Hướng dẫn theo dõi và điều trị bệnh béo phì - Ảnh:Bộ Y tế
Đây là thông tin trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì vừa được Bộ Y tế ban hành.
Theo Bộ Y tế, một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tỉ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP.HCM chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.
Trong đó, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, trong đó tỉ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Chẩn đoán béo phì
Bộ Y tế đánh giá béo phì gây ra các vấn đề trầm trọng đến sức khỏe, là thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau như bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ và nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa... Tình trạng tự chữa béo phì không có hiệu quả, nhiều biến cố nặng và tốn kém
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến béo phì do tăng quá mức lượng năng lượng ăn vào; ăn một lượng thức ăn nhiều hơn nhu cầu của cơ thể; chế độ ăn giàu chất béo.
Trẻ em tiêu thụ quá nhiều chất ngọt làm tăng nguy cơ béo phì hoặc nuôi con bằng sữa mẹ ít hơn 3 tháng thường đi kèm với tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em khi đến trường.
Ngoài ra, nguyên nhân còn do di truyền và do các nguyên nhân nội tiết khác như bệnh lý ác tính, viêm nhiễm, hội chứng béo phì, suy giáp,..
Bộ Y tế cũng đưa ra 3 cách chẩn đoán béo phì, đó là chỉ số khối cơ thể (BMI- Body mass index); vòng bụng (béo phì dạng nam (béo phì phần trên cơ thể, béo phì kiểu bụng, béo phì hình quả táo, béo phì trung tâm) khi vòng bụng ≥ 90 cm ở nam và ≥80 cm ở nữ)’; phương pháp DEXA hấp thụ năng lượng kép.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, để giảm cân mang lại lợi ích cho sức khỏe, có thể giảm cân 5-15% trong khoảng thời gian 6 tháng. Đối với những người có mức độ béo phì cao hơn (BMI ≥ 35 kg/m2) có thể cân nhắc giảm cân nhiều hơn (20% trở lên).
Bên cạnh đó, cần duy trì giảm cân và phòng ngừa và điều trị các bệnh đồng mắc là hai tiêu chí chính để thành công.
Béo phì là một bệnh mạn tính. Người bệnh cần được theo dõi và tái khám thường xuyên để ngăn ngừa tăng cân trở lại, và để theo dõi nguy cơ bệnh tật cũng như điều trị các bệnh đồng mắc nếu xuất hiện (ví dụ: đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch).
Tập thể dục, chế độ ăn giảm năng lượng
Tại hướng dẫn này, các chuyên gia cũng khuyến cáo các phương pháp điều trị béo phì như: chế độ ăn giảm năng lượng; điều chỉnh hành vi ăn uống cá nhân và phải thay đổi dần dần, cộng với sự hỗ trợ của gia đình, xã hội, môi trường sống; chế độ ăn cân đối giữa các chất sinh nhiệt, không quá nhiều glucid, tt lệ thay đổi tùy cá thể theo bệnh lý mắc kèm, thói quen ăn uống.
Hạn chế số bữa ăn trong ngày (3 bữa là đủ), hạn chế ăn loại glucid hấp thu nhanh và các chất béo bão hòa, muối dưới 5g/ngày
Bên cạnh đó, có thể tập vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, miễn là phù hợp với nếp sinh hoạt của mình. Mỗi ngày trung bình 30 - 40 phút. Hoặc vận động nhiều lần trong ngày, mỗi lần tối thiểu 10 phút. Nên vận động tối thiểu 5 ngày/tuần, tốt hơn nên tập đều đặn mỗi ngày.
Bảng tham khảo năng lượng kcalo tiêu thụ được sau 30 phút tập thể dục - Ảnh: Bộ Y tế
Trong bảng tham khảo năng lượng kcalo tiêu thụ được sau 30 phút tập thể dục, các chuyên gia cũng chỉ rõ với người nặng 50kg có thể tiêu thụ 260kcalo bằng cách chạy bộ trong khi đó tập tạ (ở mức độ trung bình) chỉ tiêu hao 79kcalo; cầu lông là 119kcalo, bi-a 66kcalo.
Ngoài ra, người béo phì cần được hỗ trợ điều trị tâm lý, sử dụng thuốc, phẫu thuật trong một số trường hợp nhất định.