TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, với cơ chế hiện hành, nhân sự khu vực công dịch chuyển sang khu vực tư sẽ còn diễn ra. Nếu nhìn theo hướng tiêu cực, sẽ thấy Nhà nước mất người tài, khi người làm được việc, đáng ở lại lại chuyển đi, còn người không làm được việc đáng phải đi lại ở lại vì không đi được đâu. Nếu nhìn tích cực, xu hướng này cho thấy khu vực tư đã đảm đương được nhiều nhiệm vụ mà Nhà nước không cần thiết phải giữ, thúc đẩy kinh tế thị trường, cạnh tranh giữa Nhà nước và tư nhân sẽ giúp cả 2 cùng phát triển và xã hội được lợi.
Anh Lê Văn Vũ, từng làm phó trưởng công an một xã ở Thanh Hóa chia sẻ: Năm 2018, anh Vũ chính thức làm việc với lương khởi điểm 1,26 triệu đồng/tháng, rồi tăng lên 1,4 triệu đồng, khi nghỉ vào năm 2020, lương được 1,6 triệu đồng/tháng. “Dù mức lương như vậy nhưng công việc ngập đầu, khi xã có 11 thôn với hơn 5.000 nhân khẩu, ngày ngồi cơ quan, tối đi tuần. Từ việc lớn đến nhỏ, từ hành chính tới sự vụ, từ hòa giải vợ chồng mâu thuẫn tới tranh chấp đất đai, đánh lộn, bài bạc... dân gọi công an xã phải có mặt. Khi dịch COVID-19 xảy ra thì đi cắm chốt kiểm soát người ra vào địa phương. Tiền lương không đủ mua xăng xe, chưa nói các khoản chi khác, nên tháng nào cũng phải xin thêm tiền vợ”, anh Vũ kể về những tháng ngày còn làm công an xã. Cuối cùng anh Vũ quyết định nghỉ việc.
Không thưởng “suông”
Là người xây dựng chính sách, theo dõi lĩnh vực nhiều năm, quan điểm của ông về việc nhân sự rời khu vực công ra sao?
|
"Thách thức cạnh tranh trong kinh tế thị trường không phải vấn đề tập trung lao động ở khu vực công hay tư, quan trọng là mục tiêu phát triển chung của đất nước. Từ đầu những năm 2000, chúng ta đã nhận thấy sự dịch chuyển lao động và có chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010. Người lao động thấy ở đâu phát huy hết năng lực, được cống hiến và phát triển thì chọn. Quan niệm làm trong hay ngoài khu vực Nhà nước không còn nặng nề như trước".
TS. Thang Văn Phúc
Yếu tố quan trọng thúc đẩy xu hướng này là quy luật thị trường. Khu vực tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài trả lương cao hơn nhiều lần lương công chức “3 cọc, 3 đồng”. Nhà nước cũng muốn trả lương theo kết quả lao động, nhưng tiêu chí xác định, đánh giá là cả vấn đề. Do đó, chúng ta yêu cầu xây dựng vị trí việc làm (Luật Công chức năm 2008), mô tả công việc, để từ đó có tiêu chí đánh giá. Còn nếu vẫn trả lương theo kiểu bình quân chủ nghĩa, phẩy phết thì rất khó. Một số địa phương có nguồn thu ngân sách tốt đã đưa ra nhiều chính sách thu hút nhân tài, như Đà Nẵng cấp Nhà cho tiến sĩ về địa phương làm việc...
Việc dịch chuyển nhân lực khu vực công sẽ ngày càng tăng, đó là lưu thông bình thường trong nền kinh tế thị trường. Tư duy Nhà nước quản lý, ông chủ, xin - cho, bao cấp đã dần chuyển sang nền hành chính phục vụ, dân chủ, hiện đại, đồng bộ với tiến trình cải cách bộ máy Nhà nước, đây là chuyển đổi về chất. Cùng với đó, khu vực tư và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng lớn, với nhiều tập đoàn mạnh, tạo ra việc làm chính cho xã hội.
Cần sớm cải cách chính sách khu vực công, đặc biệt là về vị trí việc làm và chính sách tiền lương để giữ chân công chức, viên chức. Ảnh minh họa: Mạnh Thắng
Theo ông, những lý do nào khiến người lao động trong khu vực Nhà nước nghỉ việc, ông có đồng cảm với những lý do đó?
Có 3 lý do phổ biến thúc đẩy nhiều người rời khu vực Nhà nước, gồm: Thu nhập, môi trường làm việc, điều kiện phát triển (thăng tiến). Thể chế công vụ không có định mức, tiêu chí đánh giá cụ thể, khoa học, khiến người giỏi thường làm việc nhiều, nhưng thu nhập không khác mấy so với người làm ít hơn. Danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua… tốt về tinh thần, nhưng vật chất không tương xứng. Dù vậy, việc vào được khu vực Nhà nước vẫn rất khó, nhiều khi phải “chạy”.
Năm 2010, khi tôi chưa nghỉ hưu, từng có cháu đạt bằng giỏi ở nước ngoài về và vào cơ quan Nhà nước, sau khoảng 3 năm lại xin nghỉ. Khi nghỉ, cháu nói với tôi, cơ chế không cho cá nhân thể hiện hết năng lực của mình, nên cứ ra ngoài làm trước, sau này có thay đổi lại về cống hiến cho Nhà nước. Sau đó, cháu này ra ngoài làm cho một tập đoàn nước ngoài mở văn phòng ở Việt Nam, mức lương vài nghìn đô la Mỹ, trong khi lương ở các cơ quan Nhà nước chỉ vài triệu đồng.
Với khu vực tư, chỉ cần ông chủ và bộ phận nhân sự đánh giá rồi giao việc ngay, lương thỏa thuận. Còn khu vực công, tuyển dụng, đánh giá 1 người cần cả hội đồng, họp lên họp xuống, nhưng nếu người đó không “lọt vào mắt xanh của lãnh đạo” thì rất khó. Nếu không chuyển hẳn được sang cơ chế vị trí việc làm sẽ vẫn mãi vòng luẩn quẩn đó, phải có công cụ đánh giá được thực chất và tôn trọng đóng góp của họ mới có thể giữ đội ngũ ổn định. Chừng nào người lao động ở khu vực công không được đánh giá đúng mức, không có cơ hội thăng tiến, thu nhập không đủ sống thì họ còn ra đi. Họ không thể sống bằng tinh thần mãi được.
Cải cách tiền lương 10 năm chưa xong
Thu nhập thấp là lý do chính khiến nhiều công chức, viên chức nghỉ việc, phải chăng cũng vì điều này mà phát sinh tham nhũng vặt, thưa ông?
Vấn đề cải cách tiền lương đã được nhận thức từ lâu, tới nay vẫn là nút thắt cho nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại. Người làm ở khu vực công không sống được bằng lương, đây là một trong những yếu tố dẫn tới nhiều trường hợp tiêu cực, gây phiền hà, lợi dụng chính sách, chức vụ, vị trí để mưu cầu lợi ích cá nhân, rồi tha hoá. Trong một chừng mực nào đó, chúng ta vừa mất người, vừa mất của.
Muốn cải cách tiền lương cần công cụ đánh giá kết quả làm việc và được công khai để mọi người cùng giám sát. Đã hơn 10 năm vẫn chưa triển khai được cải cách tiền lương. Thế nên, quyết định vẫn là tập thể, đúng quy trình, nhưng 10 năm qua có hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật. Điều này cho thấy toàn hệ thống cần rà soát lại và điều chỉnh.
Điển hình như Singapore, họ trả lương cho lao động khu vực công ở mức đảm bảo có cuộc sống khá giả để họ trung thành, nếu tham nhũng sẽ không được cả khu vực công và tư tiếp nhận. Điều đó tạo ra áp lực, nhưng rất sòng phẳng để họ không muốn, không cần và không thể tham nhũng.
Vậy ông đề xuất giải pháp gì để hóa giải những bất cập hiện nay, điều gì là quan trọng nhất để giữ chân người tài ở lại với khu vực Nhà nước?
Làn sóng người lao động rời khu vực Nhà nước cũng là cảnh báo, chỉ dấu để các Nhà lãnh đạo, người làm chính sách phải suy nghĩ, nắm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp hiệu quả. Trọng tâm vẫn là công cụ để đánh giá công việc cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, làm cơ sở để trả lương tương xứng, không phải theo ý chí người lãnh đạo.
Ngoài ra, một số nước phát triển còn cho lao động khu vực tư có thể thi vào vị trí cao cấp tại khu vực công. Đó là cách làm của nền hành chính hiện đại, việc tuyển dụng khu vực công trao cơ hội cho toàn xã hội. Một giám đốc doanh nghiệp có kinh nghiệm thực tế, hoàn toàn có thể chuyển sang làm lãnh đạo sở ngành, địa phương. Khu vực công và tư cần liên thông mới là nền công vụ hiện đại, không bị hành chính hóa. Còn nếu không, người nghỉ cứ nghỉ, tôi lại tuyển người khác, lại có cơ hội để “chạy”.
Cảm ơn ông!