Cuối năm thường là mùa cao điểm cho vay tiêu dùng như mua bất động sản, mua xe, đồ điện máy... song lãnh đạo các nhà băng nói "mọi thứ chậm lại, tín dụng tiêu dùng vẫn chưa qua đoạn đường khó khăn".
Chưa có số liệu đến cuối 2023, song vay tiêu dùng vốn đóng góp 20% tổng dư nợ chảy vào nền kinh tế, đến hết ba quý đầu năm ngoái mới chỉ tăng 1,5%. Tốc độ giải ngân cho vay tiêu dùng thấp nhất 5 năm, theo số liệu của Hiệp hội ngân hàng (VNBA).
Tại đầu tàu kinh tế TP HCM, cho vay phân khúc này đến hết tháng 10/2023 cũng chỉ tăng 1,4% trong khi cùng kỳ năm trước đó tăng trưởng gần 19%.
Người dân giảm vay mua nhà, xe
Anh Nguyễn Tùng (TP HCM) cho biết năm 2022, lúc thị trường vẫn sôi động, giá tăng từng tuần, anh vay ngân hàng hơn một tỷ đồng để mua lô đất nền ở tỉnh. Dự tính của anh là tận dụng mức lãi suất vay ưu đãi rất thấp trong năm đầu để có vốn lướt sóng lô đất nền này. Tuy nhiên, kế hoạch đổ bể. Hơn năm trời vẫn không tìm được người mua lại dù rao bán lô đất với giá huề vốn, anh "mắc kẹt" trong khoản nợ cả tỷ đồng và hàng tháng chịu áp lực trả lãi ngân hàng.
"Thu nhập nửa năm gần đây không còn được như trước. Giờ tôi chỉ mong bán được bất động sản để tất toán khoản vay, nhẹ bớt nợ. Giai đoạn này chắc không có ai dám đi vay lướt sóng bất động sản nữa", anh Tùng nói.
Hằng năm, vay mua bất động sản và sửa chữa nhà cửa là mảng trụ cột, đóng góp chủ chốt lớn vào dư nợ vay tiêu dùng. Đơn cử tại TP HCM, 65% dư nợ cho vay tiêu dùng tới cuối tháng 10/2023 là giải ngân cho vay mua, sửa chữa nhà và nhận chuyển nhượng bất động sản, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước TP HCM.
Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), cho vay mua nhà là động lực tăng trưởng chính của mảng bán lẻ trong nhiều năm nhưng chững lại trong 2023 do lãi suất neo cao và thị trường bất động sản "đóng băng". Dư nợ cho vay mua nhà toàn hệ thống tới cuối quý III/2023 thậm chí giảm 1% so với đầu năm.
Lãnh đạo nhà băng 100% vốn nước ngoài cho biết, vay ngân hàng để lướt sóng bất động sản trở nên rất rủi ro trong bối cảnh hiện tại khiến động lực người kinh doanh bất động sản suy giảm. "Do đó, lượng khách hàng vay mục đích đầu tư bất động sản giảm mạnh và chỉ còn những người có nhu cầu thật mới xuống tiền thời điểm này", ông nói.
Không chỉ vay mua bất động sản, các nhu cầu vay tiêu dùng khác như mua xe ôtô, đồ điện máy... cũng suy yếu khi người dân giảm thu nhập, siết hầu bao.
Anh Mạnh (59 tuổi, TP HCM) nói, từng có ý định vay mua ôtô để chạy dịch vụ xe công nghệ và kết hợp nhu cầu gia đình. Tuy nhiên, chứng kiến bạn bè chạy dịch vụ nhiều tháng qua thường xuyên ế ẩm và chưa thu hồi được tiền mua xe, anh đành suy nghĩ lại. Chưa kể, chính sách ưu đãi giảm phí trước bạ cũng đã dừng trong năm nay khiến ý định mua xe với anh Tùng phải tạm gác lại.
Tính đến hết tháng 10/2023, sản lượng tiêu thụ ôtô giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn trên thị trường điện máy, sức mua yếu và kéo dài khiến các hãng điện máy trong mùa cao điểm cũng lao vào cuộc chiến giảm giá gay gắt nhưng tình hình vẫn ảm đạm.
