Trước thềm diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, các cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Yeah1 (Mã: YEG) lần lượt thoái vốn. Trong đó, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, giảm tỷ lệ sở hữu từ 14% xuống còn 0,8%.
Trước đó, founder Nguyễn Ảnh Nhượng Tống bán hết cổ phần vào đầu tháng 6 và DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd -cổ đông lớn gắn bó với Yeah1 hơn một thập kỷ - cũng dứt áo ra đi.
Một thời là kỳ lân của Yeah1
CTCP Tập đoàn Yeah 1 do ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thành lập vào tháng 9/2006, ngành nghề chính là truyền hình truyền thống gồm các kênh truyền hình như Yeah1tv, Yeah1Family, Imovietv hay SCTV2… với định hướng trở thành mạng truyền thông đứng đầu Đông Nam Á.
Đến năm 2015, hoạt động kinh doanh của Yeah1 phất lên khi bắt đầu cung cấp dịch vụ giải trí kết hợp quảng cáo thông qua bắt tay với YouTube. Thừa thắng xông lên, tháng 6/2018 Yeah1 đưa hơn 27,3 triệu cổ phiếu YEG niêm yết trên HOSE. Có lúc giá cổ phiếu YEG đạt 300.000 đồng/cp, trở thành cp đắt đỏ nhất thị trường lúc bấy giờ.
Thời điểm đó, DFJ VinaCapital – cổ đông lớn của công ty nhận định: “ Yeah1 đứng trên vai của những người khổng lồ như Google, Youtube và Facebook - những nền tảng có hàng tỷ người dùng, nhưng tạo ra hệ sinh thái riêng của mình và rất có thể Yeah1 sẽ là mảnh ghép hoàn hảo giúp giới thiệu Việt Nam ra thế giới".
Vào năm 2018, đại diện Tập đoàn cho biết: "Tính trong trung hạn 5 năm qua, Yeah1 liên tục có những bước phát triển gần như gấp đôi sau mỗi năm”.
Năm 2018 cũng là năm Yeah1 đạt đỉnh doanh thu với 1.684 tỷ đồng, lãi sau thuế 141 tỷ đồng, lần lượt tăng 97% và 72% so với năm liền trước. Trong đó, mảng quảng cáo trở thành trụ cột chính trong tổng doanh thu của tập đoàn với tỷ trọng 50% - 83% mỗi năm.
Yeah1 buộc phải bán tài sản để tồn tại
Song, chưa đầy một năm sau khi niêm yết, Yeah1 bất ngờ đối diện với vụ kiện với YouTube, điều này đẩy doanh nghiệp phải vùng vẫy trong cơn khủng hoảng.
Câu chuyện bắt đầu khi Yeah1 bị cáo buộc dung túng các kênh YouTube “không phù hợp” để kiếm tiền và vi phạm các tiêu chuẩn công đồng của kênh này. Tháng 3/2019, YouTube chính thức ngừng hợp tác với Yeah1 và sự kiện này đã khởi đầu cho bước trượt dài của đơn vị truyền thông nói trên.
Năm 2019, lỗ sau thuế của Yeah1 lên tới 383 tỷ đồng (chủ yếu do sự phòng khoản phải thu khó đòi), đã xóa bỏ mọi cố gắng từ trước, khiến số lỗ lũy kế của năm đó hơn 305 tỷ đồng. Tổng tài sản bốc hơi khoảng 400 tỷ về 1.515 tỷ đồng.
Sự kiện trên đã khiến cho vị Chủ tịch kiêm founder phải thốt lên: “Năm 2019 Yean1 kỳ vọng rất nhiều nhưng không thể đỡ nổi cú sốc với YouTube”.
Sau khủng hoảng, Yeah1 dốc sức tìm các hướng đi mới. Cụ thể, doanh nghiệp lập công ty con mới thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển Appsfast. Yeah1 cũng lấn sân vào mảng game với việc đầu tư vào Công ty giải trí 100 Độ và thay đổi nhiều vị trí nhân sự cấp cao,… Chiến lược này cũng chỉ giúp doanh nghiệp đỡ hơn đôi chút với số lỗ năm 2020 khoảng 181 tỷ đồng.
Sang năm 2021, Yeah1 thanh lý tổng cộng 6 công ty thành viên, mà theo lãnh đạo tập đoàn chia sẻ trong ĐHĐCĐ thường niên vừa rồi là “quyết định đau lòng khi phải bán một số tài sản có tính thanh khoản cao để tồn tại”. Số tiền thu về 370 tỷ đồng. Nhờ đó mà năm 2021 công ty đã thoát lỗ, đồng nghĩa với việc không bị rời sàn.
Tuy nhiên, trong quá trình hồi phục, Yeah1 dễ bị chậm chân so với các đối thủ truyền hình lớn của nhà nước như VTV hay HTV vốn có thị phần lớn cùng nguồn vốn dồi dào. Dễ nhận ra, đơn cử như VTV có nhiều ý tưởng và cách tiếp cận mới mẻ và rất gần gũi với khán giả hơn.
Theo ghi nhận trong bài đăng mới nhất, trong khi kênh facebook Yeah1 TV nhận về trên dưới chục lượt like thì VTV có tới trên 2.000 lượt yêu thích.
Nhân tố mới sẽ giúp Yeah1 “rũ bùn đứng dậy”?
Bán hết cổ phiếu, vị founder Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đồng thời chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT cho người khác. “Chiến lược của Yeah1 hiện nay là phải đi chậm, đi chắc trong giai đoạn 2022-2023 để hưởng thành công sắp tới. Còn cái gì đóng góp được cho Yeah1 tôi sẽ làm”, cha đẻ của Yeah1 chia sẻ.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 vừa diễn ra, dàn lãnh đạo mới của Yeah1 đã lộ diện với 5 người, trong đó hai gương mặt mới chưa từng làm việc tại Yeah1 gồm ông Trần Hoài Nam, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Thái Tuấn, một doanh nghiệp dệt may lớn hoạt động gần 30 năm và ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Tài chính Encaptial.
Theo kế hoạch, tầm nhìn của Yeah1 trong thời gian tới sẽ không đơn thuần là công ty giải trí cho người dùng mà còn có thể đánh về mảng tiêu dùng, đầu tư.
Với sự tham gia của ông Giang, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực M&A trên thị trường chứng khoán và giữ vai trò Tổng Giám đốc VNDirect trong 8 năm; cùng sự góp mặt của phía Thái Tuấn dự kiến sẽ đem về nguồn sinh khí mới cho Yeah1 trong mảng tài chính và tiêu dùng – định hướng mới của tập đoàn.
Hai tổ chức có liên quan đến các nhân vật nói trên dự kiến sẽ tham gia vào đợt chào bán tối đa 78,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ của Yeah1 với cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với tập đoàn tối thiểu 3 năm.