Khởi nghiệp

CEO Việt tại Mỹ: Startup cần thực tế, tỉnh táo nhưng đừng mất hy vọng vì Covid-19

Văn Đinh Hồng Vũ là đồng sáng lập và CEO ELSA, startup công nghệ giáo dục tại Silicon Valley (Mỹ). Công ty này đã gọi vốn thành công 12 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư nổi tiếng, trong đó có Gradient Ventures, quỹ mạo hiểm chuyên đầu tư vào AI của Google.

Nhà đầu tư tại Mỹ đã sớm rung hồi chuông báo động

- Là một CEO startup tại Silicon Valley, chị thấy đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các công ty khởi nghiệp tại Mỹ như thế nào?

- Tình hình startup tại Mỹ cũng bị ảnh hưởng nhiều vì Covid-19. Trong thời gian này đại dịch gây ra nhiều trở ngại cho nền kinh tế nói chung và các công ty startup còn trẻ lại càng gặp nhiều trở ngại.

Về tình hình kinh tế nói chung, người tiêu dùng hạn chế đi lại, hạn chế mua sắm, đồng thời vì thị trường nhiều yếu tố khó dự đoán trước nên các hoạt động đầu tư, sản xuất cũng bị xáo trộn và ngừng lại. Startup nhắm đến cả người tiêu dùng (B2C) lẫn doanh nghiệp (B2B) đều bị ảnh hưởng.

Cộng đồng nhà đầu tư mạo hiểm tại Mỹ cũng đã rung hồi chuông báo động tương đối sớm vì rất khó để dự đoán tình hình kinh tế ngắn hạn khi nào mới phục hồi. Các startup tại Mỹ hay toàn cầu đều đang trong tình trạng rất cẩn thận với mức đầu tư và chi tiêu. Trong giai đoạn này với các doanh nghiệp trẻ, điều quan trọng nhất là tìm những cách sáng tạo để nâng cao năng suất và hiệu quả.

- Với ELSA thì sao, startup của chị đang hoạt động như thế nào trong bối cảnh Covid-19 bùng phát trên khắp thế giới?

- May mắn là ELSA từ ngày đầu đã hoạt động ở Việt Nam, Mỹ và Bồ Đào Nha nên công ty dựa nhiều vào các công cụ làm việc online như Zoom, Slack và nhân viên ELSA cũng có thói quen chủ động và tự lập nên về mặt năng suất làm việc ELSA không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Tuy nhiên điều trở ngại nhất là tình hình kinh tế không ổn định và các vùng khác nhau bị ảnh hưởng dịch bệnh vào các thời điểm khác nhau. Công ty phải rất nhạy bén thay đổi chiến lược ngắn hạn tùy vào thị trường và có các cách ứng phó tùy thời điểm. Thực sự là tôi tự hào về độ kiên cường của các bạn trong team, trong giai đoạn khó khăn này mọi người vẫn rất lạc quan và làm việc chăm chỉ. Trong khó khăn lại nảy sinh ra nhiều ý tưởng sáng tạo.

CEO Việt tại Mỹ: Startup cần thực tế, tỉnh táo nhưng đừng mất hy vọng vì Covid-19 - Ảnh 1.
 

Trong thời gian tới, ELSA sẽ có nhiều hoạt động mới, như tôi nói ở trên vì giai đoạn khó khăn nên team lại có nhiều sáng tạo. Thời gian vừa rồi ELSA là đối tác đồng hành trong Dự án âm nhạc Cộng đồng Việt Nam Ơi! Đánh Bay Covid của nhạc sĩ Minh Beta và sắp tới sẽ ra mắt tính năng đặc biệt trong app để mọi người cùng hát bài hát này.

ELSA còn vừa cho ra mắt 55 bài học cho các em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 5, 18 bài cho các em cấp THCS và 18 bài cho các em học sinh cấp 3 với nội dung phù hợp lứa tuổi, với mục đích giúp bố mẹ cùng học với con trong giai đoạn trường lớp đóng cửa. Ngoài ra, ELSA cũng nhanh chóng cập nhật một chủ đề hoàn toàn mới với tên “Let’s Beat CoronaVirus!” với 25 bài học miễn phí cho tất cả mọi người.

Trong thời gian này, ELSA không những tự sáng tạo, thử nghiệm và xây dựng những tính năng mới trên app mà còn nghiên cứu kết hợp với các đối tác khác để làm sản phẩm thêm đa dạng, giúp cho người sử dụng học thêm thích thú và mở rộng chức năng để phù hợp với nhiều lứa tuổi và đối tượng.

- Covid-19 đẩy nhiều startup vào bờ vực phá sản nhưng với một ứng dụng học trực tuyến như ELSA, đây sẽ là cơ hội “vàng” để phát triển?

- Dịch Covid-19 vô tình đã tạo ra một môi trường thử nghiệm mà nhiều nhà xã hội học mơ cũng không thấy: cả thế giới dừng guồng hoạt động thường ngày và chuyển phần lớn các hoạt động lên trực tuyến. Thông thường chuyện thay đổi hành vi là điều khó nhất, nhưng khi các thay đổi đã vào guồng thì có thể sẽ trở thành thói quen mới và ở lại rất lâu. Đợt dịch Covid-19 này đã gây ra nhiều thay đổi về hành vi trong môi trường giáo dục: nhiều trường học đã bắt đầu thử nghiệm và sử dụng các biện pháp trực tuyến trong giai đoạn đóng cửa và những thay đổi về hành vi này đang có các dấu hiệu tích cực.

CEO Việt tại Mỹ: Startup cần thực tế, tỉnh táo nhưng đừng mất hy vọng vì Covid-19 - Ảnh 2.
 

Trong giai đoạn này, không chỉ riêng ELSA mà các giải pháp dạy trực tuyến qua video, hoặc giáo dục sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ có thêm nhiều động lực để sáng tạo, phát triển để có thể tạo điều kiện cho giáo dục từ xa, giúp cho trường học có thể ngừng hoạt động lâu hơn để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, thầy cô và cả cộng đồng mà học sinh vẫn có thể học tập và phát triển kỹ năng tại nhà.

Tôi tin là sau thời gian này, các phụ huynh và nhà trường sẽ quan tâm dành nhiều thời gian và công sức để đầu tư vào các giải pháp công nghệ. Tôi đã thấy các nhà trường và thầy cô có sự cởi mở và sẵn lòng thử nghiệm với các giải pháp trực tuyến trong giai đoạn này và tin rằng sẽ còn nhiều tiến triển cho các biện pháp công nghệ đồng hành cùng các biện pháp giáo dục truyền thống trong thời gian tới.

Huy động được 81.000 USD hỗ trợ giáo viên mầm non

- Thời gian gần đây, chị và ELSA có nhiều hoạt động hỗ trợ startup và cộng đồng. Đâu là động lực giúp chị thực hiện điều này?

- Là một người làm về giáo dục, tôi luôn trăn trở với việc làm thế nào để có thể giúp sức hơn nữa cho giáo dục Việt Nam. Trước tình cảnh dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn đất nước nói chung và hệ sinh thái giáo dục nói riêng, bản thân tôi và ELSA luôn quan tâm và muốn đồng hành cùng cộng đồng trong giai đoạn này.

Dù là học sinh sinh viên, y bác sỹ, người đi làm, đang ở nhà, ở văn phòng, ở bệnh viện, hay ở nơi cách ly, giai đoạn này cũng có nhiều thay đổi, khó khăn. Đây là một động thái tích cực từ ELSA nhằm đáp lại tình cảm và sự quan tâm của mọi người, cũng như mong muốn chia sẻ và hỗ trợ thiết thực hơn nữa với chính quyền các cấp và người dân cả nước đang kiên cường chống dịch.

- Được biết bản thân chị cũng là người mở đầu chiến dịch gây quỹ H.A.T (Help A Teacher). Chị có thể chia sẻ một số thông tin về chiến dịch này và lý do chị lựa chọn đối tượng hỗ trợ trong chương trình là các giáo viên?

