Nhận thấy việc chuyển sang nền nông nghiệp xanh, phát thải thấp là xu hướng thiết yếu, Greenfeed - doanh nghiệp có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp - thực phẩm xác định phát triển bền vững là trọng tâm.
Để làm được điều này, doanh nghiệp đã đưa ra khái niệm về chuỗi thực phẩm lành 3F Plus (Feed - Farm - Food Plus) với chu trình kiểm soát chặt chẽ, khép kín từ thức ăn chăn nuôi, con giống, chế biến thực phẩm đến phân phối sản phẩm. "Thành quả từ mô hình này sẽ là một chuỗi giá trị giúp tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, tiết kiệm tài nguyên, và kinh doanh vững bền", đại diện doanh nghiệp khẳng định.
Mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế
Với tầm nhìn trở thành doanh nghiệp bền vững hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, Greenfeed chú trọng đảm bảo chất lượng xuyên suốt quá trình làm ra thành phẩm. Cụ thể, công ty vận dụng quy trình chăn nuôi 5 sao quốc tế của PIC - nhà cung cấp công nghệ di truyền giống hàng đầu thế giới vào chuỗi sản xuất của mình nhằm tối ưu năng suất, chi phí vận hành, và đảm bảo vật nuôi phát triển đồng đều.
Hệ thống trại cũng được vận hành theo công nghệ châu Âu, có đầy đủ chứng nhận an toàn dịch bệnh của Cục Thú y, chứng nhận VietGAP và truy xuất nguồn gốc Pig Trak. Về con giống, từ năm 2011 đến nay, doanh nghiệp liên tục đầu tư nghiên cứu và mở rộng quy mô trại heo, trong đó Trung tâm heo giống hạt nhân - cụ kỵ tại Cư Jút, Đăk Nông đạt đến quy mô châu Á với vốn đầu tư 50 triệu USD. Ngoài quy trình chăn nuôi, đơn vị cũng hợp tác với PIC để phát triển heo giống hậu bị ưu việt, phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại Việt Nam, mang lại năng suất cao, chất lượng tốt.
Song song, doanh nghiệp cho biết đang tận dụng hiệu quả khoản đầu tư trị giá 1.000 tỷ đồng (tương đương 43 triệu USD) của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) - dưới hình thức trái phiếu kỳ hạn bảy năm (từ năm 2011) để mở rộng hoạt động chăn nuôi bền vững, từ đó đảm bảo nguồn cung thực phẩm ổn định, an toàn cho người tiêu dùng.
Từng bước đặt nền tảng cho hành trình phát triển bền vững, Greenfeed tập trung triển khai các sáng kiến thực hành kinh tế tuần hoàn trong chuỗi 3F Plus, xử lý nước thải, chuyển đổi năng lượng sạch và đạt nhiều kết quả ban đầu khả quan.
Cụ thể, chất thải trong hoạt động chăn nuôi sẽ đưa qua hệ thống xử lý và thu hồi khí biogas để chạy máy phát điện, phần chất thải rắn được sử dụng để ủ composting làm phân bón hoặc nuôi trùn quế để thu phân trùn hữu cơ có lợi cho cây trồng. Bên cạnh điện khí sinh học (biogas), doanh nghiệp còn triển khai điện mặt trời áp mái và chuyển sang sử dụng nhiên liệu biomass để vận hành lò hơi tại các nhà máy thức ăn chăn nuôi nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Công ty đặt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, góp sức cùng Việt Nam trên hành trình thực hiện cam kết "Net Zero", tăng trưởng xanh vào năm 2050.
Thúc đẩy chuyển đổi số
Song song với các hoạt động trên, doanh nghiệp cũng thúc đẩy quá trình số, triển khai trên toàn chuỗi nhằm nâng cao hiệu suất. Đại diện Greenfeed Việt Nam cho biết các sáng kiến của doanh nghiệp đã đem đến số liệu khởi sắc, trong 9 tháng đầu năm, việc chuyển đổi số đã giúp đơn vị tăng 80% tỷ lệ hài lòng của khách hàng nội bộ và đối tác; giảm 30% chi phí vận hành hệ thống và tối ưu thời gian trong quá trình vận hành.
Với ngành thực phẩm, công ty thực hiện mở rộng kênh phân phối ra website và các trang thương mại điện tử để người tiêu dùng với các thói quen mua hàng trực tuyến có thể dễ dàng tiếp cận sản phẩm của thương hiệu. Trước đó, năm 2021, công ty giới thiệu DigiFarm - ứng dụng quản lý vận hành trại từ xa, công cụ hỗ trợ các nhà đầu tư và người chăn nuôi có thể theo dõi những thay đổi về môi trường và tình trạng hoạt động thiết bị ở mỗi trang trại, từ đó tối ưu hiệu suất chăn nuôi.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Greenfeed cũng dành nhiều sự quan tâm đến cộng đồng và cam kết sẽ tiếp tục tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp để sẻ chia các giá trị lành đến cộng đồng, đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em thông qua các chương trình như Tiếp sức nhà nông, Bữa ăn trọn vẹn. Trong đó, chương trình Bữa ăn trọn vẹn đặt mục tiêu sẽ cung cấp 2 triệu bữa năm vào cuối năm 2022, 3 triệu bữa ăn vào năm 2024, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn và cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam.