Tại đại hội cổ đông 2022, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoà Bình cho biết, trong 20 năm tới, tập đoàn này đặt mục tiêu mang về doanh thu 20 tỷ USD, trở thành một tập đoàn đa quốc gia. Tầm nhìn và mục tiêu này được tổng giám đốc Lê Viết Hiếu, thế hệ lãnh đạo thứ hai nhìn nhận là rất tham vọng, và đòi hỏi quyết tâm rất lớn.
Cùng ngồi lại trong buổi nói chuyện của talkshow The Next Power phát sóng trên VnExpress, hai lãnh đạo của Hoà Bình Group không nhấn mạnh nhiều đến những khó khăn đã trải qua trong quá khứ mà tập trung chia sẻ về những bước đổi trong 20 năm tới. Trong đó, định hướng phát triển con người, vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới, và đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ để tạo giá trị thặng dư được đặc biệt chú trọng.
Bước đổi một tập đoàn xây dựng 30 năm tuổi
Chứng kiến sự phát triển của ngành xây dựng Việt Nam trong suốt 30 năm qua, ông Lê Viết Hải nhận định, công nghiệp xây dựng nước ta đã đi từ vị thế lạc hậu, mọi thứ đều làm bằng tay chân, chưa có máy trộn, cần cẩu, công nhân cũng không có đồ bảo hộ lao động, chỉ có đôi tay và ý chí nỗ lược. Đến nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã có đủ năng lược tổng thầu để thực hiện các dự án lớn, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp. "Quá trình này là một sự thay đổi thần kỳ", ông nhấn mạnh.
Song hành cùng với sự phát triển của ngành, trong 30 năm qua, Hoà Bình Group "cứ 5 năm tăng doanh thu 5 lần", theo lời vị Chủ tịch. Tập đoàn này đầu tư vào công nghệ từ rất sớm. Hai năm sau ngày thành lập (năm 1987), Hoà Bình Group mua một dàn máy vi tính để chuyển đổi từ quản lý thủ công sang quản lý, báo cáo bằng vi tính. "Dù rất thô sơ nhưng đó là cuộc cách mạng đầu tiên trong ứng dụng công nghệ IT", ông nói.
Đến 2009, cách mạng lần thứ 2 là thiết lập hệ thống ERP (hoạch định nguồn lược doanh nghiệp) và đến năm 2011 bắt đầu áp dụng công cụ BIM (mô hình thông tin xây dựng) cho quản lý dự án, ông Lê Viết Hải chia sẻ.
Về tổ chức bộ máy, Hoà Bình Group tiến hành phân chia, sắp xếp lại nhều phòng ban, gia tăng hợp tác, kiểm tra chéo, tạo KPI chung để có sự hợp tác tập thể, tránh chồng chéo tác vụ. Theo ông Lê Viết Hiếu, điều này giúp quy trình làm việc thông suốt, tạo ra sự hợp tác cởi mở hơn.
Bài toán điều hành của hai thế hệ lãnh đạo
Đứng trước những thách thức mới, cùng với mục tiêu và tầm nhìn cần đạt trong hai thập kỷ tới, hai năm qua, Hoà Bình Group thực hiện công cuộc chuyển giao lãnh đạo với việc bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu vào vị trí tổng giám đốc.
Chia sẻ về chiến lược này, ông Lê Viết Hải nhấn mạnh: "Với tuổi của tôi, đứng trước mục tiêu chiến lược đầy thử thách, tôi nghĩ mình không đủ khả năng để làm. May mắn là thế hệ kế thừa rất năng động, đam mê, quyết tâm, thấy đó là mục tiêu đúng để thực thi". Ông cũng cho biết, thế hệ lãnh đạo mới với kiến thức được trang bị từ những nước phát triển, sẽ đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển của tập đoàn.
Tổng giám đốc Lê Viết Hiếu chỉ ra sự khác nhau trong phong cách điều hành giữa hai thế hệ: "Với những người gây dựng nên cơ nghiệp từ bàn tay trắng, họ không sợ điều gì. Cách họ tiếp cận cơ hội, triển khai rất nhanh và gấp. Trước đây, khi sếp nói, mọi người phải nghe, làm theo, cả bộ máy chạy theo ý của sếp. Chủ tịch luôn có tính khẩn trương trong triển khai. Còn với tôi, khi triển khai công việc thường triển khai chéo, đi từng bước cẩn trọng, cố gắng có sự đồng thuận cao, tránh vấp phải rủi ro về pháp lý, tài chính khiến dự án bị chậm".
Tuy khác nhau về chiến lược lãnh đạo, cả hai thế hệ điều hành tại Hoà Bình Group cho rằng cách nghĩ có thể khác, nhưng mục tiêu chiến lược và văn hoá doanh nghiệp vẫn là một. Để dung hoà sự khác biệt, ông Lê Viết Hải cho biết bản thân chỉ đưa ra lời khuyên, các thế hệ sau tự quyết định và điều hành, làm đúng theo mô hình quy chế doanh nghiệp để không gây mâu thuẫn, xung đột.
Đầu tư cho công nghệ để phục vụ sự phát triển bền vững
Để hiện thực hoá mục tiêu 20 tỷ USD doanh thu vào năm 2032, doanh nghiệp thực hiện nhiều bước đổi như đầu tư phát triển nhân tài, tái cơ cấu bộ máy để trở nên tinh gọn, minh bạch hơn. Mạnh mẽ nhất là đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. làm ra các chất sáng của riêng doanh nghiệp. "Nghiên cứu và phát triển là chìa khóa trong tương lai của Hòa Bình", ông Lê Viết Hiếu nhấn mạnh.
Doanh nghiệp tiến hành xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo tại Quận 9, hướng tới trở thành môi trường hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu của các công ty startup và chính bản thân tập đoàn. Đây là bước đi giúp "ông lớn xây dựng" có lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai dài hạn.
Ông Lê Viết Hải nhấn mạnh, trung tâm có quy mô lớn hơn nhiều nếu so với các trung tâm R&D của nhiều doanh nghiệp khác. Đây sẽ là cơ sở phục vụ chung cho những doanh nghiệp cần nơi để nghiên cứu, phát triển, chế tạo mẫu, trao đổi thông tin chuyên ngành, học hỏi thêm nhiều vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo. Từ đó, Hoà Bình hy vọng sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để phát triển các sản phẩm mới, tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng cho ngành công nghiệp xây dựng tại Việt Nam.