- Đại dịch Covid 19 bùng phát ở Việt Nam khiến chính phủ yêu cầu đóng cửa toàn bộ các trường học trên cả nước từ đầu tháng 2. Điều này khiến hàng loạt các trường học tư/cơ sở giáo dục ngoài công lập rơi vào tình cảnh phải đóng cửa, giải thể. Hàng trăm nghìn giáo viên lâm vào tình cảnh thất nghiệp và không có nguồn thu để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Nếu không có các hỗ trợ kịp thời, tình trạng này sẽ gây ra các thiệt hại lâu dài cho nền giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non. Giáo viên mầm non vốn là một nghề thu nhập thấp và nhiều áp lực ở Việt Nam. Bình thường nghề này đã khó thu hút và giữ chân người ở lại với nghề, nay lại đứng trước nguy cơ một lượng lớn các giáo viên/nhân sự sẽ bỏ nghề, bỏ ngành để kiếm một sinh kế khác. Để thu hút và đào tạo lại một lực lượng thay thế là việc không dễ dàng và tiêu tốn nguồn lực không nhỏ của xã hội.

H.A.T là một sáng kiến phi lợi nhuận để gây quỹ và cấp các suất hỗ trợ tài chính nhỏ cho đối tượng là giáo viên mầm non (Mỗi suất 8,4 triệu đồng, tương đương 2 tháng lương tối thiểu vùng 2019) để cầm cự qua mùa dịch.

CEO Việt tại Mỹ: Startup cần thực tế, tỉnh táo nhưng đừng mất hy vọng vì Covid-19 - Ảnh 3.
 

- H.A.T hiện đã gây quỹ được bao nhiêu và số tiền này sẽ được hỗ trợ cho các giáo viên như thế nào?

- Chúng tôi đưa ra một số tiêu chí về các trường hợp được nhận hỗ trợ bao gồm: Giáo viên có quốc tịch Việt Nam, đã làm việc từ một năm trở lên trong lĩnh vực giáo dục; Không trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm nhà nước; Có thu nhập ít hơn 5 triệu/tháng trong 30 ngày qua.

H.A.T ưu tiên cho những trường hợp sau: Có người phụ thuộc cần chăm sóc (con cái, cha mẹ, anh chị em…); Có bệnh tật cần chữa trị; Có người thân làm việc trong lực lượng chống dịch; Có cam kết tiếp tục công việc trong ngành giáo dục sau dịch bệnh.

Sau 13 ngày phát động, H.A.T đã nhận được tổng số tiền hỗ trợ từ cộng đồng là 81.000 USD. Số tiền này sẽ được gửi đến 225 giáo viên đạt tiêu chí nhận hỗ trợ, chiếm 15% tổng số giáo viên đăng ký nhận hỗ trợ.

Startup cần thực tế và tỉnh táo nhưng đừng mất hy vọng

- Trong quá trình khởi nghiệp, đâu là giai đoạn startup của chị gặp nhiều khó khăn nhất và chị đã rút ra bài học gì trong quá trình này?

- Đối với những người làm startup mà có kiến thức nền và kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật, họ có thể tự mình tạo ra những dòng thuật toán đầu tiên và đưa sản phẩm ra được thị trường sớm. Còn tôi là người làm về giáo dục nên khó khăn lớn nhất là làm sao để kêu gọi được những chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới về làm với mình.

Nhân tài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và nhận diện giọng nói cũng như “lá mùa thu", rất khan hiếm. Trên thế giới chỉ có một số “người khổng lồ công nghệ” như Microsoft, Google hay Apple mới đủ nguồn lực để có những mức thu nhập và lợi ích rất lớn để chiêu mộ những người này về.

Điều tôi có thể chia sẻ khi chiêu mộ các nhân tài công nghệ này cũng như kêu gọi các nhà đầu tư chính là tầm nhìn và sứ mệnh mà ELSA được tạo ra, những giá trị mà ELSA có thể mang lại cho cộng đồng và khả năng thay đổi được toàn cầu. Tôi may mắn nhận được sự quan tâm và đồng hành của những người có kinh nghiệm lâu năm và năng lực chuyên môn rất cao trong ngành. Đối với những người như vậy, thù lao không phải là việc họ quan tâm. Có thể nói họ không cần tiền nữa mà điều họ mong đợi là có thể vận dụng khả năng của chính mình để tạo ra được giá trị gì cho cuộc sống.

Thời điểm khởi lập đó, tôi có được sự tham gia của một anh bạn người Bồ Đào Nha là Tiến sĩ Xavier Anguera - đồng sáng lập của ELSA. Anh có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, uy tín và khả năng của anh được cả thế giới công nhận với nhiều bằng sáng chế khác nhau.

