Kỹ năng AI là chiến lược sự nghiệp thời đại mới
Trong cuộc phỏng vấn với kênh Stratechery, Sam Altman chia sẻ rằng nếu ông được chọn lại con đường sự nghiệp ngày hôm nay, ông sẽ không chỉ học lập trình mà sẽ tập trung tối đa vào việc làm chủ các công cụ AI. Theo ông, đây là chiến lược sự nghiệp rõ ràng nhất cho người trẻ thời nay.
"Khi tốt nghiệp trung học, tôi chọn học lập trình như một chiến lược rõ ràng. Ngày nay, học cách sử dụng AI thành thạo chính là phiên bản hiện đại của điều đó," Altman nói.
Sam Altman từng nghỉ học tại Đại học Stanford sau 2 năm theo học ngành khoa học máy tính. Kinh nghiệm này khiến ông càng tin rằng trong thời đại mới, việc đầu tư hàng năm trời, tiền bạc và công sức vào đại học không còn là con đường duy nhất dẫn đến thành công.
Mặc dù chia sẻ của Altman có vẻ phù hợp với những người đi theo con đường công nghệ, nhưng nhìn rộng hơn thì đây là một lời khuyên nghề nghiệp phù hợp cho đa số gen Z là học sinh phổ thông hiện nay.
Với AI, người trẻ có thể học từ các chương trình đào tạo kỹ năng ngắn hạn, hay thậm chí từ các công cụ học miễn phí như podcast hoặc nền tảng Google NotebookLM. Một số chương trình đào tạo kỹ năng kéo dài vài tháng cũng đã được CEO Microsoft chứng thực là bước đệm quan trọng để học các kỹ năng AI.
Theo Altman và nhiều chuyên gia, thành thạo công cụ AI không còn là lợi thế - mà là điều kiện tối thiểu để không bị bỏ lại phía sau trong thị trường lao động mới.
Trong suốt nhiều năm, lập trình được xem là kỹ năng vàng trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, AI đang nhanh chóng làm lu mờ vai trò đó. Altman nhận định tại nhiều công ty, AI đã đảm nhiệm 50% công việc lập trình và xu hướng này sẽ tăng mạnh chỉ trong vài tháng tới.

Nhà sáng lập OpenAI (Ảnh: Inc).
Dario Amodei - CEO Anthropic - còn đưa ra dự đoán táo bạo hơn rằng AI sẽ viết tới 90% mã lập trình trong vòng 3-6 tháng tới. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu tuyển lập trình viên truyền thống có thể giảm mạnh.
Tuy nhiên, AI không xóa sổ nghề lập trình mà tái định nghĩa nó. Altman đề cập đến xu hướng mới mang tên "agentic coding" - nơi các AI tạo sinh sẽ tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại, giúp kỹ sư phần mềm tập trung vào các vấn đề chiến lược và sáng tạo hơn.
"AI sẽ dần len lỏi vào từng ngóc ngách của nền kinh tế, ban đầu sẽ còn sau đó là nhanh đến bất ngờ", ông nói.
Trong tương lai, thế giới sẽ cần ít kỹ sư phần mềm hơn, nhưng đòi hỏi họ phải giỏi hơn, nhanh hơn và làm việc chiến lược hơn.
AI là điều kiện cần, kỹ năng mềm là điều kiện đủ
Báo cáo nghiên cứu của mạng tuyển dụng LinkedIn cho biết kỹ năng được nhà tuyển dụng săn đón nhiều nhất trong năm 2025 chính là "AI literacy" - khả năng hiểu và sử dụng công cụ AI. Các tập đoàn lớn như Apple, Amazon và Meta hiện đang tìm kiếm gắt gao các chuyên gia AI - một trong những nghề có thể mang lại thu nhập hàng triệu USD mỗi năm.
"Các công ty đang ưu tiên tuyển dụng những nhân sự có khả năng ứng dụng AI để giải quyết bài toán kinh doanh thực tế", LinkedIn viết.
Đáng chú ý, mức độ cạnh tranh trên thị trường lao động đang tăng cao. Dan Roth, Tổng biên tập LinkedIn cho biết số lượng ứng viên trung bình cho mỗi vị trí công việc đã tăng, trong khi tỷ lệ tuyển dụng chung giảm 3,4%.
"Doanh nghiệp đang thắt chặt tuyển dụng. Thị trường chưa đến mức khủng hoảng, nhưng rõ ràng không còn dễ dàng", Roth nhận định.
Tuy nhiên, không chỉ có kỹ năng công nghệ, các kỹ năng mềm cũng ngày càng trở nên quan trọng để tồn tại và phát triển trong môi trường mới.
Chris Hyams - CEO của nền tảng tuyển dụng Indeed - nhấn mạnh rằng nhà tuyển dụng cũng ưu tiên tìm kiếm những ứng viên có tinh thần tò mò, ham học hỏi và sẵn sàng thích nghi.
Sam Altman hoàn toàn đồng tình với những nhận định này. Theo ông, trong bối cảnh chuyển đổi sâu rộng của công nghệ, điều quan trọng là phải "học cách học". Mỗi cá nhân cần rèn luyện khả năng thích ứng nhanh, kiên cường trước sự thay đổi và không ngừng nâng cấp bản thân.
"Dù bạn chọn học bất kỳ kỹ năng chuyên môn nào, hãy học thêm những kỹ năng nền tảng vì chúng sẽ luôn quan trọng trong mọi giai đoạn chuyển đổi của thế giới", nhà sáng lập kiêm CEO OpenAI kết luận.