Bất động sản

Muốn cải tạo chung cư cũ, cần ưu tiên tính mạng người dân thay vì quyền lợi

Tại hội thảo “Giải pháp cải tạo chung cư cũ và quản lý, vận hành nhà chung cư” diễn ra ở Hà Nội, ông Trần Ngọc Minh - Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Hiện có 1.579 chung cư đã thống kê đầy đủ, còn 300 chung cư là nhà tự quản của các đơn vị, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp còn chưa bàn giao cho thành phố. Tổng số có khoảng gần 1800 chung cư cũ.

Ông Minh nhấn mạnh, bởi vấn đề thời hạn sở hữu chung cư mà việc cải tạo chung cư cũ gặp nhiều vướng mắc.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội chia sẻ rằng: “Tôi đã đi đến nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore,... những nơi có mật độ xây dựng dày đặc, nhà cao tầng như “bó đũa”, vậy nhìn xem họ giải quyết chung cư cũ - mới ra sao, chúng ta có thể học hỏi”.

Theo ông Cường, liên quan đến việc xử lý, cải tạo chung cư cũ, chúng ta đang bị sa đà quá vào việc phải làm thế nào để hài hòa lợi ích, đảm bảo quyền lợi cư dân trong suốt nhiều năm nay. “Tam giác” cư dân - chủ đầu tư - cơ quan quản lý Nhà nước đã làm chúng ta loay hoay không tìm được lối ra, trong khi các vụ tranh chấp, kiện tụng vẫn tiếp tục xảy ra.

Ông Cường dẫn ví dụ, ở Brazil, một tòa chung cư đổ sụp chỉ vì thiếu sự gắn kết trong hệ thống kết cấu. Một tòa nhà ở Thái Lan đổ sập vì lượng băng tuyết đè nặng trên mái nhà suốt 4 năm. Một tòa nhà 12 tầng ở Florida đổ sập vì rò rỉ khí gia, sàn nhà bốc cháy khiến đổ sập theo hiệu ứng domino trong vòng 10 giây... Các nhà cao tầng giống như các khúc mía xếp chồng lên nhau. Chỉ cần một chuyển động ngang bất thình lình, bỏ đi một đốt là tất cả bị sập hết.

Dẫn ví dụ này, ông Cường nhấn mạnh, nếu không cải tạo, toà chung cư cũ ở Việt Nam đổ sập, thì hậu quả rất khó lường. Đó là lý do ông Cường nhấn mạnh, cần ưu tiên bảo vệ tính mạng con người hay quyền lợi người dân ở đây. Bởi theo ông Cường, mọi chung cư chỗ nào cũng cơi nới, trong khi bê tông có tuổi thọ, cũng bị ảnh hưởng chất lượng theo thời gian. Đến một lúc nào đó, không cần tải trọng nặng hay chấn động lớn, tòa nhà cũng sẽ tự sụp đổ.

Thêm nữa, nếu cứ bàn về quyền lợi thì câu chuyện sẽ còn rất dài và không có hồi kết. Nếu ưu tiên đảm bảo hài hòa lợi ích trong khi không có thang đo thì bao giờ mới có hài hòa. Nếu cứ mãi trong “tam giác” chủ đầu tư - cư dân - Nhà nước thì sẽ vẫn mãi luẩn quẩn.

Cũng theo ông Cường, kinh nghiệm từ Nhật hay Singapore, trước khi họ phá hỏng tòa nhà thì họ đã tiến hành xã hội hóa, rồi sau đó tổ chức đấu thầu, đầu tư, xây dựng, đến lúc đưa vào khai thác sử dụng,...Nhà nước chỉ đưa ra cơ chế.

Ông Cường cũng nhấn mạnh: “Phải có chiến lược đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành. Ở một số nước, các giải pháp về kiến trúc, cơ sở hạ tầng, diện tích sử dụng,... thì người dân đều được đưa ra lựa chọn bằng hình thức bỏ phiếu. Tòa nhà quá hạn sử dụng là không thể được sử dụng nữa, chứ đừng nói đến chuyện vẫn đem ra mua bán”.

Ở Việt Nam bây giờ, giá những căn chung cư cũ có khi còn giá cao hơn cả căn mới,nhiều người nghĩ rằng đợi đến khi được xây dựng lại sẽ có giá cao hơn. Do đó, phải xem xét gốc rễ vấn đề. Những tòa nhà cũ không đảm bảo an sinh xã hội, đe dọa tính mạng con người thì không đưa vào sử dụng nữa.

Về vấn đề nguồn vốn, ông Cường cho rằng, nếu không có tài chính đầu tư xây dựng thì có thể xem xét huy động xã hội hóa. Còn nếu cứ xây dựng và đưa vào sử dụng những khu nhà đẹp, hiện đại đầy đủ tiện ích trường học, bệnh viện xung quanh, khi đó tự người dân sẽ xem xét di chuyển nơi ở để thay đổi chất lượng cuộc sống. Điều này nằm ở việc định hướng của Nhà nước và đưa ra những cơ chế linh hoạt để tạo điều kiện cho người dân, các địa phương cũng có thể thu hút đầu tư, chủ động xã hội hóa.

"Người chịu trách nhiệm cho công trình phải là chủ đầu tư, đến giây phút cuối cùng. Không thể gạt chủ đầu tư đi, vì chỉ họ mới biết những nguy hiểm trong kết cấu hạ tầng nằm ở đâu. Cơ quan nhà nước không đủ sức phát hiện ra từng lỗ hổng. Nhiều nơi họ muốn gạt chủ đầu tư càng nhanh càng tốt, nhưng nếu tai nạn xảy ra thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Hãy làm trước những điều Nhà nước chưa làm được nhưng có thể xã hội hóa. Và trong đó, người dân sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất", ông Cường nói thêm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm