Sở NN-MT Hà Nội vừa hoàn thành đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 dòng sông nội đô, gồm: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét trên địa bàn Hà Nội.

Nước sông Tô Lịch ô nhiễm nặng và hầu như không có khả năng tự làm sạch
ẢNH: TUẤN MINH
4 dòng sông nội đô ở mức ô nhiễm nặng
Theo Sở NN-MT Hà Nội, kết quả quan trắc, phân tích và đánh giá chất lượng nước các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét ở thời điểm năm 2022, so sánh với năm 2015 và diễn biến chất lượng nước đối với sông Tô Lịch trong 5 năm (2017 - 2022) cho thấy, hiện trạng nước các sông này đều ở mức ô nhiễm nặng.
Hàm lượng các hợp chất hữu cơ vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép, nồng độ ô xy hòa tan (DO) rất thấp, nhiều đoạn sông dưới 0,5 mg/l, chỉ tiêu vi sinh vượt ngưỡng 30 - 70 lần và hầu như không có khả năng tự làm sạch nguồn nước.
Để phục hồi chất lượng môi trường 4 "dòng sông chết" nêu trên, Sở NN-MT cho rằng, cần thực hiện 4 bước trọng tâm, đó là tách, thu gom và xử lý các nguồn nước thải vào sông; xử lý ô nhiễm tồn lưu (bùn thải, rác thải, chướng ngại vật...) trong sông; bổ cập nước sạch đảm bảo vận tốc tối thiểu về mùa khô cho sông; tôn tạo cảnh quan, kiến trúc để phát triển dịch vụ văn hóa, tâm linh, giải trí... kết hợp với tăng cường khả năng tự làm sạch và đảm bảo ổn định hệ sinh thái các sông.
Kinh phí khái toán đối với 32 chương trình, dự án để hồi sinh 4 "dòng sông chết" là hơn 21.000 tỉ đồng, chia làm 3 giai đoạn, từ 2025 đến 2030. Trong đó, giai đoạn 2025 - 2027 chi hơn 16.000 tỉ đồng, giai đoạn 2027 - 2029 chi 3.395 tỉ đồng, giai đoạn 2029 - 2030 chi 841 tỉ đồng.

Nước thải sinh hoạt được xả trực tiếp khiến sông Lừ trở thành "dòng sông chết"
ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG
Hà Nội định hồi sinh 4 "dòng sông chết" như thế nào?
Theo Sở NN-MT Hà Nội, để hồi sinh sông Tô Lịch cần thực hiện các chương trình, dự án, gồm: đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung Yên Xá (đang triển khai) nhằm thu gom, xử lý nước thải cho lưu vực S2 đạt mức A theo quy chuẩn. Nghiên cứu, rà soát xây dựng hệ thống điều tiết nước sông Tô Lịch và các hồ cảnh quan xung quanh. Nạo vét và xử lý bùn cặn lắng trong lòng sông. Đầu tư xây dựng bổ cập nước, cải tạo chỉnh trang sông Tô Lịch. Tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa dọc bờ sông.
Với sông Lừ cần thực hiện các chương trình, dự án, gồm: thu gom và xử lý nước thải phi tập trung ven sông. Nạo vét và xử lý bùn cặn lắng. Loại bỏ chướng ngại vật và tôn tạo, chỉnh trang sửa kè bờ trong sông. Bổ cập nước sạch cho sông Lừ.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hệ thống điều tiết nước sông Sét và các hồ cảnh quan xung quanh. Xây dựng các công trình kiến trúc, giải trí trên bờ sông và trên mặt sông Lừ. Phát triển cây xanh trong các dự án phát triển đô thị dọc 2 bên bờ sông.
Với sông Kim Ngưu, sông Sét cần xây dựng hệ thống cống gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; thu gom và xử lý nước thải phi tập trung ven sông; nạo vét bùn, xây dựng hệ thống điều tiết, xây dựng các công trình kiến trúc, giải trí trên bờ, phát triển cây xanh dọc 2 bờ sông….
Hà Nội hiện phát sinh 1 triệu tấn m3 nước thải sinh hoạt hàng ngày, nhưng mới chỉ xử lý được 30%. Đối với 4 dòng sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, nhiều năm vừa qua, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý được xả thẳng xuống lòng sông, khiến các dòng sông này trở thành "dòng sông chết".
Năm 2016, Hà Nội bắt đầu triển khai xây dựng Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá với tổng mức đầu tư 16.000 tỉ đồng (được điều chỉnh giảm còn hơn 11.000 tỉ đồng vào năm 2024).
Dự án bao gồm nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối dọc 2 bờ sông Tô Lịch, sông Lừ, Q.Hà Đông cũ và khu đô thị mới, với tổng chiều dài cống các loại khoảng 53 km.
Tuy nhiên, sau 9 năm triển khai chỉ có nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được vận hành thử cuối năm 2024 và hệ thống cống nối dọc bờ sông Tô Lịch cơ bản hoàn thiện. Riêng hệ thống cống các khu vực còn lại vẫn đang thi công dở dang.