Tài chính

Chính sách tiền tệ không phải là tất cả, cần tập trung bơm tiền vào 5 lĩnh vực và ba động lực của nền kinh tế

Tại tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới", các chuyên gia cho biết điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ là phù hợp, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn một số vướng mắc.

'Chính sách tiền tệ quan trọng, nhưng không phải tất cả'

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, TS. Võ Trí Thành cho biết các nước đều rất quan tâm tới cả hai mục tiêu: ổn định vĩ mô, kìm hãm lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.

Dù theo hướng nào, theo ông Thành, tuyên ngôn của các Ngân hàng trung ương phải rất rõ ràng về mục tiêu. Chẳng hạn, Mỹ và châu Âu ấn định mục tiêu lạm phát cuối cùng phải trở về 2%. Bên cạnh đó, các NHTW này đều thay đổi chính sách tiền tệ theo cách ít gây tổn hại nhất đến phục hồi kinh tế và tăng trưởng.

Ở Nhật Bản và Trung Quốc, các NHTW lại tập trung vào phục hồi tăng trưởng, nhưng vẫn theo dõi chặt chẽ biến động của lạm phát để điều chỉnh nếu cần thiết. 

Với bài học thứ hai, ông Thành lập luận rằng các nước phát triển cũng có những sai lầm trong chính sách, nhất là khi những chính sách này ảnh hưởng đến sự ổn định, độ an toàn và sự lành mạnh của thị trường tài chính ngân hàng.

Ông lấy một loạt ví dụ, từ cuộc khủng hoảng châu Á, tới khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, khủng hoảng ngân hàng khu vực của Mỹ đầu năm nay và cả những sự "rung lắc, chấn động" của một số ngân hàng Việt Nam trong năm vừa qua. Ông Thành kết luận rằng chính sách cần đảm bảo sự an toàn, lành mạnh cho hệ thống tài chính ngân hàng.

TS. Võ Trí Thành chia sẻ thông tin về kinh nghiệm các nước trên thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn, thực hiện chính sách tiền tệ. (Ảnh: Quang Thương/VGP ).

Theo chuyên gia, một yếu tố khác rất quan trọng là kết hợp các chính sách để đạt được cùng lúc nhiều mục tiêu. Ông khẳng định "Muốn đa mục tiêu phải đa công cụ. Chính sách tiền tệ quan trọng, nhưng không phải tất cả".

"Và trong những điều kiện nhất định, đặc biệt là với nền kinh tế mở, khi một chu chuyển vốn rất mạnh thì nhiều khi chính sách tiền tệ không khéo hiệu lực lại rất thấp. Thế nên kể cả đa mục tiêu, chúng ta phải phối hợp rất chặt chẽ với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa, ngân sách", ông Thành nhận định.

Trong đại dịch cũng như gần đây, chính sách tài khóa đã hỗ trợ tốt cho chính sách tài khóa và ngược lại, ông nói thêm. Ngoài ba bài học trên, ông cho rằng Việt Nam cũng cần bám sát thông tin, linh hoạt, minh bạch.

Ưu tiên bơm tiền vào ba động lực thúc đẩy kinh tế

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế: Chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua sát với tình hình cả quốc tế và trong nước. (Ảnh: Quang Thương/VGP).

TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc bơm vốn ra nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiện nay phải định hướng kênh tín dụng vào những lĩnh vực nào, ngành nghề nào.

Theo ông, đầu tiên dứt khoát phải vào 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.

Thứ hai là tập trung vào ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế có trọng tâm, trọng điểm.

"Bây giờ những gì đang xuất khẩu tốt thì chúng ta cần vốn thì phải bơm vốn ngay, đó là nguyên nhân có gói 15.000 tỷ với lâm thủy sản là như vậy. Và kể cả gạo, nếu như gạo chúng ta đang xuất khẩu tốt, cà phê xuất khẩu tốt, cần tiền thì sẵn sàng có những gói tín dụng mới", ông Lực nói.

Tiếp đến là lĩnh vực đầu tư, đặc biệt liên quan đến đầu tư xây dựng và bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội hoặc là nhà ở. Hiện tại đã có những gói tín dụng đang ưu tiên cho lĩnh vực này.

Thứ ba là tiêu dùng. Theo chuyên gia thông điệp của Chính phủ rất rõ, bây giờ phải kích cầu tiêu dùng. Chúng ta linh hoạt và phù hợp điều kiện cho vay tiêu dùng nhưng bây giờ khâu tổ chức thực hiện như thế nào mà thôi.

'Lãi suất công khai là một chuyện, lãi suất thực tế lại khác'

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết có nhiều doanh nghiệp đã báo cáo trường hợp rằng lãi suất đã giảm nhưng có tình trạng một số ngân hàng thu qua các hình thức khác, qua phí, qua những ràng buộc, hợp đồng khác.

Ông cho rằng cần rà soát và khắc phục tình trạng này trong thời gian tới. Ngoài ra, để chính sách tiền tệ có tác động tốt nhất tới doanh nghiệp thì việc đồng bộ nhóm chính sách là rất quan trọng. Chẳng hạn, vẫn có những chính sách làm tăng chi phí rất lớn, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn của doanh nghiệp.

Đại diện VCCI cho biết doanh nghiệp nhiều ngành hàng nói về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng chậm, trực tiếp ảnh hưởng tới dòng vốn doanh nghiệp. Quốc hội có Nghị quyết giảm 2% thuế VAT, nhưng hiện nhiều ngành hàng, một số cơ quan quản lý nhà nước đang rục rục tăng phí, thu lại phí.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, người đóng vai trò điều phối tọa đàm, cũng cảnh báo rằng nếu không khéo léo thì chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ bị chính sách khác vô hiệu hóa, triệt tiêu. 

"Lãi suất giảm được mấy đồng nhưng lại tăng phí", ông cho biết. "Một số doanh nghiệp đều nói là lãi suất công khai là một chuyện, lãi suất thực tế là một chuyện khác, không biết là giảm được bao nhiêu". 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm