Trong thời đại công nghệ số bùng nổ, các chiêu thức lừa đảo qua mạng ngày càng trở nên tinh vi và đa dạng, nhắm vào mọi đối tượng với nhiều thủ đoạn khó lường. Từ việc giả mạo cơ quan chức năng đến những lời mời gọi việc nhẹ lương cao, hay thậm chí là tống tiền bằng hình ảnh cắt ghép AI, kẻ xấu không ngừng biến hóa để chiếm đoạt tài sản và thông tin cá nhân của người dân.
Dưới đây là một số thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng phổ biến.
1. Lừa đảo tống tiền bằng AI
Kẻ gian thu thập hình ảnh cá nhân của nạn nhân, sau đó dùng công nghệ AI cắt ghép vào các hình ảnh, video nhạy cảm. Chúng dùng những hình ảnh này để đe dọa, uy hiếp nạn nhân chuyển tiền, nếu không sẽ phát tán lên mạng xã hội hoặc gửi cho người thân, bạn bè.
2. Lừa đảo tuyển cộng tác viên "việc nhẹ, lương cao"
Thủ đoạn này nhắm vào những người tìm kiếm thu nhập dễ dàng. Ban đầu, kẻ lừa đảo sẽ trả lãi nhỏ để tạo lòng tin. Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân đầu tư số tiền lớn hơn hoặc viện đủ lý do để "giam tiền" (như lỗi giao dịch, phong tỏa thuế), buộc nạn nhân phải chuyển thêm tiền để có thể rút vốn. Khi đạt được mục đích, chúng sẽ cắt đứt mọi liên lạc.

3. Lừa đảo chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội
Kẻ gian giả làm "hot girl", bạn bè hoặc người thân để kết bạn với nạn nhân qua mạng xã hội. Sau đó, chúng dụ dỗ nạn nhân truy cập vào các đường link giả mạo. Khi nạn nhân đăng nhập, thông tin tài khoản và mật khẩu sẽ bị đánh cắp. Kẻ gian dùng tài khoản bị chiếm đoạt để nhắn tin, gọi điện lừa đảo vay mượn tiền từ người thân, bạn bè của nạn nhân.
4. Giả danh cơ quan chức năng hoặc nhân viên dịch vụ
Giả danh công an, Tòa án, Viện kiểm sát: Kẻ lừa đảo mạo danh cán bộ, gọi video trực tuyến hoặc tạo không gian làm việc giống trụ sở để lấy lòng tin. Chúng thông báo nạn nhân liên quan đến các vụ án lớn như rửa tiền, ma túy, gây sức ép tâm lý để nạn nhân hoang mang, sợ hãi và bị cách ly với người thân. Sau đó, chúng gửi link cài đặt ứng dụng chứa mã độc để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tiền.
Giả danh nhân viên điện lực, nước sạch: Kẻ gian gọi điện hoặc nhắn tin thông báo khách hàng nợ tiền điện, nước hoặc sử dụng dịch vụ bất thường, đe dọa cắt dịch vụ nếu không thanh toán ngay. Chúng sẽ yêu cầu nạn nhân kết bạn qua Zalo/Viber, hướng dẫn tải ứng dụng giả mạo hoặc gửi mã QR để thanh toán. Khi nạn nhân thực hiện, thiết bị sẽ bị chiếm quyền điều khiển và tiền trong tài khoản ngân hàng bị đánh cắp.
5. Lừa đảo gói "combo" du lịch nghỉ hè hấp dẫn
Thủ đoạn này lợi dụng nhu cầu săn vé máy bay giá rẻ và voucher du lịch. Kẻ gian lập các hội nhóm, trang web bán vé máy bay, voucher du lịch khuyến mãi hấp dẫn. Khi khách hàng liên hệ, chúng yêu cầu chuyển khoản đặt cọc một phần tiền. Sau khi nhận được tiền, trang web hoặc hội nhóm đó sẽ biến mất, nạn nhân không thể liên lạc lại được.
6. Kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo lợi nhuận cao
Kẻ lừa đảo tạo các trang web và ứng dụng đầu tư tài chính giả mạo, hứa hẹn lãi suất cực cao và khả năng rút vốn dễ dàng. Ban đầu, chúng trả lãi đầy đủ để tạo lòng tin. Tuy nhiên, khi nạn nhân đầu tư với số tiền lớn hơn, các đối tượng sẽ ngay lập tức chặn tài khoản và chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã đầu tư.
7. Mạo danh dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa
Đánh vào tâm lý lo lắng của những người vừa bị lừa đảo qua mạng, kẻ gian đóng vai luật sư, nhân viên ngân hàng, kỹ sư công nghệ thông tin... quảng cáo có thể giúp nạn nhân lấy lại tiền đã mất. Chúng liên tục gọi điện, nhắn tin và yêu cầu nạn nhân trả trước "phí dịch vụ". Sau khi nhận được tiền, chúng sẽ cắt đứt mọi liên lạc và không hoàn lại tiền đã chiếm đoạt.
Để phòng ngừa những rủi ro không đáng có, Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) vừa qua đã đưa ra lời khuyên như sau.

Tổng hợp