Tài chính

Cận cảnh Phố Wall mới của thế giới: Có trong tay 3 nghìn tỷ đô, các tỷ phú và doanh nghiệp giàu nhất nhì thế giới đều đến để "tìm vốn"

Khi nhiều thị trường tín dụng thắt chặt quy định trong năm ngoái, tiền mặt trở thành vua và các quỹ đầu tư quốc gia của Vùng Vịnh lại… không có gì ngoài tiền. Giá năng lượng tăng vọt khiến các quỹ từ Ả Rập Xê Út đến Qatar và Abu Dhabi nắm giữ hơn 3,5 nghìn tỷ USD, cao hơn cả GDP của Anh. Các quỹ này hiện đang cấp vốn cho 1 số gói giải cứu, đầu tư và thâu tóm lớn nhất thế giới, chưa có dấu hiệu sẽ chậm lại vào năm 2023.

Những tham vọng đó đã được thể hiện vào đầu năm nay. Ngân hàng First Abu Dhabi Bank PJSC (FAB) của Mubadala Investment - một trong những nhà cho vay lớn nhất Trung Đông, cho biết họ đã tìm hiểu về một gói thầu với Standard Chartered. Ngân hàng lớn nhất của Ả Rập Xê Út cũng là cổ đông lớn nhất của Credit Suisse. Bankman-Fried từng đến thăm UAE trong nỗ lực cuối cùng nhằm huy động vốn trước sự sụp đổ của FTX.

Trong khi đó, tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani - người giàu nhất châu Á, cũng tìm đến các quỹ đầu tư nhà nước của Trung Đông khi ông nỗ lực huy động khoảng 5 tỷ USD cho đế chế của mình và giảm đòn bẩy. Tỷ phú Mukesh Ambani cũng được cho là đang tiếp cận các quỹ này để tìm nguồn vốn đầu tư vào các mảng kinh doanh năng lượng.

Theo hãng cung cấp dữ liệu Global SWF, các quỹ đầu tư của Trung Đông đã chi gần 89 tỷ USD cho khoản đầu tư vào năm 2022, gấp đôi so với 1 năm trước. Trong đó có 51,6 tỷ USD "chảy" đến châu Âu và Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, các quan chức tại Public Investment Fund (PIF) trị giá 620 tỷ USD của Ả Rập Xê Út đang chịu áp lực lớn trong việc giải ngân khi Thái tử Mohammed bin Salman nỗ lực giảm sự phụ thuộc của nước này vào dầu thô. Tại Doha, quỹ Qatar Investment Authority trị giá 450 tỷ USD đang tìm kiếm nhiều thương vụ ở nước ngoài hơn, sau kỳ World Cup kết thúc vào tháng trước.

Cận cảnh Phố Wall mới của thế giới: Có trong tay 3 nghìn tỷ đô, các tỷ phú và doanh nghiệp giàu nhất nhì thế giới đều đến để tìm vốn - Ảnh 1.

Sân vận động Etihad và trung tâm thương mại Harrods.

Trong những năm trước, cá nhà đầu tư vùng Vịnh nổi tiếng với những thương vụ như mua lại câu lạc bộ Manchester, mua bất động sản Manhattan và trung tâm mua sắm Harrods. Lần này, các dealmaker cho biết họ có nhiều chiến thuật hơn, tận dụng sự giàu có để khẳng định vai trò lớn hơn trên thế giới, đa dạng hóa hoạt động kinh tế và giành sự ảnh hưởng về địa chính trị.

Giàu nhưng không "dễ dãi"

Các quỹ đầu tư đã củng cố kho dự trữ tiền mặt của họ khi giá dầu tăng mạnh. Ả Rập Xê Út đã sản xuất 1 tỷ USD dầu mỗi ngày. Nếu không có sự phản đối của các công ty toàn cầu khác, họ sẽ tiếp tục chi tiền ngay cả khi giá dầu thô giảm. Đây là động thái trái ngược với Mỹ, châu Âu và Trung Quốc - những nơi chứng kiến việc tài trợ vốn và các thương vụ sụt giảm do lãi suất cao và lo ngại suy thoái.

"Khát" vốn, các doanh nghiệp và ngân hàng từ khắp nơi trên thế giới đang cử các nhóm lớn đến những thành phố như Riyadh và Abu Dhabi để đưa ra ý tưởng đầu tư. Những vì địa điểm này bỗng dưng "quá hot", một số giám đốc điều hành phải chờ đến nhiều ngày mới gặp được các quan chức phù hợp. Và khi tìm được đúng người, thì họ có thể phải đối mặt với môi trường phức tạp, đó là những quyết định lớn nhất thường cần sự đồng ý của những nhà lãnh đạo theo đạo Hồi, khiến ranh giới giữa phương tiện đầu tư thuần túy và chính trị bị "lu mờ".

Cận cảnh Phố Wall mới của thế giới: Có trong tay 3 nghìn tỷ đô, các tỷ phú và doanh nghiệp giàu nhất nhì thế giới đều đến để tìm vốn - Ảnh 2.

Top 5 quỹ đầu tư của Trung Đông đã rót hơn 70 tỷ USD cho các thị trường vào năm 2022. (đơn vị: $B: tỷ USD).

Waleed Al Mokarrab Al Muhairi - phó CEO của Mubadala, cho biết: "Chúng tôi là một nhà đầu tư chủ động, chứ không thụ động và cũng là nhà đầu tư dài hạn. Điều đó có nghĩa là chúng tôi có quyền kiểm soát khi nào nên đầu tư, khi nào nên kiếm tiền và thông qua đại diện HĐQT và khi nào nên lên tiếng cho sự thay đổi."

Bởi vậy, không phải ai cũng nhận được khoản đầu tư hậu hĩnh. Bankman-Fried đã bị các quỹ Trung Đông từ chối vì những vấn đề tài chính liên quan đến các công ty tiền số mà vị tỷ phú này sở hữu. Các giám đốc điều hành quỹ cũng có thể thận trọng hơn với những thương vụ lớn vào phút chót, theo một sếp ngân hàng - người đã không đạt được thỏa thuận 5 tỷ USD ngay trước khi được phê duyệt bước cuối cùng.

FAB - một phần thuộc sở hữu của Mubadala và các thành viên hoàng gia Al Nahyan, được cho là đã tìm hiểu về một thỏa thuận với Standard Chartered trong hơn 6 tháng. Đầu tháng này, họ thông báo sẽ không thực hiện thương vụ này nữa. Theo nguồn tin thân cận, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải đối mặt với những rào cản lớn.

Những vấn đề phức tạp

Với mục tiêu quản lý 1 nghìn tỷ USD tài sản vào năm 2025, các giám đốc điều hành của PIF có nhiệm vụ tìm kiếm những thỏa thuận phù hợp với chiến lược của MBS cho vương quốc của mình. Mục đích là để Ả Rập Xê Út bớt phụ thuộc vào lợi nhuận từ việc bán dầu và mở rộng sang các ngành mới thông qua PIF cùng những thương vụ thâu tóm.

Cận cảnh Phố Wall mới của thế giới: Có trong tay 3 nghìn tỷ đô, các tỷ phú và doanh nghiệp giàu nhất nhì thế giới đều đến để tìm vốn - Ảnh 3.

Những thương vụ đầu tư lớn nhất của các quỹ đầu tư nhà nước Trung Đông vào năm 2022 ở châu Âu và Bắc Mỹ (đơn vị: $B-tỷ USD; $M-triệu USD).

Một đại diện phát ngôn của PIF cho biết cách tiếp cận của quỹ "không bị ảnh hưởng bởi giá dầu, thay vào đó được thiết lập bởi chiến lược 5 năm mới nhất được công bố vào tháng 1/2021 và đang được thực hiện". Ông nói, PIF có quy trình đầu tư chắc chắn, không kém gì so với các nhà quản lý tài sản trên toàn cầu và mọi thành viên trong HĐQT đều có vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận.

Khoản đầu tư của Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út (SNB) vào Credit Suisse là nhằm giúp vương quốc này mở rộng ngành quản lý tài sản và ngân hàng đầu tư, đồng thời phát triển lĩnh vực ngân hàng trong nước. Các khoản đần tư của PIF vào những nhà sản xuất ô tô nước ngoài như Aston Martin và McLaren đi đúng với kế hoạch đưa quốc gia này thành một trung tâm sản xuất. Trong khi đó, cổ phần trong các chuỗi khách như Aman Group góp phần thực hiện tham vọng trở thành một trong những điểm đến được nhiều khách du lịch ghé thăm nhất thế giới vào năm 2030. Quỹ này cũng đầu tư vào tháp viễn thông Vantage Towers, một trong những cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu.

Ngoài ra, PIF cam kết đầu tư hơn 200 tỷ USD vào nền kinh tế Ả Rập Xê Út vào năm 2025, một mục tiêu đầy tham vọng do Thái tử đặt ra đòi hỏi quỹ phải chi trung bình 40 tỷ USD/năm. Các giám đốc điều hành của PIF đã không đạt được mục tiêu này vào năm 2022.

Đôi khi, áp lực giải ngân có thể ảnh hưởng đến vai trò của quỹ trong việc phát triển nền kinh tế Ả Rập. Theo nguồn tin thân cận, ít nhất 1 lần, Thái tử đã từ chối 1 khoản đầu tư mà ông cho rằng không làm tăng giá trị của đất nước và có thể được tài trợ bởi các nhà đầu tư khác. PIF cũng miễn cưỡng đầu tư vào các hãng phim Hollywood dù được một số bên tiếp cận.

Trưởng bộ phận M&A của Standard Chartered tại Trung Đông và châu Phi - Rajesh Singhi, cho biết các quỹ đầu tư quốc gia trong khu vực đang định hình lại chiến lược của họ, tập trung vào việc "hỗ trợ nền kinh tế trong nước và tạo ra của cải cho các thế hệ trong tương lai".

Các đồng minh trên thế giới

Một số chính phủ châu Âu thận trọng hơn với mối quan hệ thương mại với Trung Quốc đang mang đến cho Trung Đông nhiều cơ hội hơn. Sau chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Qatar hồi tháng 9, QIA đã trở thành nhà đầu tư quan trọng với công ty tiện ích RWE của Đức với khoản đầu tư 2,4 tỷ euro (2,5 tỷ USD).

Cận cảnh Phố Wall mới của thế giới: Có trong tay 3 nghìn tỷ đô, các tỷ phú và doanh nghiệp giàu nhất nhì thế giới đều đến để tìm vốn - Ảnh 4.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani.

Trong khi đó, năm 2021, Mubadala cam kết đầu tư 10 tỷ bảng Anh (12,2 tỷ USD) vào Anh để chuyển đổi năng lượng, cơ sở hạ tầng và công nghệ. Khoản đầu tư này nằm trong thỏa thuận do Tổng thống Mohammed bin Zayed al-Nahyan công bố nhằm thể hiện sự ủng hộ của quốc gia này với Anh sau Brexit.

Tuy nhiên, vấn đề chính trị quốc tế lại khá phức tạp. Trong những tuần đầu tiên sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, 1 số quỹ đầu tư của vùng Vịnh, trong đó có Mubadala, đã bị chính phủ các nước phương Tây giám sát vì mối quan hệ đầu tư của họ với Điện Kremlin. Dù UAE chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga, Mubadala cho biết hồi tháng 3 rằng họ đang tạm dừng các khoản đầu tư vào nước này.

Những khoản lỗ

Dù có rất nhiều thương vụ lớn, nhưng các quỹ vùng Vịnh cũng không thể tránh khỏi những biến động trên thị trường. Theo Massimiliano Castelli, trưởng bộ phận chiến lược trong nhóm thị trường quỹ đầu tư quốc gia toàn cầu tại UBS Asset Management, các thực thể trong vùng Vịnh dự kiến sẽ chiếm khoảng 1 nửa trong số 1,7 nghìn tỷ USD khoản lỗ của các quỹ đầu tư quốc gia trong cổ phiếu và trái phiếu.

Các khoản đầu tư dài hạn khác cũng gặp khó khăn. PIF đầu tư mạnh vào Quỹ Vision của SoftBank - được dự đoán lỗ kỷ lục vào năm ngoái. Song, quỹ này vẫn coi đây là khoản đầu tư tốt cho vương quốc vì Masayoshi Son vẫn tiếp tục giới thiệu với các nhà lãnh đạo của PIF ít nhất 1 giám đốc điều hành khác tại 1 doanh nghiệp nước ngoài giúp xây dựng cơ sở sản xuất ở Ả Rập.

Trong số các quỹ vùng Vịnh, giới chức cũng cảm thấy "quá tải" vì rất nhiều đề nghị đầu tư đã được gửi đến vào năm ngoái. Song, những lo ngại như vậy cũng không khiến họ chùn bước. Vài tháng trước, họ đã ký kết các thỏa thuận ở nhiều lĩnh vực, từ một giải bóng đá mới ở Brazil cho đến một loạt các câu lạc bộ Premier League hàng đầu ở Anh.

Tham khảo Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm