Đài truyền hình Channel 4 của Anh vừa công chiếu The Great Amazon Heist, bộ phim tài liệu thực hiện bởi phóng viên tự do Oobah Butler. Theo đó, để chứng minh Amazon thiếu các quy định nhằm bảo vệ người dùng, Butler đã tiến hành cuộc thử nghiệm chưa từng có tiền lệ.
Cụ thể, Butler thu thập loại dung dịch được cho là nước tiểu từ những tài xế chở hàng của Amazon, sau đó đóng chai, dán nhãn hiệu nước tăng lực Release và đăng ký kinh doanh. Không mất quá nhiều thời gian, hệ thống của Amazon chấp nhận và xếp sản phẩm vào danh mục đồ uống "Bitter Lemon". Thậm chí, Butler còn có thể khiến các chai nước giả trở thành mặt hàng bán chạy trên sàn.
Phóng viên của Channel 4 nảy ra ý tưởng nhờ trò chuyện cùng giới tài xế của Amazon. Họ cho biết bị công ty trừ lương mỗi khi giao hàng chậm, do đó phải "giải quyết" vào chai nước rỗng thay vì mất thời gian tìm chỗ vệ sinh cá nhân. Một số tài xế tiết lộ từng bị Amazon phạt do để quên chai chất thải trên xe lúc về kho.
Cũng theo Butler, quá trình mở bán nước tăng lực giả dễ một cách đáng ngạc nhiên. Sàn thương mại điện tử không tiến hành kiểm tra để đảm bảo thức uống đạt tiêu chuẩn an toàn. "Ban đầu, tôi nghĩ sẽ gặp trở ngại trong việc cấp phép thực phẩm nên đã liệt kê món hàng vào danh mục 'bình nước tái sử dụng', nhưng hệ thống tự động chuyển sang nhóm đồ uống", Butler nói. Ngoài ra, anh cũng được nhân viên chăm sóc khách hàng liên hệ để tư vấn việc đóng gói, vận chuyển, thông qua chương trình hỗ trợ người bán của Amazon.
Nhằm đảm bảo cộng đồng người dùng không mua nhầm những chai nước thải, Butler đã nhờ một nhóm bạn đặt hàng hộ. Tuy nhiên, anh vẫn hoảng sợ khi nhận ra có nhiều người thực sự muốn mua sản phẩm nước tăng lực giả của mình.
James Drummond, đại diện Amazon, cho biết bộ phim tài liệu chỉ là "bức tranh méo mó" về quy trình hoạt động tại công ty. Đồng thời, ông khẳng định nội dung phim không phản ánh thực tế trải nghiệm mua sắm trên sàn. "Đây là một trò đùa tai hại và Amazon có những công cụ hàng đầu trong ngành để ngăn chặn các sản phẩm không an toàn", ông nói. Ngoài ra, Amazon luôn lấy người dùng làm trung tâm, đồng thời đặt mục tiêu trở thành "nhà tuyển dụng tốt nhất thế giới và nơi làm việc tốt nhất thế giới".
Ngoài vấn đề trong kiểm định chất lượng thực phẩm, Butler còn đánh giá Amazon không coi trọng các quy tắc bảo vệ trẻ em. Trước đó, anh thử nhờ hai cô cháu gái bốn tuổi và sáu tuổi đặt mua hàng loạt vật dụng nguy hiểm như dao, cưa, thuốc chuột. Không mất quá nhiều thời gian, những đơn hàng được giao tới địa chỉ nhà Butler mà không cần sự xác nhận trực tiếp từ người lớn.
Trả lời Wired, Drummond cho biết Amazon thực hiện xác minh độ tuổi một cách nghiêm túc bằng hệ thống xác minh ID toàn cầu. "Người dùng phải đủ 18 tuổi khi sử dụng dịch vụ của công ty, trừ khi có sự tham gia của cha mẹ hoặc người giám hộ. Một số sản phẩm được nhắc tới trong bộ phim tài liệu bị phân loại độ tuổi không chính xác và chúng tôi đã tiến hành chỉnh sửa", ông nói.
Đây không phải lần đầu Amazon gặp vấn đề trong việc đăng ký gian hàng và mở bán sản phẩm trực tuyến. Cuối tháng 9, nhiều nhà bán hàng của sàn đã hối lộ người mua để nhận đánh giá năm sao và loại bỏ những bình luận xấu liên quan đến hàng hóa. Hồi tháng 8, CNBC cho biết nhiều chủ shop còn trả tiền cho nhân viên Amazon để mở khóa gian hàng vi phạm với chi phí từ 200 đến 400 USD. Công ty thậm chí phải thành lập một đội đặc biệt, chuyên theo dõi, điều tra chính nhân viên của mình để xử lý tình trạng này.