Bài toán sử dụng số tiền 1 tỷ đồng như thế nào cho hợp lý khi đang phải cân nhắc giữa hai loại tài sản có giá trị cao sẽ được giải quyết trong bài viết này!
1. Câu hỏi:
Bạn Nguyễn Sơn (34 tuổi, hiện tại đang sinh sống tại Hà Nội) gửi câu hỏi:
“Vợ chồng tôi đã có 1 em bé nhưng vẫn ở nhà thuê. Sau 3 năm dành dụm thì cả 2 tiết kiệm được 1 tỷ đồng. Bây giờ tôi đang muốn mua nhà để con có không gian vui chơi và không phải đi thuê trọ nữa.
Còn vợ tôi thì lại muốn mua ô tô để cả gia đình tiện đi lại, thi thoảng về quê hoặc đi chơi cuối tuần. Cô ấy còn nói chiếc xe có thể phục vụ tốt hơn cho công việc của tôi. Nhưng tôi vẫn cảm thấy không thật sự cần thiết.
Hơn 1 tuần rồi 2 vợ chồng không thể đưa ra được quyết định. Xin hỏi với trường hợp của tôi thì phải làm thế nào cho hợp lý? Rất mong nhận được tư vấn!”
2. Tư vấn
Mina Chung, Diễn giả – đại sứ nền tảng cộng đồng phụ nữ về tài chính và sự nghiệp tư vấn:
Mua nhà hay mua xe đều là những tài sản lớn, cần có sự cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định. Theo quan điểm cá nhân của tôi, mỗi khi gia đình bạn băn khoăn nên sử dụng tiền như thế nào thì sẽ có 3 bước cần thực hiện.
1. Xác định hoàn cảnh tài chính
Hiểu một cách đơn giản, hành trình nào cũng có điểm khởi đầu và kết thúc.
Xét trong mối băn khoăn này, điểm khởi đầu là hoàn cảnh tài chính và nhu cầu thực tế của gia đình bạn, điểm kết thúc sẽ là mục tiêu khi vợ chồng quyết định mua nhà hay mua xe.
Xác định hoàn cảnh tài chính bao gồm:
- Bạn đã có quỹ dự phòng chưa?
- Bạn có khoản nợ nào hay không?
*Trường hợp gia đình bạn không có quỹ dự phòng
Hãy đảm bảo rằng gia đình bạn luôn có sẵn quỹ dự phòng. Khoản tiền đó có thể bằng thu nhập của 6 đến 12 tháng – tuỳ theo mức độ nào khiến gia đình bạn cảm thấy an tâm để phòng hờ những trường hợp bất khả kháng.
Điều này quan trọng và thực tế đã xảy ra với rất nhiều gia đình trong khoảng thời gian giãn cách do dịch bệnh. Rất nhiều gia đình bị mất việc, mất thu nhập, và họ phải cầm cố chính tài sản mình đã dành dụm để vượt qua những lúc khó khăn như vậy.
Tôi thường khuyến khích cộng đồng áp dụng nguyên tắc “đầy thì đẩy”, nghĩa là trường hợp gia đình bạn đã tích góp được 1 tỷ đồng, thì hãy trích 1 khoản bằng 12 tháng thu nhập cho “đầy” phần quỹ dự phòng, phần còn lại thì mới cân nhắc “đẩy” cho những mục tiêu tài chính khác: tích lũy, đầu tư, mua nhà, mua xe…..
* Trường hợp gia đình bạn đang có nợ
Nếu còn, tôi khuyên gia đình bạn nên giải quyết nợ trước khi quyết định mua hoặc đầu tư bất cứ thứ gì. Mua tài sản khi còn nợ có thể dẫn đến những áp lực tâm lý. Mặt khác, trường hợp bạn xem việc mua xe/mua nhà là một hình thức đầu tư, thì đôi khi tiền lời không đủ để trả lãi vay, vậy thì việc đầu tư này cũng không đem lại giá trị gì.
2. Xác định mục tiêu
Dù mua nhà hay mua xe, mục tiêu của gia đình bạn là gì?
- Nếu gia đình bạn mua nhà, vậy mua nhà để đầu tư hay để ở?
- Nếu gia đình bạn mua xe, vậy mua xe để phục vụ cho công việc, tiện lợi cho gia đình, hay lý do nào khác?
Trên thực tế, mua xe được xem là tiêu sản vì giá trị chiếc xe sẽ được khấu hao theo thời gian, còn nhà hay bất động sản thì được xem như một hình thức đầu tư, giá trị bất động sản có thể tăng lên. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn mua xe để phục vụ cho công việc, hoặc giúp gia đình bạn gia tăng nguồn thu nhập thì đây vẫn là hình thức vài người vẫn làm, nhưng tôi không nhìn đó là sự đầu tư hiệu quả vì giá trị của chiếc xe sẽ bị khấu hao mất giá chứ không có chiều hướng tăng giá trị (trừ là xe cổ). Ngược lại, 1 tỷ đồng để mua nhà thì sẽ có rất ít lựa chọn, có thể sẽ phải vay thêm để mua được căn nhà ưng ý.
*Trường hợp gia đình bạn muốn mua nhà
Bạn sẽ cần làm rõ mục tiêu từ ban đầu, nếu mua để đầu tư, các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh lời phải được ưu tiên.
Tôi lấy ví dụ mua căn hộ để cho thuê, gia đình bạn sẽ phải đặt những tiện ích của người được thuê làm tiêu chí khi chọn căn hộ như giao thông thuận tiện, gần những công ty lớn, tiện ích sinh hoạt xung quanh đầy đủ, nội thất trong nhà trung tính phù hợp với người ở thuê…
Nếu mua căn hộ để ở, gia đình bạn sẽ phải ưu tiên nhu cầu sinh hoạt của gia đình nhiều hơn, ví dụ như gần nơi bạn làm, gần trường của con, không bị ô nhiễm…
Mỗi một chủ thể sẽ có những nhu cầu khác nhau, xác định được mục tiêu là bước đi đúng đầu tiên trên hành trình tài chính của bạn và gia đình.
* Trường hợp gia đình bạn muốn mua xe
Bạn mua xe để phục vụ công việc thì chiếc xe ấy phải có những tiêu chí ra sao? Là dòng xe vận tải có thể đi đường xa, có thể chở nặng… Bạn mua xe để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình như đi chơi xa, về quê thì chiếc xe cần không gian rộng, dòng xe phổ thông… Tần suất gia đình bạn sử dụng là nhiều hay thỉnh thoảng mới dùng đến?
Vợ chồng càng xác định rõ ràng mục tiêu lớn nhất của mình là gì thì cả hai càng tiến gần hơn đến quyết định đúng đắn.
3. Phân tích bức tranh tài chính
Mỗi khi quyết định giữa nhiều sự băn khoăn, tôi thường nhìn rộng ra trên bức tranh tài chính lớn của mình. Dù mua nhà hay mua xe, hai bạn cũng sẽ đối diện với các vấn đề:
- Có nên vay ngân hàng hay không? Nếu có thì gia đình bạn sẽ vay bao nhiêu? Trong bao lâu? Bạn sẽ phải chi trả bao nhiêu hằng tháng cho khoản vay này?
- Tổng hợp tất cả các chi phí liên quan gồm những gì? Chi phí hằng tháng để bảo dưỡng, duy trì là bao nhiêu?
- Những chi phí trên ảnh hưởng đến ngân sách tháng của gia đình ra sao? Bạn cân đối có khả thi không?
- Nếu có bất trắc xảy ra khiến gia đình không còn nguồn thu nhập như hiện nay thì sao?
- Sở hữu tài sản này thì gia đình bạn sẽ đạt được gì trên hành trình độc lập tài chính? Nó phục vụ cho mục tiêu cuối cùng của gia đình bạn như thế nào?
Bạn có thể lập bảng liệt kê chi tiết các chi phí mà hai vợ chồng cần phải chi trả, thậm chí là chi phí của từng tháng để có một góc nhìn chính xác nhất về hiện tại và tương lai. Từ đó, hai bạn sẽ thấy đâu là lựa chọn phù hợp cho gia đình mình.
Theo tôi, câu hỏi mua nhà hay mua xe nó sẽ tùy thuộc vào từng cá nhân. Và tôi chia sẻ những vấn đề quan trọng này để hai bạn có thể tự ra quyết định cho hoàn cảnh của mình.
Chúc vợ chồng sớm đưa ra được quyết định khiến cả 2 cùng vui vẻ và đồng thuận nhé!