Doanh nhân

CEO Xây dựng Hoà Bình: 6 tuổi theo cha lên công trường, giữ ghế CEO ở tuổi 28 và hành trình tái cấu trúc tập đoàn xây dựng lớn nhất Việt Nam

Là con chủ tịch Lê Viết Hải, theo CEO Lê Viết Hiếu, ngay từ năm 6 tuổi, anh đã được ba dẫn lên công trường. Sau đó mỗi năm, cứ học xong là anh lại lên công ty, và có cơ hội tiếp xúc gần với ngành xây dựng. Hiếu thừa nhận bản thân đủ năng lực để theo đuổi những con đường khác, nhưng cuối cùng, anh lựa chọn gắn bó với ngành xây dựng.

"Mình chọn ngành mà ngành cũng chọn mình luôn", CEO Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Lê Viết Hiếu nói về con đường sự nghiệp của mình.

Năm 2020, Lê Viết Hiếu được bổ nhiệm làm tổng giám đốc khi mới 28 tuổi. Trước đó, anh cũng đã được đào tạo về quản trị kinh doanh tại Mỹ và từng giữ vị trí lãnh đạo mảng phát triển thị trường nước ngoài của tập đoàn Hòa Bình trong 4 năm.

Thời điểm Hiếu nhận chức, lịch sử Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã bước sang năm thứ 33. Đây là tên tuổi đứng sau hàng loạt công trình xây dựng nổi tiếng như Vinhomes, Ecopark,... với vốn hóa hàng nghìn tỷ đồng. Trong 30 năm, từ 1988 đến 2018, cứ 5 năm, doanh thu của Hòa Bình lại tăng 5 lần, là một trong những nhà thầu xây dựng top đầu Việt Nam.

Áp lực với vị CEO trẻ không chỉ nằm ở việc duy trì thành công, mà trùng hợp đó cũng là giai đoạn thị trường nói chung đang đi xuống, vì ảnh hưởng của đại địch Covid-19.

"Hiếu nhận chuyển giao khi mới 28 tuổi, đó là điều tôi rất lo, nhưng may mắn, Hiếu chủ động và nỗ lực. Qua 2 năm đầu tiên đầy thử thách khi thị trường đi xuống do đại dịch, giờ là biến động của kinh tế vĩ mô, tôi thấy mình đã chuyển giao kịp thời để Hiếu có kinh nghiệm đối phó trong giai đoạn khó khăn", Chủ tịch Lê Viết Hải chia sẻ về con trai trong talkshow The Next Power.

"Tôi chỉ đưa ra lời khuyên chứ không áp đặt, và để cho Hiếu chủ động trong việc điều hành, đúng với vai trò một CEO, còn tôi làm vai trò của chủ tịch. Ai ở vai trò, chức năng, nhiệm vụ nào thì làm đúng quy trình ở đó, không làm cho quan hệ trở nên mâu thuẫn, xung đột".

CEO 9x của tập đoàn Hòa Bình: 6 tuổi theo cha lên công trường, 28 tuổi lên lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng vốn hóa lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1.

CEO Lê Viết Hiếu trong talkshow The Next Power.

Công cuộc tái cấu trúc của vị CEO trẻ

Một trong những dấu ấn nổi bật của Lê Viết Hiếu tại Hòa Bình chính là công cuộc tái cấu trúc, thực hiện tinh giản hóa từ bộ phận quản lý cấp cao, cho tới các phòng ban và cả hệ thống nhân viên. Với số lượng lên tới 5.000 nhân sự, thay vì chia ra nhiều phó tổng cùng quản lý, Hiếu "gói gọn" lại thành 4 người. Như vậy, mỗi người được trao quyền nhiều hơn, trách nhiệm và chức năng của mỗi người cũng lớn hơn.

Chưa kể, các phòng ban được phân chia, sắp xếp lại, tránh việc “quả bóng trách nhiệm” bị phòng này “đá” sang phòng kia. Ngoài ra, những phòng ban liên quan trực tiếp với nhau sẽ có những phần KPI chung. Theo Hiếu lý giải, khi họ có một mục đích chung, họ sẽ hợp tác với nhau để cùng đạt được mục tiêu đó, thay vì đùn đẩy hoặc chồng chéo trách nhiệm như ngày xưa.

"Hiếu thấy rõ nhất là ít phiếu trình hơn, việc chạy tốt hơn, các phòng ban đang hợp tác với nhau cởi mở, tốc độ công việc nhanh hơn".

Tất nhiên, ở độ tuổi còn khá trẻ so với nhiều "cây đa, cây đề" trong công ty, Hiếu cũng phải có cách tiếp cận phù hợp trước khi triển khai bất cứ sự thay đổi nào. Vị CEO sinh năm 1992 cho biết, anh dành nhiều công sức để thuyết phục các phó tổng đáng tuổi cha, chú. Anh lấy ý kiến của rất nhiều người đi trước, hoàn thiện các phương án của mình rồi "ngồi riêng", "ngồi chung" và chuẩn bị những luận điểm và chứng cứ rất rõ ràng để thuyết phục.

Tại đây, phương pháp lãnh đạo tạo nên dấu ấn của vị tổng giám đốc này là "lãnh đạo bằng câu hỏi". Những câu hỏi được anh đưa ra hướng tới phương pháp giải quyết, những bước đi tiếp theo của vấn đề và cho tất cả mọi người cơ hội để đóng góp.

"Tất nhiên sẽ có một phần nhỏ không đồng ý hoặc có ý kiến, nhưng mình phải có đủ bản lĩnh để chứng minh luận điểm của mình đúng", Hiếu nhấn mạnh.

