Kỹ năng sống

Chân dung nhiếp ảnh gia Hùng Lekima: Người đi xuyên Việt chỉ để "săn" ảnh rác và sứ mệnh cứu đại dương

Xuất hiện trong chương trình Việc tử tế của VTV, nhiếp ảnh gia Hùng Lekima (tên thật Nguyễn Việt Hùng) được biết đến là nhiếp ảnh gia của những thông điệp tích cực về môi trường. Để ghi lại tình trạng rác thải nhựa gây ô nhiễm khắp Việt Nam, anh đã đi tổng cộng gần 7.000 km trong đó có 3.260 km bờ biển từ Bắc chí Nam bằng xe máy.

100 bức ảnh được lựa chọn từ 3000 bức ảnh do Hùng Lekima ghi lại trên hành trình một tháng rưỡi qua 28 tỉnh thành ven biển và hơn 100 cửa sông vô cùng ấn tượng và “ám ảnh”. Mỗi ngày làm việc của anh bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối. Trên quãng đường, anh dừng lại tại rất nhiều điểm để chụp ảnh.

"Đầu tiên là do tôi biết Việt Nam đứng thứ 4 trong việc xả rác thải nhựa ra đại dương (theo công bố của Chương trình Môi trường LHQ cuối năm 2018 - PV). Thứ hai, rác thải nhựa từ lâu đã trở thành mối nguy hại của nhân loại nhưng không phải ai cũng biết. Là một nhiếp ảnh gia, tôi hiểu rằng thông qua hình ảnh có thể làm cho con người thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi về hành vi. Cho nên, với việc chụp ảnh này, tôi muốn đóng góp sức nhỏ bé của một công dân để làm thay đổi nhận thức và hành động của con người trong việc bảo vệ môi trường", anh chia sẻ lí do bắt đầu chuyến hành trình này trên Thanh niên.

Tháng 8/2018, từ địa điểm đầu tiên - Hà Nội, Hùng Lekima bắt đầu "hành trình vạn dặm" của mình. Anh chạy xe tới Ninh Bình, men theo đường biển vào đất mũi Cà Mau, rồi đến Hà Tiên (Kiên Giang), giáp biên giới Campuchia. Tháng 12/2018, hành trình của anh lại tiếp tục từ Hà Nội đi tới Nam Định, bám dọc đường biển đi Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh tới mũi Sa Vỹ - địa đầu Tổ quốc.

Anh tâm sự trên CAND về trải nghiệm của mình: “Tôi thấy xót xa khi đến nơi danh lam thắng cảnh là Hòn Phụ Tử rất đẹp ở Kiên Giang - một bãi tắm hiếm hoi nhưng ở đó mọi người lại đổ rác ra ngay bãi cát và đốt. Rồi tôi nhìn thấy những cây thốt nốt hay cây dừa rất lâu năm bị đốt cháy chết, thậm chí gốc vẫn còn đen ở ngay khu soát vé của di tích lịch sử thì thực sự tôi thấy xót xa. Tôi tự hỏi, những nơi trung tâm còn như vậy thì không biết vùng sâu, vùng xa thế nào”.

 Chân dung nhiếp ảnh gia Hùng Lekima: Người đi xuyên Việt chỉ để săn ảnh rác và sứ mệnh cứu đại dương  - Ảnh 1.

.Triển lãm “Hãy cứu biển” năm 2019 của anh - triển lãm ảnh đầu tiên về rác thải nhựa ở Việt Nam được trưng bày đúng dịp kỷ niệm ngày Môi trường thế giới (5-6) và ngày Đại dương thế giới (8-6). Đây cũng là bước ngoặt đầu tiên của dự án cá nhân Save Our Seas của anh.

Những con số được đưa ra tại triển lãm đã khiến nhiều người "giật mình" vì mức độ cấp báo của môi trường Việt Nam: mỗi năm, Việt Nam xả ra đại dương khoảng 0.28 đến 0.73 triệu tấn rác thải nhựa qua 112 cửa sông khiến số lượng rác nhựa ở Việt Nam gây ô nhiễm môi trường biển chiếm hơn 50% lượng rác nhựa thải ra đại dương.

Càng đi, càng thấy thực trạng rác đang xâm chiếm khắp các bờ biển Việt Nam, Hùng Lekima lại càng muốn câu chuyện của mình được lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ tới cộng đồng nhằm góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức của mỗi cá nhân cũng như góp một tiếng nói tới các cơ quan quản lý, ban hành chính sách trong cuộc chiến chống lại rác thải nhựa, cứu đại dương. Với những đóng góp của mình, anh đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường trao tặng danh hiệu “Đại sứ đại dương xanh”.

Ảnh: Thanh niên.



Cùng chuyên mục

Đọc thêm