Tính đến sáng ngày 24/4, đã có 11 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý I/2024. Trong đó, có 6 ngân hàng đã cung cấp báo cáo tài chính, 5 ngân hàng còn lại thông báo trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) hoặc qua các phương tiện truyền thông.
Do chưa có ngân hàng TMCP quốc doanh nào công bố kết quả quý I, Techcombank đang tạm dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. MB đứng vị trí thứ hai với lợi nhuận 5.795 tỷ đồng, giảm 11%. Cùng kỳ năm trước, MB từng ghi nhận lợi nhuận cao hơn Techcombank.
Theo thông tin tại ĐHĐCĐ, ACB cũng ghi nhận lợi nhuận quý I giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 4.900 tỷ đồng. Trong khi đó, LPBank báo cáo lãi trước thuế đi lên tới 84%, lên 2.886 tỷ đồng, dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. VIB báo lãi quý đầu năm giảm 7%, xuống 2.500 tỷ đồng.
Những vị trí còn lại trong bảng xếp hạng lần lượt thuộc về TPBank (1.824 tỷ đồng), SeABank (1.506 tỷ đồng), MSB (khoảng 1.500 tỷ đồng), Bac A Bank (339 tỷ đồng), PGBank (116 tỷ đồng) và BaoViet Bank (8 tỷ đồng).
Tổng lợi nhuận trước thuế của những 11 ngân hàng này ở mức 29.176 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài Techcombank, LPBank, SeABank cũng báo cáo lợi nhuận tăng trưởng nhanh. Ở chiều ngược lại, có 5 ngân hàng ghi nhận lãi quý I thấp hơn so với cùng kỳ. Trong đó, mức giảm sâu nhất thuộc về PGBank (giảm 24%).
Tăng trưởng tín dụng tốt trên nền lãi suất thấp thúc đẩy lợi nhuận của Techcombank, LPBank
Tính đến sáng 24/4, Techcombank, MB, LPBank, Bac A Bank, PGBank và BaoVietBank đã công bố báo cáo tài chính quý I.
LPBank đạt lợi nhuận trước thuế 2.886 tỷ đồng, tăng 84,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo lý giải của ngân hàng, lợi nhuận quý I đã tăng trưởng 85% nhờ ba yếu tố: tăng trưởng tín dụng, hạn chế nợ xấu đi đôi với tăng huy động vốn CASA nhằm cải thiện lãi đầu vào, tăng trưởng các dịch vụ phi tín dụng, dịch vụ thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ,...
Phân tích kỹ hơn, có thể thấy ngân hàng đã ghi nhận thu nhập lãi cao hơn cùng kỳ do đẩy mạnh tín dụng (tăng trưởng cho vay 11,7% so với cuối năm 2023), trong khi chi phí trả lãi thấp hơn nhờ lãi suất huy động thấp, giúp thu nhập lãi thuần tăng 25%.
Ngoài ra, trong quý I, LPBank ghi nhận khoản thu bất thường 750 tỷ đồng từ dịch vụ khác dưa tổng lãi thuần dịch vụ của ngân hàng lên gấp 3,6 lần cùng kỳ năm trước. Các khoản chi phí hoạt động, chi phí dự phòng của ngân hàng không biến động quá lớn, hỗ trợ cho lợi nhuận.
Trong trường hợp của Techcombank, lợi nhuận quý I đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 38,3% so với cùng kỳ và cao nhất trong lịch sử nhờ thu nhập lãi, phí và các hoạt động như ngoại hối, chứng khoán đầu tư. Tương tự như LPBank, Techcombank cũng đạt được mức tăng trưởng tín dụng tốt trong bối cảnh chi phí vốn được cải thiện.
Bên cạnh đó, các mảng thu nhập ngoài lãi (NOII) của Techcombank cũng đạt mức tăng trưởng 35,7% so với cùng kỳ. Trong quý I, chi phí dự phòng của ngân hàng gấp hơn hai lần cùng kỳ nhưng vẫn thuộc nhóm tương đối thấp nếu so với quy mô tổng thu nhập hoạt động.
SeABank chưa công bố BCTC nhưng theo những thông tin đã công bố, có thể thấy thu nhập ngoài lãi là động lực lớn cho tăng trưởng lợi nhuận. Thu nhập ngoài lãi đã tăng trưởng tới 51%, đem về khoản lãi thuần 705 tỷ đồng. Ngoài ra, thu nhập lãi cũng đạt mức tăng trưởng hơn 11% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, các ngân hàng như PGBank, MB báo cáo tổng thu nhập hoạt động không khác biệt quá lớn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí hoạt động hoặc chi phí dự phòng tăng cao đã kéo lùi lợi nhuận của những nhà băng này.
Chẳng hạn, chi phí hoạt động của PGBank tăng 16,8% so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 22,7%. Với trường hợp của MB, lợi nhuận thuần từ HĐKD của ngân hàng này nhích nhẹ 1,7% nhưng do chi phí dự phòng tăng 46,4% nên lợi nhuận trước thuế đã giảm 11%, xuống 5.795 tỷ đồng.