Chia sẻ về tình hình hoạt động của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) quý III, hướng đi quý IV và năm 2023 trong bối cảnh cổ phiếu PDR giảm sàn 13 phiên liền, ông Vũ cho hay doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đáo hạn từ nay đến cuối năm, gồm cả các khoản vay và trái phiếu. Từ tháng 10 đến tháng 11, công ty đã thanh toán 220 tỷ đồng nợ đến hạn cho đối tác. Và theo kế hoạch, các khoản đáo hạn trong tháng 12 cũng sẽ được công ty này tất toán đúng hẹn.
Về việc thị giá cổ phiếu đang sụt giảm mạnh trong khi một lượng lớn cổ phiếu PDR đang được dùng để bảo lãnh phát hành trái phiếu, ông Vũ giải thích công ty đã làm việc với các đối tác và bổ sung bằng thế chấp tài sản.
Đến nay, tổng giá trị tài sản thế chấp khoảng 7.000 tỷ đồng trong khi tổng giá trị trái phiếu 2.800 tỷ đồng. Sau khi bổ sung thêm tài sản đảm bảo, tỷ lệ dư nợ trái phiếu trên tổng tài sản đảm bảo khoảng 40% (bao gồm giá trị cổ phiếu tính theo mệnh giá 10.000 đồng và giá trị bất động sản).
Kết thúc quý III, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 1.260 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.790 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp có lãi nhờ chuyển nhượng 46% cổ phần Công ty cổ phần địa ốc SG-KL cho đối tác và ghi nhận 1.250 tỷ đồng doanh thu tài chính. Ngày 18/10, Phát Đạt tiếp tục chuyển nhượng thêm 26% cổ phần của Địa ốc SG-KL, dự kiến được ghi nhận trên báo cáo tài chính quý IV.
Ông Vũ phân tích, việc chuyển nhượng công ty con trên danh nghĩa là mang về doanh thu tài chính nhưng công ty con này có dự án Astral City đang triển khai và phía đối tác bán hàng thành công tại Bình Dương nên bản chất của nguồn thu này cũng đến từ việc bán sản phẩm (hình thức bán sỉ). Trước đây, khi thị trường thuận lợi, PDR chủ động việc bán sỉ sản phẩm để thu tiền về nhanh, tiết kiệm chi phí (không nuôi đội ngũ môi giới bán hàng) để tránh làm cồng kềnh bộ máy.
CEO Phát Đạt cũng chia sẻ về việc đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu PDR từ giữa tuần đến ngày 23/12 trong bối cảnh cổ phiếu này trải qua đợt điều chỉnh mạnh nhất từ khi niêm yết (từ năm 2010 đến nay) là do nhận thấy cơ hội đầu tư khi giá cổ phiếu rẻ và tin tưởng vào tiềm năng của công ty.
Ông nhận định, công ty đang hoạt động đúng kế hoạch đề ra, dòng tiền ổn định đồng thời chủ động nguồn cung 4 dự án đưa ra thị trường trong năm 2023. Các dự án đang bán và sắp bán đều đầy đủ pháp lý, có sẵn nguồn dự án gối đầu. Đây là những nguồn lực không phải doanh nghiệp bất động sản nào cũng có.
Ông Vũ cho hay, để thích ứng với hoàn cảnh thị trường bất động sản có thanh khoản đang đi xuống, doanh nghiệp có sự linh hoạt về chiến lược bán hàng và đa dạng các hình thức thanh toán. Trước đây, Phát Đạt bán sỉ dự án cho các đơn vị khác và không quan tâm họ bán hàng như thế nào, chỉ cần thu tiền về đúng tiến độ. Hiện nay, khi thị trường thay đổi, công ty sẽ linh hoạt thay đổi chiến lược bán hàng trong thời gian tới.
Có ba điểm mấu chốt để bán hàng mà công ty sẽ cân đối trong năm 2023. Một là đảm bảo có sự tài trợ vốn cho người mua. Hai là đưa ra nhiều hình thức thanh toán đủ hấp dẫn để khách hàng chọn lựa. Ba là chuẩn bị những sản phẩm chất lượng tốt, phân khúc cao cấp nhưng giá bán hợp lý, pháp lý và quy hoạch hoàn chỉnh.
Hiện doanh nghiệp tập trung thị trường chủ lực: TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc, Bình Dương, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng... Trong đó, quỹ đất dành cho phát triển bất động sản du lịch tập trung tại các đô thị biển loại II (Bình Định, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc. Đây là những khu vực có kết nối hạ tầng đồng bộ và mật độ dân cư đông, nhiều tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn.
Ông Vũ nhìn nhận nền kinh tế năm sau sẽ đối mặt không ít khó khăn, thách thức, dẫn đến thị trường bất động sản cũng bị tác động đáng kể. Vấn đề của các doanh nghiệp địa ốc là cơ cấu sản phẩm, chọn lọc phân khúc phù hợp và đối tượng khách hàng ít bị ảnh hưởng để đón được nguồn cầu, đảm bảo việc bán hàng và thanh khoản trong thời gian tới.