Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu thuần đạt 19.471 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu nên Vietnam Airlines lỗ gộp gần 828 tỷ, tăng 30% so với số lỗ của quý IV/2021.
Trong quý III, Tổng Công ty Hàng không đã ghi nhận quý có lãi gộp đầu tiên kể từ đầu đại dịch. Dù vậy, Vietnam Airlines đã không thể duy trì thành tích này trong quý cuối năm.
Trong bối cảnh tỷ giá biến động bất lợi và lãi suất toàn cầu lên cao, chi phí tài chính quý này tăng vọt lên 1.024 tỷ đồng, cao gấp 3,64 lần so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí lãi tăng hơn 86% lên 371 tỷ đồng mặc dù giá trị nợ vay đi xuống. Lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 538 tỷ đồng, gấp gần 15 lần cùng kỳ.
Sau khi trừ đi các loại chi phí khác, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế hợp nhất 2.586 tỷ đồng trong quý IV vừa qua, cao gấp 2,3 lần số lỗ của một năm trước.
Không còn lợi nhuận bất thường, bay quốc tế chưa hồi phục
Tổng Công ty cho biết lỗ hợp nhất tăng lên chủ yếu do số lỗ của Công ty mẹ và hai công ty con là Pacific Airlines và Công ty Dịch vụ Mặt đất (VIAGS) đều cao hơn năm trước. Ngoài ra, Tổng Công ty có khoản thu nhập bất thường 34 triệu USD trong quý IV/2021 từ thoái vốn tại công ty liên kết Cambodia Angkor Air nhưng đến quý IV vừa qua không còn khoản thu này.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, Tổng Công ty (gồm ba hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) đã khai thác tổng cộng 128.430 chuyến bay, tăng trưởng 116% so với cùng kỳ năm trước. Tính toàn ngành hàng không Việt Nam, sản lượng khai thác đạt 285.568 chuyến trong 11 tháng, tăng 126%.
Từ đợt cao điểm hè 2022, số chuyến bay mà các hãng khai thác mỗi ngày đã tương đương, thậm chí có lúc vượt, cùng kỳ 2019 khi chưa có COVID. Tuy nhiên, các chuyến bay này đa số là ở thị trường nội địa.
Mảng vận tải hàng không quốc tế từng đóng góp 65% doanh thu của Vietnam Airlines thời kỳ trước dịch lại phục hồi khá chậm trong năm vừa qua, khiến hãng vẫn gặp nhiều khó khăn tài chính.
PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, nhận định thị trường nội địa năm 2022 đã bay cao trở lại đầy ấn tượng nhưng mảng hàng không quốc tế vẫn chỉ đang chạy đà.
Bản giải trình của Vietnam Airlines cho biết thị trường quốc tế trong năm 2022 hồi phục chậm, các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu cao, xung đột quân sự Nga – Ukraine và các biến động về tỷ giá và lãi suất đã gây ra thua lỗ nặng trong quý IV vừa qua.
Tổng Công ty cho rằng thị trường quốc tế đã từng bước phục hồi vào quý IV/2022 và sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines có khả năng đạt kết quả tích cực hơn vào năm 2023.
Nguy cơ hủy niêm yết hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN
Lũy kế cả năm 2022, Tổng Công ty lỗ hợp nhất 10.369 tỷ đồng, giảm 2.910 tỷ so với năm trước và khả quan hơn kế hoạch lỗ 11.465 tỷ mà đại hội cổ đông thông qua.
Sau 12 quý thua lỗ liên tiếp, Vietnam Airlines đang lỗ lũy kế xấp xỉ 34.200 tỷ đồng, vượt xa số vốn điều lệ 22.144 tỷ. Vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty âm gần 10.200 tỷ đồng. Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết khỏi sàn HOSE.
Điểm e Khoản 1 Điều 120 của Nghị định 155/2020 quy định rõ: Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Có thể thấy, Vietnam Airlines nhiều khả năng sẽ vướng vào cả ba kịch bản hủy niêm yết kể trên. Kết quả cuối cùng sẽ được định đoạt sau khi Tổng Công ty công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, hạn chót là vào ngày 31/3/2023.
Kết phiên gần đây nhất (19/1/2023), giá cổ phiếu HVN dừng ở 14.750 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa 32.662 tỷ đồng.