Tài chính

Chiếc tàu ngầm hơn 40 năm tuổi của Mỹ gây sốc với chuyến hải trình 727 ngày liên tục không nghỉ

USS Florida, một trong những tàu ngầm tên lửa hạt nhân lâu đời nhất của Hải quân Mỹ, gần đây đã trở về cảng sau chuyến tuần tra ấn tượng, kéo dài 727 ngày. Được hạ thủy vào năm 1981 và đưa vào hoạt động từ năm 1983, tàu ngầm này đã đi được hơn 60.000 hải lý, ghé thăm nhiều khu vực trên toàn cầu, bao gồm Trung Đông, Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong chuyến hải trình này, con tàu đã thực hiện năm lần hoán đổi phi hành đoàn, duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu liên tục và chứng minh tính linh hoạt của con tàu. Ban đầu USS Florida là tàu ngầm tên lửa đạn đạo, sau đó con tàu được tân trang vào năm 2003 và trở thành tàu ngầm tên lửa dẫn đường, được trang bị gần 160 tên lửa Tomahawk.

Chiếc tàu ngầm hơn 40 năm tuổi của Mỹ gây sốc với chuyến hải trình 727 ngày liên tục không nghỉ- Ảnh 1.

727 ngày trên biển

Vào ngày cuối cùng của tháng 7, một trong những tàu ngầm tên lửa hạt nhân lâu đời nhất của Hải quân Mỹ đã trở về cảng sau gần 730 ngày hoạt động liên tục trên biển.

USS Florida là một trong những tàu ngầm lâu đời nhất đang hoạt động trong biên chế của Hải quân Mỹ. Sau chuyến đi biển ấn tượng vừa qua, con tàu càng chứng tỏ được khả năng của mình.

USS Florida khởi hành vào tháng 8/2022 và ghé thăm nhiều khu vực trên thế giới như Trung Đông, Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. "Chúng tôi đã cho thấy khả năng của lớp tàu ngầm mang tên lửa hành trình này, nó có thể hoạt động ở bất kỳ đâu vào bất kỳ lúc nào. Chúng tôi đã hoạt động ở nhiều đại dương khác nhau. Rất hiếm khi tàu ngầm hoạt động ở Bờ Đông nước Mỹ được triển khai đến bờ biển phía tây, nhưng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc", Đại úy Peter French, sĩ quan chỉ huy của USS Florida, cho biết trong một tuyên bố báo chí sau khi tàu ngầm trở về nhà.

Chiếc tàu ngầm hơn 40 năm tuổi của Mỹ gây sốc với chuyến hải trình 727 ngày liên tục không nghỉ- Ảnh 2.

Được trang bị gần 160 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk, USS Florida có khả năng gieo rắc nỗi kinh hoàng và sự hủy diệt cách xa hàng ngàn dặm. Ngoài ra, con tàu còn có thể chở binh sĩ và thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt.

Hải quân Mỹ tuyên bố: "Trong quá trình triển khai, thủy thủ hành đoàn đã thực hiện các nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa quyết định đến an ninh quốc gia, tăng cường năng lực hoạt động và củng cố nỗ lực răn đe".

"Sức mạnh thực sự của con tàu và Hải quân Mỹ nằm ở chính những người thủy thủ. Họ luôn gây ấn tượng bằng sự tận tụy không ngừng nghỉ trên chiếc tàu ngầm. Chúng tôi huấn luyện, chiến đấu như một gia đình và tôi rất vui mừng khi đưa các thủy thủ đoàn trở về nhà, tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi rất cần thiết", Kỹ thuật viên trưởng tàu ngầm, Christopher L. Martell chia sẻ sau chuyến đi.

Chiếc tàu ngầm hơn 40 năm tuổi của Mỹ gây sốc với chuyến hải trình 727 ngày liên tục không nghỉ- Ảnh 3.

Vai trò thay đổi

Năm 2003, USS Florida đã trải qua đợt đại tu đáng kể. Lò phản ứng hạt nhân của nó đã được tiếp nhiên liệu, (những chiếc tàu ngầm chạy bằng lò phản ứng hạt nhân cần được tiếp nhiên liệu khoảng 20 năm một lần). Và trong lần đại tu này, con tàu đã được chuyển đổi từ tàu ngầm tên lửa đạn đạo thành tàu ngầm tên lửa dẫn đường.

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo thường mang theo nhiều tên lửa có đầu đạn hạt nhân và được thiết kế cho các nhiệm vụ răn đe hạt nhân, trong khi tàu ngầm tên lửa dẫn đường mang nhiều tên lửa hành trình và được giao nhiệm vụ tấn công trên bộ.

Hải quân Mỹ đã đại tu một số tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio thành tàu ngầm tên lửa dẫn đường vì sự sụp đổ của Liên Xô và kết thúc Chiến tranh Lạnh đã khiến một số lượng lớn tàu ngầm trước đây trở nên thừa thãi.

Hải quân Mỹ có hạm đội tàu ngầm lớn nhất và mạnh nhất thế giới, với 71 tàu. Cụ thể, Hải quân có ba loại tàu ngầm cơ bản gồm tàu tấn công (53 chiếc), tàu tên lửa đạn đạo (14 chiếc) và tàu tên lửa dẫn đường (4 chiếc). Tất cả các tàu này đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng chỉ có 14 tàu ngầm lớp Ohio mang đầu đạn hạt nhân.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm