Thời sự

Cảng hàng không Điện Biên sẽ tạm thời đóng cửa từ tháng 2 - 8/2023

 

Đây là thông tin được nêu ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Dự án đầu tư, xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, diễn ra sáng 13/4 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

 

 Cảng hàng không Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu: Xuân Tư/TTXVN ).

Sau gần 3 tháng từ thời điểm tiến hành khởi công, đến nay Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đang được tỉnh Điện Biên và các chủ đầu tư: ACV, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) tập trung hoàn thành các phần việc giải phóng mặt bằng, sớm thực hiện các hạng mục theo đúng tiến độ đã đề ra.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn thông tin, tính đến ngày 10/4 việc xây dựng các hạng mục của công trình, giải phóng mặt bằng đang đáp ứng tiến độ theo kế hoạch đầu tư. Tỉnh Điện Biên, ACV và các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã họp để thống nhất về tiến độ triển khai dự án và thống nhất thời gian đóng cửa tạm thời Cảng hàng không Điện Biên để thi công các công trình xây dựng tối đa không quá 6 tháng (từ tháng 2-8/2023). 

Đối với hạng mục rà phá bom mìn, vật nổ đã hoàn thành rà phá phần ranh giới xây dựng hàng rào an ninh đạt 61/184,29ha (đạt khoảng 33%) tổng diện tích. Trong quá trình rà phá bom mìn, vật nổ cũng đã phát hiện một số bộ hài cốt chưa xác định được danh tính và các di vật chiến tranh còn sót lại. Đối với hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ sẽ tiến hành thực hiện trong 14 tháng (từ tháng 6/2022 đến tháng 8/2023), đến nay đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu thẩm tra thiết kế. Hiện nay, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), ACV và các đơn vị liên quan đã tổ chức kiểm tra hiện trường Cảng hàng không để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo…           

Một số hạng mục quan trọng khác như: Đài kiểm soát không lưu; Đài dẫn đường DVOR/DME; Hạng mục xây dựng, cung cấp lắp đạt thiết bị hệ thống quan tắc khí tượng tự động (AWOS); Hạng mục xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình và chướng ngại vật điện tử (Etod)… đều đã thực hiện xong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hoàn thiện các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà thầu...

Với một số nội dung thuộc trách nhiệm của địa phương khi triển khai dự án như nguồn vật liệu đất đắp, UBND tỉnh Điện Biên đã đồng ý chủ trương lựa chọn nguồn vật liệu đất đắp đảm bảo đáp ứng về tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án. Đối với địa điểm bãi đổ thải, UBND tỉnh Điện Biên đã chấp thuận về chủ trương lựa chọn địa điểm bãi đổ thải.

Các dự án hoàn trả hạ tầng kỹ thuật (dự án đường tránh, kè chống sạt lở khu vực xây dựng Đài dẫn đường DVOR/DME…) do UBND thành phố làm chủ đầu tư gồm 3 dự án (đường tránh và Kè chống sạt lở khu vực xây dựng Đài dẫn đường DVOR/DME) cũng đã cơ bản hoàn tất hồ sơ thiết kế, các quy trình liên quan và sẽ được khởi công trong tháng 5/2022.

Liên quan đến khu vực bảo vệ của 3 điểm di tích (cứ điểm 105, cứ điểm 206, cứ điểm 311B) thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ trong phạm vi ảnh hưởng của dự án hoàn trả hạ tầng kỹ thuật, trên cơ sở ý kiến trả lời của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Điện Biên đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ đường tránh sân bay và bản đồ điều chỉnh diện tích khoanh vùng bảo vệ 3 cứ điểm di tích.

Tại cuộc họp, một số khó khăn, phát sinh vướng mắc khi triển khai, thực hiện dự án như: việc xử lý đổ thải, đơn giá đổ thải, phương án xử lý các hài cốt và di vật chiến tranh được phát hiện trong quá trình rà phá bom mìn, vật nổ, bảo tồn không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị…cũng được đại diện ACV và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tháo gỡ, thống nhất phương án xử lý để không  ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Đánh giá chung tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng cho biết, trên cơ sở các báo cáo cho thấy một số gói thầu đang chậm so với dự kiến, nguyên nhân một phần do khối lượng công việc lớn. Tuy nhiên tiến độ các hạng mục vẫn cơ bản đáp ứng kế hoạch đưa ra nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực, có hiệu quả từ các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải, ACV, VATM và chính quyền các địa phương, các sở ngành của tỉnh Điện Biên.

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Trước những khó khăn của các đơn vị đưa ra tỉnh Điện Biên sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tháo gỡ các khó khăn một cách nhanh chóng, kịp thời. Các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ, quyết liệt hơn để đảm bảo tiến độ các dự án thành phần. Tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành với các đơn vị, chủ đầu tư trong quá trình tương tác, làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để triển khai các quy trình thủ tục, điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này sính.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng đề nghị các đơn vị liên quan không được để chậm tiến độ, đề nghị ACV sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải  tỉnh Điện Biên phê duyệt các hồ sơ về các gói thầu đường cất hạ cánh, đường lăn không được để chậm kế hoạch. Dù kế hoạch là tạm dừng hoạt động nhà ga cảng hàng không trong 6 tháng để phục vụ xây dựng nâng cấp, tuy nhiên tỉnh Điện Biên sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ACV để cố gắng "bóp ngắn"  thời gian tạm dừng xuống khoảng 4 tháng nhằm tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho người dân.    

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) với tổng mức đầu tư là hơn 1.460 tỷ đồng được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên khởi công ngày 22/1/2022. Trước đó, ngày 27/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định  470/QĐ-TTg về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.         

Theo đó, Cảng hàng không Điện Biên sẽ xây dựng đường cất hạ cánh kích thước 2.400mx45m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương; lề vật liệu rộng mỗi bên 7,5m, dải hãm phanh 2 đầu đường cất hạ cánh; xây dựng đường lăn, hệ thống đèn tiếp cận… Nhà ga hành khách được thiết kế gồm 2 tầng với đường nét kiến trúc hiện đại, hài hòa. Trong đó, tầng 1 bao gồm khu vực mái sảnh, khu vực hành khách đi và khu vực hành khách đến; tầng 2 là khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác.

Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý 3/2023 để chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm