Đây không phải lần đầu nữ sinh viên 21 tuổi bị phụ huynh phản ứng về những nội dung đăng trên trang cá nhân. Cách đây nửa năm, mẹ cô đã bắt taxi từ Thái Bình lên Hà Nội ngay trong đêm bởi đọc được dòng trạng thái của con gái: "Em bé hôm nay không ổn, mọi việc cứ tệ dần".
"Em bé" là cách Ngọc Thu tự gọi bản thân mỗi khi mệt mỏi. Nhưng mẹ cô lại nghĩ con gái đang mang thai và giấu giếm gia đình. Sau cả ngày tra khảo, kiểm tra người mẹ mới an tâm về quê.
Từ lần đó, Thu đã định chặn tài khoản của mẹ trên mạng xã hội nhưng bị bà nghiêm cấm, mắng là "đồ bất hiếu". Nhưng khi đọc bình luận của bố dưới bức ảnh mình mặc váy ngắn, Thu quyết tâm cắt đứt sự theo dõi của bố mẹ trên trang cá nhân.
Quốc Tuấn ở Kiến An, Hải Phòng coi việc chặn tài khoản của bố mẹ là chuyện bình thường. Theo suy nghĩ của anh mạng xã hội là nơi được thể hiện chính mình với đủ cung bậc cảm xúc, trong đó có cả sự tiêu cực hay buồn chán.
Tháng trước sau khi xem một bộ phim buồn, Tuấn đăng bức ảnh với đôi mắt và hai hàng nước mắt. Vài phút sau, mẹ anh gọi điện gặng hỏi chuyện. Dù được giải thích bà nhất quyết không tin, cho rằng Tuấn đang giấu mình chuyện gì đó. "Tôi nhận ra những cảm xúc nhỏ nhặt của người trẻ đôi khi lại rất nghiêm trọng trong mắt người lớn", Tuấn nói.
Không muốn bố mẹ lo lắng những vui buồn thất thường của mình, anh đã chặn tài khoản của họ.
Theo thạc sĩ Nga Sinh, giảng viên giáo dục giới tính Hệ thống giáo dục Hocmai, việc con cái chặn tài khoản mạng xã hội của cha mẹ là hành động khá phổ biến, xảy ra ở hầu hết các lứa tuổi. Trong khảo sát độc giả của VnExpress, 55% người cho biết đang thực hiện việc này.
Bà Nga cho rằng là do con cái muốn phòng bị cha mẹ, muốn có không gian riêng thể hiện mình mà không có sự phán xét, la mắng, chỉ trích khi có những bình luận, chia sẻ không "vừa mắt" người lớn.
Sự phòng bị thường xuất phát từ hành động kiểm soát con thái quá, từ việc cha mẹ ít lắng nghe con, bất kể nội dung tốt hay xấu, đúng hay sai. Cha mẹ không nghe giải thích, phán xét và có lời bàn tán sau lưng cũng sẽ khiến con khó chịu và tạo tâm lý phòng bị.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên tâm lý của Đại học Văn Lang, TP HCM cho rằng, nhiều người trẻ cá tính, muốn thể hiện quan điểm bằng những bình luận thẳng thật nhưng phụ huynh lại muốn con thể hiện "đúng mực theo ý họ". Bên cạnh đó, nhiều người trẻ sợ bị phụ huynh gắn thẻ trong các bài viết hay chia sẻ những khoảnh khắc xấu hổ, khiến họ không thoải mái.
"Giới trẻ tìm tới mạng xã hội với mục đích giải trí, vượt qua khuôn khổ quản thúc và được thể hiện cá tính. Việc bị cha mẹ dõi theo thậm chí kiểm soát sẽ khiến họ cảm thấy ức chế, gò bó". Bà Đào Lưu nói. Đây cũng là lý do gây ra bất đồng giữa hai thế hệ trong gia đình.
Ngọc Thu cho rằng chặn bố mẹ trên mạng bởi không muốn bị mọi người "lo lắng một cách mù quáng". "Bố mẹ không hiểu người trẻ nên cứ thấy con gái ăn mặc mát mẻ hoặc trang điểm đậm sẽ đánh giá là người không tốt. Hoặc cứ đăng ảnh du lịch, họ lại vào khuyên nên tiết kiệm lo cho tương lai", Thu nói. "Thay vì tranh cãi, chặn trực tiếp tiện lợi hơn nhiều".
Hành động của con gái khiến người mẹ phản đối gay gắt và cho rằng "chắc làm việc mờ ám mới không muốn để bố mẹ biết". Với cô gái này, mối quan hệ với cha mẹ giống như hai đường thẳng song song, dù nhìn thấy nhau nhưng không bao giờ có điểm chung.
Bà Đào Lưu hiểu được tâm tư của người trẻ như Ngọc Thu. Theo chuyên gia, nếu người trẻ được thể hiện chính mình, được tôn trọng sẽ thoải mái hơn khi kết bạn với cha mẹ trên mạng xã hội. Còn ngược lại, nếu không có sự thấu hiểu, khi con cái chặn cha mẹ, người lớn thậm chí còn cảm thấy bị tổn thương.
Để tránh những tranh cãi và tổn thương, khi dùng mạng xã hội, cha mẹ nên tôn trọng quyền riêng tư của người trẻ. Không nên can thiệp vào việc con cái đăng trạng thái gì, hình ảnh nào, bình luận ra sao. "Nếu có thể hãy góp ý tế nhị, không nên chấn chỉnh con ngay trên mạng xã hội", bà Lưu nói.
Với chuyên gia Nga Sinh, dù cha mẹ muốn thu hẹp khoảng cách thế hệ bằng kết nối mạng nhưng cần có điểm giới hạn để tránh xâm phạm quyền riêng tư của con. Nếu không, chắc chắn các con sẽ chặn cha mẹ để có sự riêng tư, có nơi thoải mái chia sẻ suy nghĩ của mình.
Trong trường hợp bắt con bỏ chặn như trường hợp của mẹ Ngọc Thu, một là con sẽ phản ứng gay gắt, hai là đồng ý nhưng lập các trang khác. Bởi vậy, điều quan trọng nhất là cha mẹ nên điều chỉnh cách phản ứng, thể hiện sự tôn trọng quyền riêng tư, không xen vào các hoạt động của con với bạn bè trên mạng xã hội trừ khi có xu hướng lệch lạc.
Trong trường hợp cần thiết, cha mẹ có thể lập tài khoản phụ, âm thầm đồng hành, kịp thời giải quyết nếu như con quan tâm tới những thông tin không lành mạnh trên mạng xã hội.
"Thay vì can thiệp thô bạo, nên dành cho họ sự tôn trọng. Chỉ có sự tôn trọng và niềm tin của cha mẹ mới giữ cho con không làm những điều tổn hại đến bản thân", bà Nga Sinh khẳng định.