Có lẽ chưa bao giờ, câu chuyện nhà giá mềm, nhà ở xã hội lại được nhắc nhiều như hiện nay. Đó không còn là định hướng chung của Chính phủ, đó còn là nhu cầu cấp thiết của người dân trong bối cảnh mặt bằng giá BĐS liên tục tăng. Làm nhà xã hội, nhà thương mại giá mềm trước đến nay vẫn là bài toán của cả doanh nghiệp lẫn cơ quan ban ngành. Theo đó, những thông tin về nhà giá mềm, nhà ở xã hội "lộ diện" nhiều hơn ở giai đoạn này như tiếp thêm "niềm tin" về sự kì vọng cho phân khúc này trong thời gian tới.
Mới đây, tại Bến Lức, Long An xuất hiện căn hộ EHome Southgate (nằm trong KĐT Waterpoitn 355ha của Nam Long Group) giá từ 1 tỷ đồng/căn tiếp tục gây bất ngờ cho thị trường BĐS. Điều đáng nói, ngay ngày công bố, sản phẩm giá mềm này tiêu thụ hết 100% số căn trong rổ hàng. Trước đó, 400 căn giai đoạn 1 cũng đã bán hết. Điều này càng khẳng định, nhu cầu về chốn an cư giá hợp còn rất lớn trên thị trường.
Hay, gần đây, các dự án nhà ở xã hội khánh thành ở các địa phương, bao gồm Tp.HCM, Trà Vinh, Cần Thơ, Tây Ninh… cũng đang tạo ra sự sôi động cho cho phân khúc nhà cho người thu nhập trung bình - thấp. Mới đây, dự án nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông, Số 3 Đường 63, Bình Trưng Đông chính thức khánh thành tại Tp.HCM. Đây là dự án có mức vốn đầu tư hơn 550 tỷ đồng với tổng diện tích đất gần 4.300m 2 do Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư. Dự án nằm trong tổng thể 19,3ha thuộc dự án Khu dân cư Bình Trưng Đông cung cấp khoảng 80% căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội, 20% căn hộ thuộc diện nhà ở thương mại.
Nhu cầu nhà ở giá mềm trên thị trường BĐS còn rất lớn.
Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), chỉ ra, năm 2020, nhà ở bình dân chiếm 1% tổng nguồn cung. Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, phân khúc này gần như biến mất. Giá đất liên tục tăng, áp lực lạm phát, thủ tục pháp lý kéo dài, lợi nhuận không cao… khiến nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà với nhà ở giá rẻ. Thời gian gần đây, một số chủ đầu tư bắt đầu công bố kế hoạch phát triển phân khúc này, chung tay giải quyết bài toán an cư cho người dân.
Trong số các doanh nghiệp làm nhà giá mềm cho người dân, đã hình thành loạt sản phẩm trên thị trường BĐS phải kể đến Nam Long Group, Becamex, Hoàng Quân, Lê Thành… trong đó, nhiều khu dự án đã lấp kín người vào ở từ giai đoạn 2016 đến nay. Đáng nói, một số ít doanh nghiệp trên thị trường dù hiện định hướng phát triển phân khúc cao cấp khu đô thị nhưng vẫn xem nhà ở vừa túi tiền là mảng cốt lõi, bởi nhu cầu ở loại hình này thực sự còn rất lớn.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp lại định hướng tiếp tục chuyên tâm làm nhà ở xã hội trong giai đoạn tới. Chẳng hạn như, đại diện Tập đoàn Hoàng Quân cho hay, giai đoạn tới, doanh nghiệp cam kết vơus Chính phủ sẽ đưa thêm 50.000 căn nhà ở xã hội đến công nhân và người có thu nhập thấp. Để thực hiện cam kết, Tập đoàn đã chuẩn bị quỹ đất sạch tương đương với khoảng 20.000 căn ở các khu vực.
Hay, tại cuộc họp với Chính Phủ , Tập đoàn Vingroup phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội. Tập đoàn Novaland cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ nhà ở xã hội tại các tỉnh thành phía nam và trọng tâm là Tp.HCM. Tương tự, Tập đoàn Him Lam đăng ký tham gia 75.000 căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030; Tập đoàn Sun Group và Tập đoàn Bitexco cũng đặt mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030.
Điều đáng nói, dòng sản phẩm này được cam kết và tạo ra bởi các ông lớn BĐS càng khẳng định cho tương lai sáng sủa của phân khúc này. Đồng nghĩa, người có thu nhập trung bình – thấp sẽ "rộng cửa" tiếp cận chốn an cư hơn.
Định hướng là thế. Tuy nhiên, đây cũng là phân khúc mà nhiều năm qua gặp không ít cản trở với doanh nghiệp địa ốc. Bởi lẽ, việc thực hiện các dự án giá rẻ phụ thuộc rất nhiều vào giá đất, hạ tầng, số tầng cao xây dựng, tiền sử dụng đất, chất lượng vật liệu… Chủ đầu tư phải nghiên cứu được những yếu tố như xây bao nhiêu tầng là tiết kiệm, thiết kế phải rất hiệu quả để diện tích căn hộ tuy nhỏ nhưng tiện lợi, tốc độ bán sản phẩm phải nhanh để vòng xoay vốn nhanh thì mới tăng tính khả thi của căn hộ dạng này.
Theo các doanh nghiệp địa ốc, việc xây nhà giá rẻ không khó nhưng nếu chất lượng không đảm bảo thì đôi khi người dân có thu nhập trung bình thà ở thuê cũng không muốn mua. Đặc biệt, khi mà nhu cầu sống ngày càng cao thì những dự án nhà giá rẻ bảo đảm được đầu ra bên cạnh giá thì là hạ tầng dịch vụ xung quanh như trường học, chợ, trạm y tế.., chất lượng, và hạ tầng giao thông.
"Làm nhà giá mềm tưởng dễ mà rất khó. Vì thế, nếu doanh nghiệp địa ốc không thực sự nỗ lực và định hướng rõ ràng mang yếu tố xã hội, nhân văn thì rất khó để bắt tay vào làm", đại diện một doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM cho hay.