suất và duy trì đà tăng trưởng.

Nhu cầu đang suy giảm trên các thị trường

Nhu cầu trong nước vững vàng tiếp tục là một yếu tố thuận lợi cho Việt Nam. Mặc dù vậy, tháng 10 là tháng đầu tiên có mức tăng trưởng một con số kể từ khi mở cửa biên giới trở lại đầu năm nay, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước và so với những mức tăng trưởng hai con số trước đây. Tăng trưởng giảm nhẹ diễn ra ở tất cả các lĩnh vực.

Du lịch, vốn luôn là ngành hỗ trợ phục hồi kinh tế, đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu chững lại xét về số lượt khách hàng tháng. Với 484.000 khách quốc tế ghi nhận trong tháng 10, số lượng khách quốc tế hiện tại chưa tới nửa mục tiêu 5 triệu do các cơ quan chức năng đặt ra cho năm 2022. Riêng lượng khách từ châu Âu và Hàn Quốc vẫn duy trì mạnh mẽ, đóng góp 40% tổng lượt khách đến Việt Nam.

Với các yếu tố bên ngoài, trở ngại cho thương mại vẫn tiếp tục gia tăng. Chỉ số sản xuất PMI tháng 10 đạt 50,6, vẫn trong vùng mở rộng nhưng cho thấy đà tăng trưởng giảm nhẹ trên mọi phương diện. Bất chấp tình hình cung cấp có cải thiện liên tục, nhu cầu toàn cầu sụt giảm đã ảnh hưởng lên tăng trưởng đơn hàng mới. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IP) cũng có dấu hiệu giảm đà tăng trưởng, chỉ số IP sản xuất tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chu kỳ tăng lãi suất tại Việt Nam vẫn chưa thể kết thúc - Ảnh 1.

Theo đà của sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của Việt Nam khởi đầu quý 4/2022 khá yếu, tháng 10 chỉ tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái (HSBC: 6,1%, Bbg: 9,0%). Bên cạnh nhu cầu hàng điện tử tiêu dùng hạ nhiệt, ngành dệt may/gia dày và máy móc – vốn là trụ cột xuất khẩu mạnh mẽ trong Quý 3/2022 cũng đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu chững lại.

Bất chấp mùa mua sắm cuối năm đang đến gần, nhu cầu đặt hàng điện tử và may mặc đang suy yếu khi những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ở phương Tây đang phải đối mặt với tình hình lạm phát cao và mức tồn kho lớn. Tình hình thương mại yếu đi cũng được các cơ quan chức năng Việt Nam ghi nhận, cụ thể, các quan chức thuộc Bộ Công thương đã nhận định về những khó khăn bên ngoài trong những tháng tới.

Trong khi đó, tăng trưởng nhập khẩu tháng 10 ở mức 7,1% so với cùng kỳ năm trước (HSBC: 10,7%, Bbg: 9,0%), tương đương mức 7,3% của quý 3/2022. Năng lượng tiếp tục đóp góp phần lớn vào tăng trưởng nhập khẩu, trong đó, giá năng lượng duy trì. Mặt khác, nhập khẩu điện tử tiếp tục phản ánh tình hình tương tự dữ liệu xuất khẩu. Lượng hàng nhập khẩu cho điện thoại và linh kiện thay thế ghi nhận đợt sụt giảm thứ ba liên tiếp, giảm 3% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu trong mảng điện thoại thông minh cũng thu hẹp lại càng khiến viễn cảnh về một trong những mảng xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam thêm phức tạp, cùng với việc báo đăng tin Apple cắt giảm sản xuất mẫu iPhone tầm trung mới. Bất chấp tình hình tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục giảm, cán cân thương mại duy trì như tháng 8 và tháng 9, ghi nhận thặng dư trong tháng 10. Mặc dù vậy, HSBC dự báo mức thặng dư thương mại sẽ không đủ để cân bằng lại tài khoản vãng lai cho năm nay và kỳ vọng năm thứ hai liên tiếp ghi nhận thâm hụt tài khoản vãng lai.

Lạm phát vượt mức 4%

Lạm phát toàn phần tháng 10 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức 4% do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra và phù hợp với dự báo của HSBC. Giá thực phẩm tiếp tục tăng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và phần nào phản ánh tác động của một số cơn bão và tình trạng mất mùa. Nhà cửa và xây dựng cũng tăng đáng kể, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước và thể hiện xu hướng tăng trong nhu cầu thuê, dịch vụ sửa chữ và vật liệu nhà cửa.

Trong khi chi phí vận tải không đóng góp nhiều vào tăng trưởng lạm phát toàn phầnso với cùng kỳ năm trước, một phần do giá xăng vẫn ở mức thấp hơn từ đầu năm nay, quan sát dữ liệu liên tục cho thấy giá cũng bắt đầu tăng nhẹ. Báo chí trong nước cũng đã đăng tin các trạm xăng gặp khó khăn trong việc nhập xăng, Bộ Công Thương đã yêu cầu hai nhà máy lọc dầu, Dung Quất và Nghi Sơn, phải tăng sản lượng để ứng phó với tình hình này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương lý giải tình hình này là do sự biến động của tỷ giá hối đoái, gây khó khăn cho hoạt động của các công ty kinh doanh xăng dầu. Như vậy, những sự kiện này nhấn mạnh rủi ro về tăng giá và HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ còn vượt mức 4% trong vài quý tới.

NHNN liên tiếp tăng lãi suất

Đồng Việt Nam đã giảm khoảng 8% tính đến thời điểm hiện tại so với đồng đô-la Mỹ, tháng 10 ghi nhận mức biến động thực tế tăng cao. Ngoài ra, áp lực lạm phát gia tăng đã dẫn tới NHNN một lần nữa có động thái mạnh tay. Có hiệu lực từ 25/10, NHNN nâng lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn 100 điểm cơ sở lên tương ứng 4,5% và 6,0%, phù hợp với dự báo của HSBC. Các lãi suất khác cũng được điều chỉnh tăng: lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 100 điểm cơ sở lên 7,0% và trần lãi suất tiền gửi đối với tiền đồng tại các ngân hàng thương mại tăng 50 điểm cơ sở lên 1,0% tùy kỳ hạn.

Trong thông báo của NHNN, cơ quan này đã nhắc đến những đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và việc đồng đô-la mạnh lên, nhấn mạnh áp lực không ngừng đối các ngân hàng trung ương châu Á. Đầu tháng 10, NHNN đã tăng biên độ tỷ giá từ ±3% lên ±5%, giảm bớt áp lực lên việc sử dụng dự trữ ngoại hối, vốn đã giảm 16% tính tới tháng 8 kể từ đỉnh tháng 1/2022. Trong bối cảnh các rủi ro gia tăng, NHNN đã có các động thái chủ động nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và xoa dịu lạm phát.

NHNN đã đưa ra nhiều động thái mạnh mẽ trong một khoảng thời gian ngắn, làm dấy lên dư luận về khả năng tăng biên độ tỷ giá lần nữa cho thấy chu kỳ tăng lãi suất vẫn còn chưa kết thúc. HSBC dự báo NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ sở ở cả quý 1 và 2 năm 2023, nâng lãi suất điều hành lên 7,0% vào giữa năm 2023.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm