Chứng khoán

Chính thức: Luật hóa 6 hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Ngày 29/11/2024, Quốc hội biểu quyết thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo trong lĩnh vực chứng khoán và thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Theo đó, Luật Chứng khoán được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 của Luật sửa 9 Luật, cụ thể các nội dung chính được sửa đổi, bổ sung như sau:

Bổ sung quy định về nâng cao tính minh bạch, hiệu quả cũng như tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán .

Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung thêm quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; bổ sung thêm quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là tổ chức và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân được tham gia trong một số trường hợp cụ thể (trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm hoặc trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm và có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng).

Tại khoản 4, Điều 1, Luật đã bổ sung Điều 11a vào sau Điều 11 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo. Đồng thời, cụ thể quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ, tổ chức tư vấn hồ sơ, tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên được chấp thuận, các tổ chức, cá nhân ký xác nhận… liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Việc sửa đổi nhằm hướng tới hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán. Trên cơ sở đó, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm.

Luật sửa đổi cũng đưa ra 6 nhóm hành vi bị coi là thao túng TCCK: (1) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình, hoặc của người khác, hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; (2) Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; (3) Mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm thao túng giá chứng khoán; (4) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán; (5) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; (6) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán

Theo đó, Luật sửa đổi hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 55 như sau: “Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quyết định thành lập công ty con và tổ chức, phân công thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật này cho công ty con sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận”.

Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 56: “Thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch cho các chứng khoán giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán. Trường hợp thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch cho chính thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 63: “Hoạt động bù trừ, xác định nghĩa vụ thanh toán tiền và chứng khoán được thực hiện thông qua Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hoặc công ty con của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam”.

Ngoài ra, các quy định đối với chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng được bổ sung quy định rõ ràng hơn. Đối với chào bán trái phiếu ra công chúng, Luật đã bổ sung điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng phải đáp ứng quy định của Chính phủ về đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và xếp hạng tín nhiệm.

Luật Chứng khoán sửa đổi còn bổ sung quy định về một số trường hợp hủy bỏ đợt chào bán như phát hiện đợt chào bán trái phiếu, chứng quyền có bảo đảm ra công chúng vi phạm quy định…, và ngoại trừ đối với cổ phiếu, cổ phiếu được chuyển đổi từ trái phiếu chuyển hoặc cổ phiếu được mua từ chứng quyền đã được đưa vào niêm yết hoặc đăng ký giao dịch thì không hủy bỏ...

Ngoài ra, Luật Chứng khoán sửa đổi cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng khác như: quy định về đình chỉ, hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ tương ứng với chào bán chứng khoán ra công chúng; sửa đổi, bổ sung quy định về công ty đại chúng…

Cùng chuyên mục

Đọc thêm