Doanh nghiệp

"Cần tăng ngân sách cho công tác chống thuốc lá lậu"

Tại Hội thảo Phòng chống thuốc lá lậu: Thực trạng và Giải pháp do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) tổ chức hôm 13/4 tại TP HCM, nhiều giải pháp đã được các đại biểu đưa ra trước tình hình buôn lậu thuốc lá đang diễn biến phức tạp sau khi chính phủ mở cửa biên giới cho các hoạt động giao thương và đi lại.

Khó khăn kinh phí chống thuốc lá lậu

Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh văn phòng, Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), cho biết trung bình mỗi năm Việt Nam bắt giữ trên 10.000 vụ vi phạm, cho thấy những nỗ lực không ngừng của các lực lượng chức năng. Riêng trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, mỗi năm tịch thu trên 8 triệu bao thuốc lá nhập lậu mặc dù khung pháp lý đã được hoàn thiện và các chế tài xử lý vi phạm đã được tăng lên kịp thời để đảm bảo sự răn đe, phòng ngừa chung.

Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh văn phòng, Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VTA

Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh văn phòng, Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VTA

Tuy nhiên, nhìn chung công tác chống buôn lậu trong thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Việc buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra và nóng trở lại sau giãn cách. Việc bày bán thuốc lá, tàng trữ, vận chuyển trong thị trường nội địa vẫn đang diễn biến phức tạp, thậm chí một số địa bàn còn bày bán thuốc lá điếu nhập lậu công khai. Ông Dũng cho rằng do không phải chịu các loại thuế phí nên giá thuốc nhập lậu khá thấp và lợi ích bất hợp pháp mà các đầu nậu thu được lên đến 400%.

Ông Nguyễn Minh Trung - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Tháp, chỉ ra rằng đối với hành vi buôn lậu thuốc lá, khung hình phạt rất cao, nhưng đa số đối tượng buôn lậu là người làm thuê, làm mướn không có nơi ở ổn định, nên khi lực lượng chức năng xử lý phạt hành chánh họ khó lòng chấp hành và khi tiến hành cưỡng chế họ cũng không có tài sản để cưỡng chế. Ngoài ra, hàng thuốc lá bị bắt giữ đa số trở thành hàng vắng chủ, mà theo quy định, quá thời hạn một năm, kể từ lần thông báo thứ hai, các đối tượng không nhận thì mới có quyết định tịch thu. Tịch thu xong mới xây dựng phương án, rồi mới tiêu hủy và có hỗ trợ. Quy trình này kéo dài, trước đây chỉ có 30 ngày nhưng hiện nay lên đến một năm.

"Cần có kinh phí phục vụ cho các lực lượng chức năng, vì theo quy định phải tiêu hủy mới có kinh phí hỗ trợ. Các nguồn kinh phí hiện nay vẫn chưa đủ cho công tác này, do đó tôi đề nghị nên trích một phần Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá hỗ trợ lực lượng chức năng để đảm bảo hiệu quả chung", ông Trung cho hay.

Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng thuốc lá lậu gây ra những tổn hại lớn tới kinh tế xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh, sức khỏe tính mạng người dân, quyền lợi ích của người dân, thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động hợp pháp mà khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì người lao động cũng sẽ mất công ăn việc làm. Do đó, cần có giải pháp mạnh và đồng bộ thì mới có thể giải quyết được tình trạng thuốc lá lậu.

"Việt Nam cần đảm bảo nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện cho lực lượng phòng chống thuốc lá lậu vì các đường dây buôn lậu ngày tinh vi hơn, sử dụng các phương tiện hiện đại. Việc tiêu hủy mà thiếu cơ chế và kinh phí là rất khó thực hiện", ông Cường cho hay.

Cơ quan công an thu giữ nhiều bao thuốc lá lậu được vận chuyển trái phép vào Việt Nam. Ảnh: Phương Khanh

Cơ quan công an thu giữ nhiều bao thuốc lá lậu được vận chuyển trái phép vào Việt Nam. Ảnh: Phương Khanh

Về việc sử dụng Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, cũng theo ông, khi triển khai năm 2012, quỹ nhằm thực hiện các nhiệm vụ truyền thông, giáo dục, xây các mô hình phòng chống tác hại thuốc lá, tổ chức cai nghiện...

"Trên thực tế, thuốc lá lậu cũng gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng vì không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm soát được chất lượng... nên cần có quy định sử dụng một phần quỹ này để phòng chống thuốc lá lậu", ông Cường nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội thảo Phòng chống thuốc lá lậu: Thực trạng và Giải pháp do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) tổ chức hôm 13/4 tại TP HCM. Ảnh: VTA

Toàn cảnh Hội thảo Phòng chống thuốc lá lậu: Thực trạng và Giải pháp do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) tổ chức hôm 13/4 tại TP HCM. Ảnh: VTA

"Cần xem xét lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt"

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng có mối quan hệ mật thiết giữa thuế, thất thu ngân sách với các hành vi trốn thuế của người kinh doanh thuốc lá bất hợp pháp. Thuốc lá là một mặt hàng không được khuyến khích tiêu dùng, nên phải đánh thuế để hạn chế tiêu dùng. Tăng thuế để tăng nguồn thu ngân sách, nhưng tăng thuế cũng là động lực để thúc đẩy các hành vi tìm mọi cách để trốn thuế, dẫn đến chuyện trốn thuế thì thất thu ngân sách. Do đó, rõ ràng việc đánh thuế đó có thực sự mang lại hiệu quả hay không phải đi song trùng với các biện pháp chống buôn lậu.

"Đặc biệt, trong bối cảnh chống buôn lậu chưa thật sự hiệu quả thì chính sách thuế cũng là một trong những chính sách góp phần cân đối, giảm động lực của người buôn lậu, đồng thời khuyến khích các sản phẩm sản xuất Việt Nam có thể kiểm soát được chất lượng. Không tăng thuế một cách đột ngột, mà nên tăng từng bước một theo lộ trình. Đây là điều chúng ta cần cân nhắc khi triển khai các chính sách kinh tế liên quan đến thuốc lá hiện nay", ông Cường phân tích.

Ông Hồ Lê Nghĩa - Chủ tịch VTA, cũng cho rằng thuế càng tăng thì nguy cơ thuốc lá nhập lậu càng cao, nguy cơ người dân làm liều càng cao. Ông Nghĩa cho rằng lộ trình điều chỉnh thuế trong giai đoạn 2023 - 2025 cần phù hợp để giúp các doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch COVID-19 và có thêm thời gian để các lực lượng chức năng triển khai các giải pháp đồng bộ chống thuốc lá lậu hiệu quả trước khi chính sách thuế mới được thực thi.

Nói về Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nằm trong giai đoạn 2023-2025, ông Song Young Jae - Tổng giám đốc Công ty liên doanh BAT - Vinataba, cho rằng để phù hợp với đề án này, việc tăng thuế chỉ nên cân nhắc từ năm 2024 trở đi. Trong trường hợp bất khả kháng phải tăng thuế sớm hơn, ông kiến nghị Nhà nước điều chỉnh mức tăng phù hợp, để tránh việc tăng sốc gây bất ổn thị trường và tạo ra sự bền vững về an sinh xã hội.

"Trong dài hạn, chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét các mô hình thuế tiên tiến được áp dụng rộng rãi trên thế giới nhằm phù hợp với mục tiêu của Nhà nước về việc quản lý ngành công nghiệp thuốc lá cũng như đặc thù thị trường thuốc lá của Việt nam. Từ đó bảo vệ hài hòa quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp trong ngành, tạo sức cạnh tranh, chống thuốc lá lậu", ông Song Young Jae nói thêm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm