Điều chuyển ngay cảng An Thới cho tỉnh Kiên Giang quản lý
Bộ Giao thông vận tải nhận định như vậy trong công văn đề xuất Thủ tướng điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng cảng An Thới tại Phú Quốc về UBND tỉnh Kiên Giang quản lý, khai thác.
Theo Bộ Giao thông vận tải, phương án điều chuyển ngay tài sản kết cấu hạ tầng cảng An Thới cho UBND tỉnh Kiên Giang để quản lý là phù hợp quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và nghị định số 43/2018/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.
Thực hiện phương án này, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ chủ động trong việc thực hiện quản lý, khai thác cảng phù hợp với định hướng phát triển của khu vực.
Đồng thời mang lại hiệu quả sử dụng cao hơn do khắc phục được các tồn tại trong quá trình quản lý, khai thác cảng biển An Thới trong giai đoạn vừa qua, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Phú Quốc; đáp ứng được đề nghị của UBND tỉnh Kiên Giang.
Sau khi được Thủ tướng chấp thuận, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan triển khai các công việc tiếp theo để điều chuyển cảng An Thới về UBND tỉnh Kiên Giang quản lý, khai thác.
Trước đó, tháng 4-2024, Thủ tướng đã có kết luận giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị chuyển giao cảng An Thới về UBND tỉnh Kiên Giang quản lý, khai thác.
Vì sao cảng An Thới khai thác không hiệu quả?
Cảng An Thới đưa vào sử dụng từ tháng 6-2013, với tổng kinh phí đầu tư hơn 157 tỉ đồng từ vốn ngân sách nhà nước. Cảng gồm khu vực cảng đầu mối (cảng chính) và khu cảng chuyển tải (bến phao) để xếp dỡ hàng hóa, vận chuyển hành khách.
Theo Bộ Giao thông vận tải, cảng An Thới khai thác không hiệu quả như mục tiêu đầu tư do có khó khăn, vướng mắc như:
- Tại Phú Quốc không có khu công nghiệp, không có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu nên hàng hóa chủ yếu là vật liệu xây dựng phục vụ các công trình xây dựng dân dụng, các loại hàng hóa liên quan đến dân sinh.
- Đường kết nối vào cảng An Thới chật hẹp, hai bên đường là chợ dân sinh nên các phương tiện vào cảng rất khó khăn. Khu vực trước cổng cảng bị các hộ dân lấn chiếm để kinh doanh nên ảnh hưởng tới an toàn, an ninh của cảng; khu nước trước bến và cầu cảng An Thới có nhiều tàu cá, bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân neo đậu nên rất khó cho tàu biển ra, vào.
- Cảng An Thới được Nhà nước đầu tư xây dựng không có trang thiết bị khai thác cảng đi kèm nên đơn vị thuê cảng phải đầu tư trang thiết bị để khai thác hàng tổng hợp.
Bộ Giao thông vận tải dự báo các năm tới cảng An Thới chủ yếu là khai thác tàu khách, ca nô chở khách du lịch quanh khu vực quần đảo An Thới. Còn tàu khách quốc tế và hàng hóa hầu như không cập cảng An Thới do giao thông không thuận tiện và cảng nằm xa trung tâm thành phố.
Đã có hai nhà đầu tư khai thác cảng An Thới bỏ cuộc
Năm 2013, liên danh Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải Sài Gòn - Công ty CP Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước trúng thầu thuê khai thác cảng An Thới. Nhưng đến 1-1-2021 Cục Hàng hải đơn phương chấm dứt hợp đồng do bên thuê vi phạm quy định hợp đồng.
Sau đó, liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Namaste và Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn trúng đấu giá quyền khai thác cảng An Thới.
Tuy nhiên, bên thuê không thực hiện thủ tục để đưa cảng An Thới vào khai thác, không nộp đủ tiền thuê, không thực hiện bảo đảm hợp đồng nên tháng 2-2024 Cục Hàng hải đã đơn phương chấm dứt hợp đồng.