CEO Việt tại Mỹ: Startup cần thực tế, tỉnh táo nhưng đừng mất hy vọng vì Covid-19 - Ảnh 4.
 

Bên cạnh vấn đề nhân lực, lĩnh vực nhận diện giọng nói vốn là mảnh đất có rất nhiều “người khổng lồ". Họ mất từ 7 đến 10 năm để nghiên cứu và phát triển các công nghệ có được những khả năng như hiện tại, để giúp ích cho cuộc sống hơn. Khó khăn lớn của chúng tôi thời điểm bấy giờ là không thể bắt đầu từ con số 0 và cũng bỏ từng ấy thời gian để tạo ra một sản phẩm chỉ làm tốt hơn những cái hiện có một chút, đặc biệt là đối với một đội ngũ rất nhỏ và thiếu nguồn lực, chi phí như ELSA. Điều chúng tôi có thể và phải làm là một sản phẩm sáng tạo thật sự, khác với những cách thông thường, trong thời gian ngắn hơn là khoảng 3 năm.

Ban đầu chúng tôi sử dụng API của Google để phát triển ELSA, nhưng điểm mấu chốt là công nghệ nhận diện giọng nói của Google có độ chấp nhận sai số rất lớn, nghĩa là bạn có nói sai thì công nghệ vẫn sẽ hiểu và thực hiện mệnh lệnh của bạn. Điều này hỗ trợ rất lớn cho cuộc sống hiện đại, nhưng lại là trở ngại của việc học ngôn ngữ vì người học sẽ không biết đúng sai như thế nào. Vì thế, cái duy nhất chúng tôi có thể sử dụng lúc đó là việc Google có thể nhận diện được các từ mà bạn nói “không giống” với tiếng Anh bản xứ. Từ đó chúng tôi xây dựng lại thuật toán mới hoàn toàn, thu thập rất nhiều dữ liệu (big data) để tạo ra khả năng độc quyền là nhận diện lỗi sai và hướng dẫn sửa từng âm tiết của ELSA hiện nay.

- Theo chị, startup có nên đi gọi vốn trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay? Chị có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm để thuyết phục nhà đầu tư trong giai đoạn này?

- Một kinh nghiệm tôi học được từ các lớp đàn anh là đừng để công ty mình rơi vào tình trạng bắt buộc phải gọi vốn. Startup chỉ nên gọi vốn khi có một câu chuyện thuyết phục về giai đoạn phát triển trước mắt (điểm “inflection point") và cần vốn để đạt được mục tiêu đó. Trong giai đoạn khó khăn, các nhà đầu tư có thể sẽ e ngại hơn, nhưng nếu startup có lý do hợp lý để gọi vốn và trình bày được một case thuyết phục thì vẫn sẽ có thể thuyết phục được nhà đầu tư.

Điều khó khăn nhất dù có trong giai đoạn kinh tế khó khăn hay không là tìm được nhà đầu tư có khả năng giúp đỡ, hiểu được và làm việc nhịp nhàng được với founder. Trong giai đoạn vốn “khô hanh” thì cơ hội gọi vốn có thể hiếm hơn, nhưng thường những nhà đầu tư trụ lại được trong thời điểm khó khăn cũng thường là những người có thâm niên hơn, nên lượng vốn trong thị trường thường sẽ là “vốn thông minh” (smart capital). Vì thế mà nếu thời điểm hợp lý thì những startup gọi vốn trong giai đoạn khó khăn lại có lợi thế hơn trong những giai đoạn thông thường.

- Eddie Thái, Giám đốc quỹ 500 Startups Vietnam khuyên các startup “hope for the best, prepare for the worst” (hy vọng về một tương lai tươi sáng nhưng đừng quên chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất). Còn chị, chị có lời khuyên gì cho các startup Việt vượt qua thời điểm khó khăn này?

- 100% tập trung vào mục tiêu của mình, nhưng vẫn nhanh nhẹn và nhạy bén với thị trường xung quanh. Mình có nhiều trách nhiệm với khách hàng và team - vì thế cần thực tế và tỉnh táo, nhưng đừng bao giờ mất đi hy vọng.

- Cảm ơn chị!

Cùng chuyên mục

Đọc thêm