Góp ý về dự Luật Doanh nghiệp sửa đổi tại phiên thảo luận tổ chiều nay (10/5), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nêu thực trạng, hiện nay khắp nơi khuyến khích doanh nghiệp đăng ký thủ tục theo hướng chuyển đổi số nhưng quy định thì vẫn yêu cầu đăng ký dựa vào giấy tờ. Đến khi cơ quan thanh tra, kiểm tra vào làm việc lại hỏi các tài liệu giấy.
Đại biểu Nghĩa dẫn chứng, có doanh nghiệp khốn khổ vì ký kết hợp đồng bằng điện tử, thông qua email nhưng khi làm thủ tục xuất khẩu hàng thì hải quan cứ bắt phải có chứng từ giấy. Điều này cần quy định rõ hơn trong dự luật sửa đổi lần này để doanh nghiệp được sử dụng hình thức số hóa, điện tử trong giao dịch, lưu trữ tài liệu.
Chưa kể, quá trình lưu trữ giấy tờ sẽ bị mối, mọt, ngập lụt, hỏa hoạn gây rủi ro, hư hỏng. Trong khi, có rất nhiều công cụ số, điện tử hoá bảo đảm an toàn, có thể lưu trữ bằng nhiều cách khác nhau.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Ảnh:Quochoi.vn)
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cũng nhấn mạnh mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật và ít nhất 30% điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh hậu kiểm...
Theo đại biểu, cần khắc phục thực trạng đến địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng không có doanh nghiệp nằm ở đó, khi đi kiểm tra giám sát không thấy bóng dáng chủ doanh nghiệp. Hiện nay trong khâu đăng ký doanh nghiệp và hậu kiểm vẫn bỏ sót nhiều.
Dự thảo luật sửa đổi không tiếp tục quy định nội dung người thành lập doanh nghiệp phải nộp phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Đại biểu cho biết, tại một phiên thảo luận ở Quốc hội khóa XIII, ông yêu cầu phải có phiếu lý lịch tư pháp vì ở thời điểm đó doanh nghiệp nhờ người thuê nhà đứng tên hộ, nhờ người chạy xe ôm đứng tên hộ doanh nghiệp.
"Có những vụ án khi xảy ra rồi thì người đó đang thụ án mà vẫn là chủ doanh nghiệp, vẫn kinh doanh. Vì vậy, phiếu lý lịch tư pháp sẽ giải bài toán đó", đại biểu nói.
Để giảm gánh nặng thủ tục hành chính, đại biểu đề nghị thay quy định cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ phối hợp với cơ quan quản lý trong trường hợp cần thiết theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp bằng việc phải phối hợp để bảo đảm môi trường kinh doanh sạch sẽ hơn.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) cho rằng cần đẩy mạnh việc sử dụng mã định danh cá nhân thay cho nhiều giấy tờ truyền thống trong đăng ký doanh nghiệp. Đây là bước tiến rất đáng ghi nhận trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và là một phần thiết yếu để giảm thiểu chi phí hành chính, phòng ngừa tiêu cực và chống thành lập doanh nghiệp “ma”.
“Chúng ta đã có nền tảng là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã số định danh cá nhân gần như đã phủ toàn bộ dân số. Điều quan trọng lúc này là kết nối, chia sẻ và liên thông hệ thống, tránh tình trạng mỗi cơ quan giữ một kho dữ liệu", bà Hà nói.
Theo đại biểu, Chính phủ cần xác định đây là chương trình ưu tiên trong chuyển đổi số quốc gia, có lộ trình cụ thể, có chế tài yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp, chia sẻ và đồng bộ hóa dữ liệu.