Theo cảnh báo được Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông) gửi đi vào ngày 13/4 vừa qua, các thiết bị hiện đang sử dụng hệ điều hành Windows của hãng Microsoft hiện có nguy cơ chịu ảnh hưởng của 3 lỗ hổng bảo mật được đánh giá ở mức nghiêm trọng và 4 lỗ hổng ở mức cao.
7 lỗ hổng bảo mật được cảnh báo ở mức cao và nghiêm trọng trong sản phẩm của Microsoft.
Cụ thể, các lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng được xác định gồm CVE-2022-26809, CVE-2022-24491 và CVE-2022-24497. Trong đó, lỗ hổng CVE-2022-26809 tồn tại trong RPC Runtime Library, ảnh hưởng đến các máy dùng hệ điều hành Windows 7/8.1/10/11 và Windows Server 2008/2012/2016/2019/2022. Thông qua việc khai thác lỗ hổng này, tin tặc có thể thực thi mã từ xa với đặc quyền cao trên hệ thống mà chúng nhắm làm mục tiêu.
Trong khi đó, hai lỗ hổng có mã CVE-2022-24491 và CVE-2022-24497 tồn tại trong Windows Network File System.
Đối với 4 lỗ hổng bảo mật ở mức cao gồm CVE-2022-26815 nằm trong Windows DNS Server; CVE-2022-26904 trong Windows User Profile Service cho phép đối tượng tấn công thực hiện tấn công nâng cao đặc quyền, đáng chú ý là lỗ hổng này đã có mã khai thác công khai trên Internet. Tiếp đó là lỗ hổng CVE-2022-26919 trong Windows LDAP và CVE-2022-24521 trong Windows Common Log File System Driver.
Cục An toàn thông tin đã khuyến nghị các đơn vị kiểm tra, rà soát, xác định máy sử dụng hệ điều hành Windows có khả năng bị ảnh hưởng đồng thời cập nhật bản vá kịp thời để tránh nguy cơ bị tấn công.
Được biết, 7 lỗ hổng bảo mật được Cục An toàn thông tin cảnh báo trên nằm trong danh sách bản vá tháng 4/2022 mà Microsoft phát hành vào hôm 12/4 vừa qua với 128 lỗ hổng bảo mật trong các sản phẩm của hãng này.