Lư Tô Vỹ sinh năm 1960 tại một gia đình bố mẹ đều là công nhân mỏ. Khi mẹ mang thai ông, người cha phải đi tù vì oan sai. Gia đình bị tịch thu hết tài sản. Hai mẹ con sau đó phải sống dựa vào bên ngoại.
Năm Lư 8 tuổi, người cha ra tù, kinh tế bớt khó khăn. Tuy vậy, cùng năm đó cậu bé mắc viêm não Nhật Bản, bác sĩ chẩn đoán chỉ sống thêm được ba năm. Dù được cứu sống, não bộ của Lư tổn thương nghiêm trọng và mất khả năng ghi nhớ. Khi đó cậu không đếm nổi từ 1 tới 10, dạy nhiều lần cũng không biết cách xem đồng hồ.
Trên lớp, bài kiểm tra của Lư cũng toàn điểm 0. Không thể tiếp thu bài, điểm số đứng bét lớp nên có lần cậu bị cô giáo mắng là "đồ con lợn". Vừa nghe cô giáo nhắc đến lợn, Lư hỏi lại: "Thưa cô, lợn ở đâu ạ?". Cô giáo nghe vậy bực đến nỗi quát lớn: "Sao em dốt vậy, đến nỗi người khác mắng mình là lợn mà cũng không hiểu. Em giống như con lợn bị chấn thương não vậy".
Lúc tan học, chị gái đón em về nhà, cô giáo vẫn chưa nguôi cơn giận, liền mắng cả người chị, khiến cô bé khóc oà.
Sau khi về đến nhà, chị gái Lư mách với bố. Người bố nói: "Nếu em trai con là lợn, thì đây là chú lợn thông minh nhất thế giới". Chị gái lại nói: "Nhưng cô giáo mắng em là con lợn bị chấn thương não bố ạ". Người bố vẫn điềm nhiên: "Con trai bố rất thông minh, con ngày càng thông minh, là người thông minh nhất trên thế giới".
Dù con bị điểm kém, bố mẹ Lư chưa khi nào mắng cậu. Mẹ Tô Vỹ là người mù chữ, trong hoàn cảnh gia đình nheo nhóc vẫn bỏ thời gian, công việc theo con đến trường. Bà học từng chữ, rồi lại gắng tìm cách giảng giải dễ hiểu để con có hứng thú nắm được cách viết. Cứ như vậy Lư dần viết được nhiều chữ hơn.
Người cha khi đối diện với các bài kiểm tra toàn "trứng ngỗng" của Lư, vẫn tấm tắc khen. Khi con được điểm 1 đầu tiên, ông đã hét lên: "Vỹ, con thi được điểm thật rồi". Từ điểm 1 này mà cậu bé được ông bố thưởng cho chiếc đùi gà.
Cả bố mẹ thường động viên con trai: "Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác". Bố Lưu luôn dặn dò, tiềm năng là vô tận, có khuyết điểm ắt sẽ có ưu điểm. Chỉ khi quyết tâm tin vào bản thân mới gặt hái được thành công.
Với niềm tin và tình yêu của gia đình, Lư Tô Vỹ cũng tin bản thân cậu rất thông minh, chỉ là chưa có cơ hội để khẳng định điều này.
Tốt nghiệp cấp 3, Lư Tô Vỹ quyết định thi đại học, dù thầy cô và bạn bè đều cười nhạo. Năm đầu tiên cậu thi vào Đại học sư phạm nhưng trượt. Trong 5 năm liên tiếp, cậu đều thất bại, cho đến năm thứ 6 mới đỗ vào Học viện sỹ quan cảnh sát.
Dù vào được đại học, sức học của Lư vẫn rất yếu, đặc biệt là tiếng Anh. Kết quả kém khiến nhiều lần cậu bị giáo viên phàn nàn và bạn bè trêu chọc. Nhận thức được điều này, Lư học chăm chỉ hơn nữa nhưng kết quả không cải thiện. Mọi việc vẫn tiếp diễn cho đến ngày chàng sinh viên năm thứ nhất gặp được giáo sư Mã Truyền Trấn. Sau nhiều lần phân tích kết quả IQ của Lư, vị giáo sư kết luận: "Lư Tô Vỹ, em không phải kẻ ngốc, em là một thiên tài khác biệt. Chỉ là em chưa phát huy được khả năng của mình". Vị giáo sư khuyên Lư nên làm những công việc sáng tạo. "Em không cần phải dùng phương pháp của người khác để học tập, hãy dùng chính phương pháp của mình", ông nhắc nhở.
Từ lời khuyên của giáo sư, Lư bắt đầu điều chỉnh kế hoạch và phương pháp học tập. Khi đọc sách, cậu sẽ đọc mục lục trước rồi tự xây dựng bảng hệ thống, sau đó điền từ khóa vào hệ thống đó. Nhờ thay đổi, đến kỳ hai của năm thứ hai, Lư đã lọt vào top 3 của lớp. Lúc này cậu đã tin: "Mình không ngu ngốc, chỉ thông minh theo cách khác".
Những năm ngồi trên ghế giảng đường, Lư liên tục nhận được giải thưởng nghiên cứu của trường, tốt nghiệp đứng thứ 3 toàn khóa. Học xong đại học, Lư Tô Vỹ từng làm trong trại giáo dưỡng với nhiệm vụ cảm hóa các thanh thiếu niên phạm tội, sau đó trở thành chuyên gia trong lĩnh lực khai thác và phát triển năng lực tiềm ẩn và là tác giả của 50 đầu sách về giáo dục con cái. Ông cũng thường được mời đi diễn thuyết tại nhiều nơi trên thế giới, động viên và cảm hóa vô số người sống một cách tự lập, tìm lại lòng tự tin của mình.
Lư Tô Vỹ từng viết câu chuyện của bản thân mình trong cuốn sách "Con không ngốc, con chỉ thông mình theo một cách khác" xuất bản năm 2015, gây tiếng vang trên toàn thế giới. Trong cuốn sách này, ở cuối mỗi chương, ông lại đưa ra một bài học quan trọng từ hồi ức của mình. Một trong những bài học mà Tô Vỹ nhắc đến chính là việc mỗi người nên "nhìn thấy thiên tài trong chính mình".
"Nhìn thấy thiên tài trong mình, thấy được vẻ đẹp độc đáo của bản thân, trong phút chốc cuộc đời chúng ta sẽ đổi khác. Trong xã hội hiện đại, chúng ta theo đuổi quá nhiều những mục tiêu không thuộc về mình, mà không biết bản thân mình thực sự muốn gì. Tại sao không dừng lại xem xét bản thân, rồi mới tiếp tục xuất phát? Nhất định bạn sẽ phát hiện ra rằng, chính bản thân bạn đã là một món quà, một kho báu vô giá", ông viết.
(Theo 163.com)