Trải qua 60 năm cuộc đời, quá nửa người già không có được một khoản tích lũy đầy đủ cho chính bản thân, và phải lựa chọn những con đường khác nhau để duy trì sự sống những năm hậu vận. Chính điều này trở thành nguyên nhân khiến cho nhiều người sợ tuổi già và nghỉ hưu.
Tuy nhiên, nghỉ hưu không phải là một điểm kết, nó là một hành trình khám phá và tận hưởng thành quả của một đời lao động. Để làm được điều đó, bạn cần phải đảm bảo sung túc về mặt tài chính. Các chuyên gia cho rằng, cần phải dùng 2/3 thời gian cuộc đời để chuẩn bị, tích lũy và có ý thức tạo lập kế hoạch tài chính khi về hưu.
Doanh nhân Nguyễn Bích Hằng, thường được biết đến với danh xưng Hotmom Hằng "túi", cũng chia sẻ quan điểm của mình. Ở góc độ của một người làm kinh doanh, đồng thời cũng là một người mẹ có 6 con, cô thường phải xây dựng kế hoạch tài chính cho tương lai một cách cẩn thận. Do đó, cô thường xuyên tham gia đầu tư và tích lũy.
"Hiện nay có rất nhiều kênh đầu tư khác nhau. Quan điểm của tôi là nên đa dạng hóa các khoản đầu tư của mình. Bản thân tôi tham gia vào 5 kênh đầu tư - tích lũy khác nhau bao gồm chứng khoán, bất động sản, kinh doanh, mua bảo hiểm và gửi tiết kiệm", Nguyễn Bích Hằng chia sẻ.
Với những kênh đầu tư khác nhau, Hằng Túi đưa ra những phương pháp khác biệt sao cho phù hợp.
"Có những thời điểm, mình cần lựa chọn kỳ hạn một cách linh hoạt để chẳng may có việc cần chi trả gấp bằng tiền mặt, chúng ta có thể thanh khoản dễ dàng. Còn với lĩnh vực bất động sản, yêu cầu đầu tư lâu dài, chúng ta xác định ‘để tiền lâu’ theo giai đoạn 5 - 10 - 20 năm. Do đó, chúng ta cần tính toán chi tiết cho một quãng đường dài. Điều này vừa tốt cho bản thân, cũng giúp cho tương lai của con cái", cô nói.
Với doanh nhân Nguyễn Bích Hằng, hai chữ "tích lũy" đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, cô có một bí quyết đầu tư khác chính là thường xuyên chia nhỏ các khoản tiền chứ không đầu tư những gì quá lớn.
"Hễ có một khoản tiền nhỏ thì tôi sẽ tham gia đầu tư luôn, chứ hiếm khi gom lại rồi đi đầu tư lớn. Chẳng hạn, lợi nhuận hàng tháng cũng được tôi sử dụng như vậy", cô giải thích. "Nếu lỡ đầu tư quá nhiều vào một địa chỉ sai lầm, khoản tiền tích lũy được sẽ mất sạch. Đó là điều cần tránh để đảm bảo kế hoạch tài chính lâu dài."
Khi đưa ra lời khuyên cho mọi người, nữ doanh nhân cho rằng: "Mỗi người chúng ta nên đầu tư tích lũy từ khi còn 30 hoặc 40 tuổi. Đây là thời điểm mà đầu óc, tinh thần còn minh mẫn, nhạy bén với thị trường."
Với cô, việc về hưu hay kinh doanh tiếp tục khi đã đến độ tuổi nhất định đều tùy thuộc vào tình hình sức khỏe và tài chính cá nhân. Quan trọng là làm việc với mục tiêu gì, theo đuổi kinh tế hay đơn thuần chỉ làm vì đam mê, vì cộng đồng.
Cũng chia sẻ về câu hỏi "Làm sao để sung túc khi về già", anh Trần Lê Minh – Giám đốc đầu tư các Quỹ mở, Giám đốc Dragon Capital Việt Nam DCVFM chi nhánh Hà Nội, cho biết:
"Để chuẩn bị cho tài chính tuổi già, câu nói ‘Tích tiểu thành đại’ là vô cùng chính xác. Chúng ta cứ làm dần dần và những khoản tích lũy sẽ lớn lên qua thời gian. Như vậy, đến tuổi nghỉ hưu, chúng ta sẽ có một khoản ‘ra tấm ra món’ để chuẩn bị cho quãng đời còn lại", chuyên gia Trần Lê Minh cho biết.
Host Ngọc Trinh cùng các khách mời của chương trình.
Anh lý giải thêm rằng: "Trên số liệu thống kê thực tế, một người Mỹ bình thường tham gia lao động, tiết kiệm để về hưu thường đạt số dư 84.000 USD, tương đương khoảng 2 tỷ đồng. Đây không phải một con số lớn. Như vậy, để có thể về hưu trong sự an nhàn không phải là một việc quá khó, nếu như bạn biết cách."