Việc Quang Hải xuất ngoại đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều lần trong thời gian qua. Dù vẫn chưa biết Quang Hải sẽ cập bến CLB nào của nước ngoài, tuy nhiên phía trước cầu thủ 25 tuổi này sẽ là những thách thức rất lớn khi anh quyết định bước ra khỏi "vùng an toàn".
Khó khăn chờ đón ở phía trước
Cách đây gần 2 tháng, HLV của CLB Đông Á Thanh Hóa - Ljubo Petrovic, chỉ ra điều mà Quang Hải cần phải khắc phục: "Như hôm nay, tôi thấy Quang Hải hơi thừa cân. Nếu vẫn thừa cân như vậy, cậu ấy sẽ không chơi bóng được ở châu Âu đâu. Cầu thủ thừa cân sẽ bị gạt ra ngoài ngay". Nhưng điều mà HLV Ljubo Petrovic nói mới chỉ là một phần trong những vấn đề mà Quang Hải sẽ phải đối mặt khi ra nước ngoài chơi bóng.
Quang Hải sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức ở phía trước
Trong cuộc phỏng vấn vào năm 2014, cựu danh thủ Thái Lan là Kiatisuk Senamuang cũng chỉ ra khó khăn lớn nhất mà ông gặp phải khi sang Anh khoác áo CLB Huddersfield Town ở mùa giải 1999/2000: "Khi sang Anh, tôi mới biết rằng các bài tập thể lực là rất quan trọng. Tại sao các cầu thủ ở Premier League có thể chạy suốt 90 phút, hay 120 phút mà không bị kiệt sức? Bởi vì họ tập luyện rất chăm chỉ. Không có buổi tập nào mà không mệt bở hơi tai".
Một ngôi sao bóng đá khác của Thái Lan là Chanathip Songkrasin cũng gặp vô số thách thức ở trong và ngoài sân cỏ khi anh sang chơi bóng ở Nhật Bản cho CLB Consadole Sapporo. Cụ thể, Chanathip phải thích nghi với thời tiết, thức ăn, ngôn ngữ, văn hóa và cả bóng đá. Anh hầu như không được các đồng đội ở Consadole Sapporo chuyền bóng trong khoảng thời gian đầu khoác áo CLB này. Và chẳng có ai dùng tiếng Thái để giao tiếp với Chanathip.
Chanathip từng gặp vô vàn khó khăn ở Consadole Sapporo
Dù vị trí sở trường của Chanathip là tiền vệ tấn công nhưng HLV Shuhei Yomoda của Consadole Sapporo lại kéo anh sang đá dạt cánh. Có những thời điểm trong trận, Chanathip có mặt ở khu vực thuận lợi để nhận bóng nhưng kết quả là đồng đội là chuyền cho người khác.
Kết thúc mùa bóng đầu tiên tại Nhật Bản (2017), anh ra sân 16 trận, không ghi được bàn nào và chỉ có 1 kiến tạo. Khi đội bóng có HLV mới là Mihailo Petrovic, tình cảnh của Chanathip vẫn không khá hơn. Anh thậm chí còn bị đẩy xuống tập với đội dự bị.
Nhiều CĐV Thái Lan thì hoài nghi về khả năng chơi bóng ở Nhật Bản của Chanathip. Họ cho rằng Chanathip có thân hình quá nhỏ bẻ (1m59) và không thể theo kịp với tốc độ chơi bóng ở Nhật Bản. Chanathip từng tâm sự rằng những chỉ trích đó khiến anh rất khó chịu: "Tại sao cùng là người Thái Lan nhưng chúng ta không động viên nhau? Tại sao các bạn thích xúc phạm, chỉ trích người khác".
Bài học quý giá cho Quang Hải
Có quá nhiều khó khăn đối với những cầu thủ Đông Nam Á khi tới một môi trường bóng đá có đẳng cấp cao hơn. Và việc vượt qua được những khó khăn ấy chẳng phải là điều dễ dàng. Với Chanathip, anh đã làm rất nhiều việc để hòa nhập với môi trường bóng đá Nhật Bản. Anh phải học tiếng Nhật để giao tiếp với các đồng đội. Chanathip cũng cố gắng tạo mối quan hệ tốt với mọi người ở CLB.
Đồng đội cũ của Chanathip ở Consadole Sapporo là Ishii Kengo chia sẻ: "Chanathip là người dễ hòa đồng và vui tính. Quan trọng nhất, Chanathip thích giúp đỡ người khác và luôn tỏ ra tốt bụng. Nhiều cầu thủ trong đội là bạn bè với cậu ấy. Chanathip rất tích cực học tiếng Nhật và sau vài tháng, cậu ấy hiểu lối chơi của đội bóng. Từ việc chỉ ngồi dự bị, Chanathip giành được suất đá chính. Có một lần, Chanathip mời tôi tới nhà dùng bữa với cậu ấy. Chanathip ở trong bếp nấu món Pad Thai (mì xào kiểu Thái) khiến tôi rất ấn tượng".
Chanathip làm nhiều việc để cố gắng hòa nhập ở Consadole Sapporo
Trên sân cỏ, Chanathip dần thể hiện khả năng của mình. Cầu thủ người Thái Lan chia sẻ rằng anh đã cố gắng thích nghi với chiến thuật của HLV Mihailo Petrovic: "Ông ấy dạy tôi rằng khi chơi bóng trên sân, cần phải biết tư duy. Tôi cần phải chạy thật nhiều và chọn đúng thời điểm để chuyền bóng hay dứt điểm".
"HLV luôn nhắc nhở tôi phải kiến tạo và ghi bàn nhiều hơn nữa, bởi vì tôi là cầu thủ nước ngoài. Tôi thực sự phải cảm ơn ông ấy. Tôi đang ở nước ngoài và tôi tin rằng có nhiều cầu thủ giỏi hơn mình. Do vậy tôi phải không ngừng tiến bộ", Chanathip thổ lộ.
Những lời chỉ dẫn của HLV Mihailo Petrovic rất quan trọng đối với Chanathip để anh hoàn thiện lối chơi và nâng cao khả năng của mình. Chỉ có thi đấu tốt hơn những cầu thủ Nhật Bản và các ngoại binh khác, Chanathip mới có thể tìm được chỗ đứng cho riêng mình ở xứ Mặt trời mọc.
Kết quả là ở mùa bóng 2018, Chanathip ghi 8 bàn và thực hiện 2 kiến tạo trong 30 lần ra sân ở J-League. Anh được các đồng đội bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất CLB mùa giải đó. Ngoài ra, Chanathip còn lọt vào Đội hình tiêu biểu của J-League mùa 2018.
Thành tích thi đấu của Chanathip Songkrasin ở CLB Consadole Sapporo
Nhà báo người Thái Lan - Chitakorn Srikhamkrue nói về Chanathip: "Nếu bạn nhìn vào trường hợp của Chanathip, nguyên nhân chính khiến cậu ấy thành công, đó là bởi Chanathip không ngừng thách thức bản thân và cải thiện. Chanathip có thái độ của một cầu thủ chuyên nghiệp thực sự. Chanathip làm tôi nhớ về 1 tiền đạo châu Phi chơi bóng ở Đức mà tôi từng phỏng vấn cách đây nhiều năm. Anh ấy nói rằng mọi thứ ở Đức đều khác với quê hương của mình, từ thức ăn, ngôn ngữ, văn hóa, thời tiết và phong cách chơi bóng. Tuy nhiên anh ấy chỉ nghĩ đến một điều, đó là vượt qua chính bản thân và thi đấu tốt hơn những cầu thủ khác".
Quang Hải từng nói rằng anh chú ý tới những bài học từ các cầu thủ xuất ngoại trước đó. Những gì mà Chanathip trải qua ở J-League có thể sẽ là bài học quý báu để Quang Hải gặp thuận lợi hơn trong quá trình chinh phục môi trường bóng đá mới.