Giới ngân hàng ngại cho vay trước rủi ro tăng nhanh
Cho vay bán lẻ từng là miếng bánh ưa thích của các ngân hàng nhưng nay, chính họ cũng thận trọng với phân khúc này. Nợ xấu của nhóm cho vay tiêu dùng tăng nhanh, từ mức 2% giai đoạn 2018 - 2022, lên 3,7% vào nửa cuối năm 2023, theo số liệu của Hiệp hội ngân hàng.
Nhiều nhà băng theo đó đã tạm hoãn hoạt động mở rộng thị phần bán lẻ, nhằm thích ứng bối cảnh thị trường. Số liệu của VCBS cho thấy tỷ trọng tín dụng bán lẻ trên tổng dư nợ giảm từ 47% hồi cuối 2022 xuống 46% vào cuối quý III/2023.
Tại hội nghị với nhà đầu tư vào 2023, ông Hồ Văn Long, Phó tổng giám đốc VIB nói cách thức phân bổ tín dụng khác phải điều chỉnh so với trước.
"Những năm trước, VIB ưu tiên hạn mức tín dụng cho khối bán lẻ để phát triển thị trường cho vay bất động sản, mua ôtô và thẻ tín dụng. Nhưng do nhu cầu cốt lõi với sản phẩm cho vay bán lẻ phục hồi chậm, nên ngân hàng sẽ nhường chỗ cho các mảng khác như cho vay doanh nghiệp và trái phiếu", ông Long nói.
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank), cũng cho rằng bản thân nhà băng muốn đẩy mạnh mảng bán lẻ và không muốn mở rộng thêm danh mục cho vay với khách hàng doanh nghiệp, nhưng bối cảnh thị trường lúc này "không phù hợp".
Trong môi trường hiện nay, theo CEO Techcombank, các công ty và tập đoàn lớn có sức chống chịu tốt hơn. Nguồn tiền từ nhóm này đa dạng, đến từ các cấu phần khác nhau của nền kinh tế, giúp khả năng cân bằng của họ tốt hơn. "Chúng tôi không dừng mở rộng mảng bán lẻ, nhưng nếu phải tìm kiếm nơi rót tiền lúc này, đó nên là các doanh nghiệp lớn", Tổng giám đốc Techcombank cho biết.
Với 16 công ty tài chính phục vụ tệp khách hàng "dưới chuẩn" ngân hàng, bức tranh thậm chí càng xấu hơn. Chiếm 5% dư nợ cho vay tiêu dùng là từ các công ty tài chính, cho vay của nhóm này sụt giảm mạnh. Dư nợ của 16 công ty tài chính cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tính đến tháng 8/2023 thậm chí giảm hơn 30% so với đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính, theo Tổng thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng, thậm chí có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Nhiều công ty có những giai đoạn phải dừng việc cho vay mới.
Ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tài chính tiêu dùng (Hiệp hội Ngân hàng) trong một cuộc họp, phát biểu: "Tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó nhất 15 năm qua".
Với phân khúc vay tín chấp tại các công ty tài chính, đối tượng khách hàng chính là người thu nhập trung bình thấp, trải qua một năm khó khăn. Nhiều công nhân mất việc, giảm thu nhập... khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.
Ông Marcin Figlus, Giám đốc Quản trị rủi ro FE Credit, cho hay các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đang đối mặt một vấn đề nan giải chung trong công tác thu hồi nợ, đó là hoạt động bùng nợ có tổ chức bộc phát trong xã hội. Một bộ phận khách hàng đang cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ chính đáng của các công ty được cấp phép là phạm pháp để tẩy chay và chây ỳ việc trả nợ.
Dù vẫn có chương trình thúc đẩy cho vay nhưng bà Olena Khlo, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội, cho biết sẽ không đẩy mạnh giải ngân một cách quyết liệt mà cho vay có chọn lọc. "Trong 17 năm làm việc ở lĩnh vực tài chính ngân hàng, đây là một trong những năm khó khăn nhất", bà nói.
Nợ xấu tăng nhanh trong khi việc thu hồi nợ gặp khó là điểm chung khiến các công ty tài chính co mình lại. Theo lãnh đạo các công ty tài chính, bức tranh thời gian tới cũng chưa thể sớm khởi sắc. Do đó, cho vay tiêu dùng khó trở lại thời hoàng kim.
Tuy nhiên, giới phân tích kỳ vọng vay mua nhà sắp tới sẽ dẫn dắt tăng trưởng phân khúc vay tiêu dùng nhờ nhu cầu mua nhà để ở thực vẫn ở mức cao và một phần nhu cầu đầu tư tài sản tăng trở lại.