CEO 9x của tập đoàn Hòa Bình: 6 tuổi theo cha lên công trường, 28 tuổi lên lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng vốn hóa lớn nhất Việt Nam - Ảnh 2.

So với cha mình là Chủ tịch Lê Viết Hải, CEO Lê Viết Hiếu tiết lộ phong cách lãnh đạo của anh có phần cẩn trọng hơn. Anh cho biết ông Hải là người tay trắng dựng lên cơ đồ nên không có gì làm ông sợ hãi. Cách ông tiếp cận cơ hội thường sẽ theo hướng quyết liệt trong việc triển khai, luôn có tư tưởng làm nhanh, làm gấp, là ngọn lửa kéo cả đoàn tàu đi theo.

"Về tầm nhìn, mình chia sẻ tầm nhìn chung với chủ tịch. Nhưng cách làm thì mình có tính cẩn trọng hơn. Mình tập trung vào quản lý rủi ro nhiều hơn. Sếp là ngọn lửa thúc anh em làm nhanh lên, làm đi đừng sợ, còn mình cố gắng làm sao vừa đạt tầm nhìn, tiến độ sếp đặt ra, vừa đảm bảo công ty và dự án có tính thành công cao nhất", Hiếu tâm sự.

Cuối năm 2021, Hòa Bình trở thành nhà thầu xây dựng có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cùng năm đó, tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đạt danh hiệu số 1 về môi trường làm việc tốt nhất của lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, theo Anphabe.

Tầm nhìn 20 tỷ USD và tham vọng ra thị trường quốc tế

Vị trí hàng đầu trong lĩnh vực thầu xây dựng Việt Nam chưa bao giờ là đủ đối với Hòa Bình. CEO Lê Viết Hiếu tiết lộ anh và cha mình có tầm nhìn giống nhau, cùng hướng tới xây dựng một tập đoàn đa quốc gia, có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài cả về chế độ, phúc lợi, lẫn hình ảnh và uy tín trên bản đồ quốc tế. Họ đặt mục tiêu đưa Hòa Bình lên doanh thu 20 tỷ USD vào năm 2032.

Nói riêng về việc đi ra thị trường quốc tế, CEO 9x tiết lộ Hòa Bình đã có nhiều nhiều kinh nghiệm làm việc với các tên tuổi lớn như Samsung, Lotte của Hàn Quốc hay Kajima, Taisei của Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa Hòa Bình thấu hiểu yêu cầu về quản lý dự án, cũng như văn hóa làm việc của đối tác nước ngoài, biết họ quan tâm và mong muốn điều gì.

Tuy nhiên để cạnh tranh, có hai điểm quan trọng cần thay đổi, một là con người, hai là quá trình nghiên cứu, phát triển vật liệu, công nghệ mới.

"Điều đầu tiên và quan trọng nhất cần thay đổi là con người, thay đổi chính tư duy và năng lực. Khi Hiếu đi qua Úc, Singapore, Mỹ,… Hiếu thấy 1 dự án của họ thật sự ít người tham gia, nhưng mọi người trong team lại rất đa năng. Kêu họ vẽ cũng được, kêu họ ra quản lý cũng được, kêu lên kế hoạch cũng được. So ra số lượng người trong dự án chỉ bằng một nửa bên mình, nghĩa là họ tối ưu hóa được nguồn lực trên mỗi dự án".


CEO 9x của tập đoàn Hòa Bình: 6 tuổi theo cha lên công trường, 28 tuổi lên lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng vốn hóa lớn nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Còn về vấn đề nghiên cứu - phát triển, theo CEO Lê Viết Hiếu, hiện tại ngành xây dựng Việt Nam vẫn đang đem công nghệ, vật tư mới từ nước ngoài về áp dụng, đang cố gắng theo kịp nước ngoài. Trong khi đó, top 10 doanh nghiệp hàng đầu ngành xây dựng thế giới luôn có trung tâm R&D riêng để nghiên cứu, chế tạo những công nghệ mới. Điều này không chỉ giúp họ tạo lợi thế cạnh tranh, mà khi sản phẩm, vật liệu được áp dụng đại trà, họ có thể trực tiếp thu về lợi nhuận.

Trong tương lại, nếu muốn tạo được lợi thế canh tranh thực sự và bền vững, chính các doanh nghiệp Việt phải có những công nghệ, vật liệu của riêng mình.

"Đó là những thứ chúng ta thật sự sở hữu, những năng lực mang chất xám cao hơn, tốn thời gian và chi phí để đầu tư nhưng nếu chúng ta không làm, chúng ta sẽ tụt hậu".

Với Hòa Bình, để hiện thực hóa mục tiêu này, một trong những bước đi đầu tiên là thành lập trung tâm R&D với số vốn đầu tư lên tới 900 tỷ đồng, rộng 2,5ha tại Khu công nghệ cao thuộc Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Tập đoàn cho biết trung tâm đang làm việc để hình thành mô hình hỗ trợ các chuyên đề nghiên cứu của công ty khởi nghiệp nói chung, hoặc dùng những máy móc, thiết bị, không gian đó để nghiên cứu và phát triển cho chính tập đoàn nói riêng.

"Đây là một quy mô lớn so với nhiều trung tâm của nhiều doanh nghiệp khác. Một mình Hòa Bình sẽ không khai thác hết và không hiệu quả", Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết. "Vì vậy, chúng tôi chủ trương đây là cơ sở vật chất sáng tạo phục vụ chung cho nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm