Kỹ năng sống

Chàng trai 11 năm cõng sách lên với trẻ vùng cao

Từ năm 2011, nhà trọ của Nguyễn Tú Anh, 37 tuổi, là nơi diễn ra những "Chủ nhật yêu thương", tiếp nhận sách của mọi người quyên tặng với mục tiêu lập 1001 thư viện cho trẻ em vùng sâu, vùng xa.

"Chủ nhật luôn là ngày hạnh phúc nhất tuần vì được ở nhà cùng mọi người đóng sách. 1001 với tôi là con số cổ tích giúp tôi có động lực hiện thực hóa giấc mơ bản làng nào cũng có thư viện", Tú Anh nói.

Nguyễn Tú Anh đang phân loại sách trong nhà trọ của mình, tháng 6/2022. Ảnh: Thanh Nga

Nguyễn Tú Anh đang phân loại sách trong nhà trọ của mình, tháng 6/2022. Ảnh: Thanh Nga

Tú Anh sinh ra và lớn lên ở Yên Bái, trong một gia đình bố làm bảo vệ, mẹ bán hàng ở chợ, cơm ăn không đủ bữa. Nhà nghèo, thu nhập bấp bênh nhưng kiếm được đồng nào, bố mẹ anh đều dành hết nuôi ba đứa con ăn học. "Bố mẹ tôi luôn nói sẵn sàng bán cả nhà cả cửa cho mấy anh em đi học, mong chúng tôi thoát nghèo nhờ con chữ", trưởng nhóm "Chủ nhật yêu thương" kể.

Nhờ sự hy sinh của bố mẹ và nỗ lực của bản thân, năm 2007, Tú Anh đỗ Đại học Kinh tế TP HCM. Chàng trai xách ba lô với ít quần áo vào Nam vừa học vừa làm thêm để tự trang trải cuộc sống. "Lên đại học, tôi gặp được nhiều người giỏi, tôi có nhiều cơ hội làm việc, tự kiếm tiền nuôi bản thân cũng như gửi về cho bố mẹ từ năm nhất đại học, tất cả đều nhờ học hành", anh chia sẻ.

Năm 2011, tốt nghiệp đại học, anh về lại Yên Bái đi lên các bản vùng cao, chứng kiến nhiều em nhỏ phải bỏ học giữa chừng vì nghèo, em thì đi học mang mỗi bút, em thì không có sách vở, ghé các điểm trường hầu như chưa có trường nào mở thư viện. Mọi thứ khiến anh nhớ về tuổi thơ mình đã từng trải qua.

"Lúc đó tôi nghĩ đến sách, muốn thoát nghèo trước tiên phải giàu có về tri thức", Tú Anh nói và khi quay lại TP HCM, anh bắt đầu chiến dịch quyên góp sách cũ, sách mới, tự mình phân loại và gửi lên cho trẻ em vùng cao giúp các em một phần trong học tập.

Khó khăn lúc đó với Tú Anh là nguồn sách. Một mình anh kêu gọi bạn bè góp được vài chục cuốn, rồi tự bỏ tiền mua thêm. Chật vật mãi mới gom góp được mấy trăm cuốn, tỉ mỉ phân loại từng đầu sách như truyện tranh, sách kĩ năng, sách văn học, lịch sử,... "Nhưng khi mang lên các bản làng, bà con không quý trọng lắm, tưởng mình mang tiền và gạo nhưng khi biết mang sách, ai cũng thờ ơ", anh kể.

Dù vậy, anh không buồn vì biết đọc sách không thể giúp các em thành công ngay nhưng lâu dài sẽ có kết quả xứng đáng. Nhìn mấy đứa nhỏ cầm sách lên đọc say sưa, đứa ngồi gốc cây, đứa ngồi cầu thang, tay mân mê từng trang giấy, Tú Anh như được tiếp thêm động lực.

Những đứa trẻ vùng cao Trạm Tấu, Yên Bái hào hứng lần đầu được đọc truyện tranh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Những đứa trẻ vùng cao Trạm Tấu, Yên Bái hào hứng lần đầu được đọc truyện tranh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hơn một năm đầu, cứ mỗi cuối tuần, một mình anh cột đống sách sau xe máy lên các điểm bản của người đồng bào S'tiêng ở huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước) để tặng sách. Nhiều ngày đi xe 10-11h đêm mới tới nơi, trời tối sầm, sương mù dày đặc, đường trơn trượt vì mưa, vài lần bị ngã xe trầy xước hết người nhưng tay anh vẫn giữ chặt mấy chồng sách không để bị ướt.

"Đổi lại, thời gian bên các em là những giây phút tôi vui vẻ nhất, cùng các em lội suối đến trường, cùng các em đọc truyện tranh, đơn giản chỉ để hiểu thêm về cuộc sống của các em", Tú Anh trải lòng.

Từ năm 2012, anh có thêm nhiều người đồng hành trên hành trình hiện thực giấc mơ xây "1001 thư viện sách" khắp bản làng xa. Đến nay "Chủ nhật yêu thương" đã có hàng nghìn thành viên trên khắp cả nước.

Mỗi tháng sẽ có vài đợt gửi sách tới các điểm trường qua đường bưu điện. Mỗi năm "Chủ nhật yêu thương" gửi đi gần một triệu cuốn sách và đều đặn 2-3 lần nhóm trực tiếp đến các bản vùng sâu vùng xa tổ chức lễ hội sách. Đến nay, hành trình của họ đã đi được hơn một nửa chặng đường với hơn 600 thư viện.

Cô Nguyễn Thị Bắc, Hiệu trưởng trường PTTH bán trú, Tiểu học và THCS Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, Yên Bái nhớ lần đầu tiên trường được nhóm trao tặng hơn 5.000 cuốn sách, cả thầy và trò ôm chặt nhau hạnh phúc vì chưa bao giờ nhìn thấy nhiều sách đến vậy. Suốt hai năm qua, nhóm vẫn luôn duy trì, bổ sung sách mới cho trường để phục vụ các em học tập.

"100% học sinh của trường là người dân tộc Mông. Từ ngày có thư viện, trình độ giao tiếp, học tập của các em cải thiện rất nhiều", cô Bắc nói.

Hơn bốn năm hoạt động cùng nhóm, anh Nguyễn Hồng Phúc (32 tuổi, Thủ Đức) vẫn nhớ như in về chuyến chở sách ra điểm trường Tiểu học Hòn Đước, một hòn đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, năm 2019.

"Tiếng reo hò vui sướng của các em khi có truyện tranh để đọc vang vọng khắp đảo. Tôi đã thực sự được sống những ngày vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời", anh Phúc nói.

Một chuyến mang sách ra đảo Hòn Đước ( Kiên Giang) năm 2019 của nhóm Chủ nhật yêu thương. Ảnh: NVCC

Một chuyến mang sách ra đảo Hòn Đước ( Kiên Giang) năm 2019 của nhóm "Chủ nhật yêu thương". Ảnh: NVCC

Thị Đớt từng là cô gái dân tộc S'tiêng tự ti vì bị khuyết tật tay phải, ngại tiếp xúc với các bạn trong lớp. Nhưng từ khi trường Đớt được anh Tú Anh cùng nhóm lập thư viện, nhờ được đọc sách, được tiếp xúc với thế giới rộng lớn bên ngoài thông qua những con chữ, em đã dần cởi mở hơn và là người đầu tiên trong bản học lên đến đại học.

"Năm em học cấp 2 cho đến khi trở thành sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp, tỉnh Đồng Nai, chú Tú Anh vẫn luôn hỗ trợ em về sách vở cũng như treo thưởng mỗi khi em đạt kết quả cao, chú như người cha thứ hai của em vậy", bé Đớt chia sẻ.

Thủa chưa lập gia đình, Tú Anh đã từng nghĩ sẽ sống độc thân hết đời để dành thời gian cho các em nhỏ. "Thật may mắn khi sau này vợ cũng ủng hộ tôi, cả hai vợ chồng bàn nhau sẽ đóng sách xây thư viện đến khi nào không còn sức", anh chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm