Thời sự

"Chính sách tài khóa sẽ giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực do nhu cầu toàn cầu chững lại"

Trong báo cáo chiến lược năm 2023 vừa công bố, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhấn mạnh chính sách tài khóa sẽ giúp giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực do nhu cầu toàn cầu chững lại.

Theo VCSC, các yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 phải kể đến dư địa tài khóa lớn có thể giúp hỗ trợ tăng trưởng thông qua đầu tư công.

Yếu tố thứ hai là đà phục hồi của của khách quốc tế đến Việt Nam (năm 2022 đã tương đương 20% so với mức trước dịch COVID-19).

Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài áp dụng các lệnh phong tỏa COVID-19 sẽ là yếu tố tích cực đối với xuất khẩu và khách du lịch đến Việt Nam. Yếu tố cuối cùng là giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng.  

 

 

 

Mới đây, trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán 2023, FiinGroup cũng cho rằng giải ngân đầu tư công là một trong những yếu tố cần theo dõi. Các chuyên gia tại đây nhấn mạnh kỳ vọng đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công giúp tháo gỡ “nút thắt” về vốn trong nền kinh tế.

Theo FiinGroup, việc cho phép Bộ GTVT được chỉ định thầu xây lắp tại 12 dự án cao tốc lớn cho thấy quyết tâm của Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhưng cần lưu ý đến tiến độ giải phóng mặt bằng tại các dự án này để có thể đánh giá thực tế giải ngân.    

Đồng quan điểm, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng chính sách tài khóa cao nhất lịch sử 792.000 tỷ là một trong 4 yếu tố tác động tăng trưởng GDP năm nay.

Theo BSC, trong tình trạng lãi suất và lạm phát cao của năm 2023, môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước khó khăn sẽ khiến giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước (NSNN) trở thành một trong những liều thuốc mạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điều này tiếp tục được phản ánh trong gói dự toán NSNN 2023 với tổng vốn đầu tư đạt 792.000 tỷ đồng (bao gồm 103.000 tỷ đồng của gói kích thích kinh tế).

BSC dự báo giải ngân vốn NSNN năm 2023 ước tính đạt từ 554.740 tỷ đồng đến 673.614 tỷ đồng, tương với tốc độ tăng trưởng từ 8,4 - 31,7% so với cùng kỳ).  

 

Nhận định về các chỉ tiêu khác, VCSC hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ 6,7% xuống 6,5% và kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7%, do tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc có thể tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 trước khi phục hồi trở lại trong nửa cuối năm 2023 và trong năm 2024. 

Rủi ro đối với dự báo trên gồm giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn dự kiến; áp lực tái cơ cấu nợ cao - đặc biệt là đối với các công ty bất động sản - khi một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024; kinh tế toàn cầu tiếp tục chững lại có thể gây tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam; các diễn biến bất ổn toàn cầu như việc Trung Quốc trì hoãn mở cửa trở lại, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát toàn cầu tiếp tục cao và Fed tăng lãi suất cao hơn dự kiến.

Hai yếu tố hỗ trợ, theo VCSC là đà phục hồi của kinh tế toàn cầu nhanh hơn kỳ vọng - đặc biệt là ở Mỹ - có thể cải thiện nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ mở cửa nền kinh tế. 

Dự báo thêm, khối phân tích kỳ vọng vốn FDI giải ngân sẽ duy trì ổn định, tăng trưởng 7 - 8%/năm đạt khoảng 24 - 26 tỷ USD trong năm 2023 và 2024. Hai yếu tố hỗ trợ gồm hoạt động nghiên cứu khả thi cho các dự án mới cải thiện sau thời gian gián đoạn do dich COVID-19 và các công ty đa quốc gia đa dạng hóa hoạt động đầu tư ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn.

Ngoài ra, Việt Nam còn có một số  lợi thế cơ bản như vị trí địa lý, chi phí lao động cạnh tranh và một loạt các hiệp định thương mại tự do.

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu năm 2023 được hạ dự báo lần lượt từ 7,5% và 8% xuống 6% và 6,5% (tương đương thặng dư thương mại 10,0 tỷ USD) do nhu cầu toàn cầu suy yếu.

VCSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng thương mại sẽ phục hồi trở lại trong năm 2024 với dự báo tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu đạt lần lượt là 14% và 13,5% (tương đương thặng dư thương mại 13,0 tỷ USD).

Các chuyên gia tại đây cho rằng áp lực lạm phát sẽ cao hơn trong năm 2023 do một số dịch vụ do Nhà nước điều hành giá có thể tăng trong năm 2023 sau nhiều năm duy trì ổn định hoặc giảm giá để hỗ trợ người dân/ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân sẽ vẫn nằm trong tầm kiểm soát ở mức 4% trong cả 2 năm 2023 và 2024 do giá hàng hóa cơ bản trên toàn cầu - đặc biệt là dầu thô - dự kiến giảm, sẽ phần nào giúp giảm bớt áp lực lạm phát.

Tỷ giá USD/VND dự báo duy trì ổn định trong năm 2023 và 2024 khi chu kỳ tăng lãi suất của Fed đang gần đạt đỉnh. Bên cạnh đó, theo dự báo đồng thuận của Bloomberg, USD có thể yếu hơn vào năm 2023 và 2024. Ngoài ra, nguồn cung USD kỳ vọng ổn định từ giải ngân FDI, kiều hối, thặng dư thương mại hàng hóa, và thâm hụt thương mại dịch vụ dần thu hẹp (nhờ khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam) sẽ hỗ trợ NHNN trong việc điều hành tỷ giá USD/VND. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm