Thời sự

Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ một cách hợp lý, hiệu quả

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho rằng, Chính phủ Việt Nam rất nỗ lực trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thực hiện một loạt các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách hợp lý, hiệu quả. (Ảnh: VGP/Quang Thương).

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó với các thách thức toàn cầu trong nửa đầu nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025, bà Dorsati Madani nhấn mạnh tầm quan trọng của Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế mà Chính phủ đã ban hành hồi đầu năm ngoái.

Trước đó, vào năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Việc ban hành và thực hiện hiệu quả 2 chương trình này đã cho thấy rõ ràng Chính phủ thể hiện ý định và quyết tâm cao đối với hỗ trợ nền kinh tế.

Thêm vào đó, trong năm 2023 này, Chính phủ rất nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Sau bao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng năm 2023 đã đạt kết quả tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2022 cả về số vốn và tỉ lệ so với kế hoạch.

Về khía cạnh tiền tệ, theo chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã luôn nhận thức rất rõ ràng và theo dõi rất chặt chẽ tình hình. Bên cạnh đó, NHNN đã phản ứng nhanh trước sự thay đổi của các yếu tố bên ngoài.

"Gần đây nhất là khi NHNN cố gắng đưa ra các biện pháp giúp tăng trưởng tín dụng và thúc đẩy các hoạt động kinh tế thông qua việc giảm lãi suất trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2023", bà Dorsati Madani nhấn mạnh.

Đề cập tới nỗ lực tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, chuyên gia kinh tế WB cho rằng, việc nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 lên 90 ngày kể từ 15/8 là một quyết sách hoàn toàn đúng đắn.

Việt Nam rõ ràng là một điểm đến rất hấp dẫn đối với nhiều du khách nước ngoài. Tính chung 7 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước. Đây là một bước tiến lớn so với thời gian cùng kỳ năm ngoái.

"Tôi hy vọng rằng con số này sẽ còn tăng cao hơn trong những tháng cuối năm nay. Tuy vậy, tổng lượng khách quốc tế mới chỉ bằng 67,5% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Do đó, vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy phát triển và việc miễn thị thực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng phục hồi và thậm chí có thể tăng trưởng hơn nữa cho ngành du lịch trong tương lai", chuyên gia WB nhận định thêm.

Tiêu dùng nội địa - động lực chính của tăng trưởng

 

Theo bà Dorsati Madani, thực tế cho thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với những cú sốc và ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, sự suy giảm nghiêm trọng trong xuất khẩu, và nền kinh tế trong nước đang chậm lại.

Trong những tháng cuối năm 2023, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa là 3 động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, về cơ bản động lực chính vẫn là tiêu dùng nội địa.

Theo đó, tiêu dùng tư nhân sẽ vẫn đứng vững, tăng 6% so với cùng kỳ, đóng góp 3,4 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP. Trong khi đó, đầu tư sẽ đóng góp 1,8 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP.

Cuối năm nay và sang đến năm 2024, xuất khẩu sẽ tăng lên một chút nhờ vào kinh tế toàn cầu đang có dấu hiện phục hồi, do vậy, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sẽ có dấu hiệu gia tăng.

Chuyên gia của WB cũng đề xuất việc đa dạng hóa các sản phẩm và điểm đến xuất khẩu để xây dựng khả năng phục hồi trung hạn trước các cú sốc bên ngoài.

WB đặc biệt chú trọng giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công - động lực tăng trưởng hàng đầu cho Việt Nam. Theo đó, các cơ quan chức năng cần và nên đặt ra các mục tiêu cụ thể về việc thực hiện các chương trình đầu tư lớn của quốc gia; linh hoạt hơn trong phân bổ ngân sách; linh hoạt trong đấu thầu, tiến hành một số hoạt động đấu thầu trước để nâng cao hiệu quả đầu tư công; bảo đảm trách nhiệm giải trình của các cấp.

Bên cạnh đầu tư công, các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng khi kinh tế chững lại cũng là cách hỗ trợ tổng cầu. Nợ vẫn ở mức bền vững và Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa dồi dào để sử dụng chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ cho tổng cầu.

Cùng với giải pháp ngắn hạn, WB lưu ý cơ cấu nền kinh tế cần được thực hiện để giúp nâng cao năng suất và tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế.

Do đó, cùng với các giải pháp thúc đẩy đầu tư công, và kích thích tiêu dùng trong nước, WB khuyến nghị, cần chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu và thúc đẩy hội nhập.

Hướng đến phát thải ròng bằng 0 - mục tiêu rất quan trọng và đầy tham vọng

Liên quan tới nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chuyên gia kinh tế cao cấp WB cho biết, đây là mục tiêu rất quan trọng và đầy tham vọng. Để hướng tới thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành một loạt các chiến lược và chương trình hành động.

Bà Dorsati Madani bày tỏ hy vọng rằng, Việt Nam sẽ nhanh chóng triển khai các chương trình nghị sự về tăng trưởng xanh. Điều quan trọng là Chính phủ cần kết hợp giữa thích ứng và giảm thiểu.

Khi Chính phủ xem xét triển khai dự án, điều thực sự quan trọng là phải tính đến các khía cạnh môi trường của dự án đó và quá trình thực hiện. Theo đó, cần phải chuẩn bị đầy đủ kinh phí để thực hiện đánh giá, thẩm định tính khả thi, nghiên cứu sớm và tính toán đến các yếu tố về môi trường trong các dự án này.

Ngoài ra, về phía tư nhân, Chính phủ có thể khuyến khích thông qua chính sách tài khóa, thuế carbon, các công cụ tài khóa khác nhằm thay đổi hành vi của nhà sản xuất và cả người tiêu dùng. Vì vậy, thông qua các biện pháp về thuế và trợ cấp, các doanh nghiệp hướng đến sản xuất theo hướng xanh hơn và người tiêu dùng hướng đến xu hướng tiêu dùng xanh, muốn mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.      

Cùng chuyên mục

Đọc thêm