Bất động sản

Căn hộ chung cư ngày càng đắt đỏ, nhà ở xã hội hóa ‘vàng ròng’

Nhà ở xã hội hút khách

Nhiều tháng qua, tuy đã bỏ công sức tìm kiếm tại nhiều khu vực nhưng anh Nguyễn Minh Đức (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn không thể tìm được một căn chung cư vừa túi tiền. " Bây giờ tìm căn hộ khoảng 2 tỷ đồng và đáp ứng được những tiêu chí cơ bản là việc khó hơn lên trời ", anh Đức nói.

Từ khi nghe thông tin dự án nhà ở xã hội thuộc khu đô thị Hạ Đình (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) được khởi công xây dựng, anh Đức quyết định chuyển hướng. Anh không tìm mua nhà chung cư nữa mà chú tâm tìm hiểu, tất tả chạy ngược xuôi làm hồ sơ để nộp đăng ký mua căn hộ tại đây.

Theo anh Đức, hiện nay trên các trang mạng xã hội, nhiều người nhận làm hộ hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án này với chi phí 2 triệu đồng/hồ sơ. Do công việc bận rộn, đồng thời không nắm rõ các giấy tờ cần thiết nên anh đã chấp nhận chi tiền để có hồ sơ nhanh nhất với mong muốn nộp sớm, tăng cơ hội được mua căn hộ tại dự án này.

“Tôi rất sốt ruột khi các môi giới tại đây cho biết, số lượng người làm hồ sơ sớm như tôi đã lên tới hàng trăm người. Không biết tôi có mua nổi không”, anh Đức lo lắng.

Căn hộ chung cư ngày càng đắt đỏ, nhà ở xã hội hóa ‘vàng ròng’- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án nhà ở xã hội khu đô thị Hạ Đình (huyện Thanh Trì, Hà Nội). (Ảnh: UDIC)

Tương tự, chị Vũ Hồng Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình chị cũng đang tìm hiểu làm hồ sơ đăng ký căn hộ tại một dự án nhà ở xã hội, sau khi giá thuê nhà vừa qua tăng cao. Theo chị Hạnh, vợ chồng chị từ lâu đã mơ ước mua được 1 căn chung cư ở Hà Nội. Tuy nhiên, với mức lương tầm 30 triệu đồng của cả hai vợ chồng thì không biết đến bao giờ mua nổi, nhất là khi giá chung cư liên tục tăng thời gian qua. Bây giờ, chị tìm đến nhà ở xã hội như một "cứu cánh" để thoát cảnh ở nhà thuê.

Chúng tôi tiết kiệm và mượn người thân được khoảng 500 triệu đồng, để mua căn hộ chung cư bình thường thì sẽ không thể dù xác đinh phải vay ngân hàng. Do đó, khi thấy thông tin về dự án nhà ở xã hội với mức giá chỉ khoảng 20 triệu đồng/m2, tôi và chồng đã cố gắng tìm cách mua. Biết rằng có rất nhiều người như mình, chúng tôi vẫn cố gắng làm hồ sơ với hy vọng gặp may mắn ”, chị Hạnh nói.

Tuy nhiên, do thời gian qua liên tục thay đổi chỗ ở nên gia đình chị vẫn chưa đăng ký tạm trú. Lo lắng hồ sơ không đủ điều kiện, những ngày qua, chị và chồng phải xin nghỉ làm để tới UBND phường sở tại đăng ký tạm trú.

Còn chị Nguyễn Thu Mai (Long Biên, Hà Nội) cho biết sẵn sàng chi tiền để có thể mua lại những suất mua nhà ở xã hội tại dự án nhưng không có ai bán.

Tôi nhẩm tính, giá thị trường đang khoảng 40-50 triệu đồng/m2 đối với các dự án chung cư tầm trung. Như vậy, nếu mua một căn hộ 60m2, tôi phải chi ra từ 2,4 tỷ đến 3 tỷ đồng mà tìm cũng không dễ. Nhưng với căn hộ nhà ở xã hội, mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2, để mua căn hộ 60m2 chỉ cần bỏ ra số tiền 1,2 tỷ đồng. Như vậy, tôi sẵn sàng trả vài trăm triệu để mua lại suất mua nhà ở xã hội nhưng không có ai bán. Vì hiện giờ, nhà ở xã hội quý như vàng ròng ”, chị Mai than thở.

Cần thêm nhà ở xã hội để dân dễ mua

Nhận xét về "sức nóng" của nhà ở xã hội hiện nay, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói: " Dự án nhà ở xã hội so với các dự án chung cư thương mại tầm trung có chất lượng không quá khác nhau. Trong khi đó, mức giá mua nhà ở xã hội chỉ bằng một nửa, thậm chí là 1/3 nên việc người dân, đặc biệt người có thu nhập trung bình và thấp, tranh nhau mua nhà ở xã hội là điều dễ hiểu” .

Vì thế, theo ông Thịnh, khi có những cơ chế để phát triển nhà ở xã hội, nhiều dự án sẽ được đưa ra thị trường, giúp giá bất động sản Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trở nên cân bằng hơn, đồng thời giúp người dân dễ mua nhà để an cư hơn. “ Nếu doanh nghiệp đã lên tiếng cam kết có thể xây nhà ở xã hội thì cần tạo điều kiện cho họ làm, để nguồn cung ra thị trường được tốt hơn. Nếu không có những chính sách cởi mở hơn, tạo điều kiện hơn thì mục tiêu đến năm 2030 có 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội khó có thể thực hiện được ", ông nói.

Căn hộ chung cư ngày càng đắt đỏ, nhà ở xã hội hóa ‘vàng ròng’- Ảnh 2.

Giá căn hộ chung cư ở Hà Nội tăng phi mã nên nhiều người chuyển hướng mua nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, để người nghèo thật sự mua được nhà ở xã hội cũng là câu chuyện mà các cơ quan quản lý cần phải tiếp tục nghiên cứu, quản lý để tránh tình trạng người nghèo không mua nổi, trong khi người giàu lại đổ xô đầu cơ, thổi giá. “Theo quy định, người có thu nhập dưới 11 triệu mỗi tháng mới đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Tôi nhẩm tính, căn hộ 50m2 với giá 20 triệu/m2 thì để mua được cũng phải bỏ ra tới 1 tỷ đồng. Những người thu nhập thấp làm gì ra 1 tỷ để mua nhà? Cho nên, thực tế dù là nhà ở xã hội nhưng lại đang phù hợp những người có tiền hơn” , ông Thịnh phân tích.

Nhằm kiểm soát tình trạng đầu cơ, ông Thịnh kiến nghị cần siết chặt các quy định mua bán, chuyển nhượng nhà ở xã hội. Ví dụ, thay vì thời hạn 5 năm mới được chuyển nhượng như hiện nay thì chúng ta có thể nâng lên 10 năm. Việc chuyển nhượng khó khăn sẽ khiến những người mua nhà với mục đích đầu cơ không còn thiết tha nữa. Như thế, thị trường sẽ minh bạch và người có nhu cầu thực sự sẽ dễ mua nhà hơn.

Giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội trong năm 2025

Theo quy định mới ban hành của NHNN, kể từ ngày 1/1/2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm 0,1% từ mức 4,8%/năm xuống còn 4,7%.

“Mục đích cho vay là hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình.

Đối tượng cho vay là người mua, thuê, thuê mua nhà và doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kỳ”, quyết định nêu.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 580.109 căn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm