Tại báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43 liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Nguyên nhân là dodù đã nỗ lực song nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa thể giải quyết được ngay, dự kiến có 5/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt mục tiêu đề ra trong năm nay.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2024 và đạt được tăng trưởng theo mục tiêu đề ra là 6-6,5% thì Chính phủ tiếp tục kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh nguồn lực thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Thành Trung, tính đến hết tháng 9/2023 đã giải ngân các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt khoảng 95,7 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số chính sách đã hết thời gian thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình còn chậm, có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra của chính sách.
Bên cạnh một số chính sách hỗ trợ người lao động, Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định được tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43.
Đối với số vốn không thực hiện hết khi kết thúc thời gian thực hiện chính sách dự kiến 38.592 tỷ đồng, Chính phủ trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực, không làm tăng bội chi, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đề xuất.
Thứ hai là cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đến hết năm 2025. Giao Chính phủ rà soát, xác định rõ số vốn cần kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Chính phủ cũng đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chuyển 16.100 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện 4 chính sách cho vay ưu đãi nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho thêm hơn 330 nghìn hộ gia đình và hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 345 nghìn lao động.
Chính phủ cần có đánh giá tổng thể
Trước đề xuất trên,Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ có phân tích đánh giá căn cơ hơn về những hạn chế trong thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.
Từ đó, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Phát triển mạnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.
Lo ngại những khó khăn của nội tại nền kinh tế sẽ tác động rất lớn đến kế hoạch và mục tiêu tăng trưởng của năm 2024, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ đánh giá thêm về tính hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua, tại sao lãi suất giảm nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn tăng thấp.
Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hiện nay tình trạng giải ngân đầu tư công tuy cải thiện nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Tính đến hết tháng 8 vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao, có tới 20/51 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương.
Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ đánh giá về sự phục hồi của tiêu dùng trong nước và tác động đến sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế khi tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm nhiều từ đầu năm, quý I tăng 13,9%, tháng 5 tăng 11,5%, tháng 8 chỉ tăng 7,6% cho thấy tổng cầu trong và ngoài nước đều suy yếu; đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu và triển vọng phục hồi đơn hàng trong thời gian tới, các giải pháp căn cơ hơn để bảo đảm hiệu quả chi ngân sách nhà nước, hỗ trợ phục hồi tổng cầu và tăng trưởng kinh tế.