Bất động sản

Cầm đèn chạy trước ô tô, nhà đầu tư bất động sản mòn mỏi chờ lên phố

Nhà đầu tư mòn mỏi chờ lên phố

Trong những năm gần đây, các thông tin quy hoạch khu vực hành chính từ huyện lên quận hay từ quận lên thành phố khiến giá đất ở khu vực đó liên tục biến động mạnh. Đơn cử, tại Hoài Đức (Hà Nội), từ khi có thông tin lên quận giá đất cũng liên tục tăng mạnh, nhưng ở thời điểm hiện tại, giá đất cũng đã chững khiến nhà đầu tư mòn mỏi chờ đợi.

Khoảng đầu năm 2021, có trong tay 4 tỷ đồng, anh Nguyễn Sơn (Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định đầu tư vào bất động sản. Thời điểm đó, nghe theo tư vấn của “cò” đất, anh Sơn mua mảnh đất có diện tích 70m2, tại Hoài Đức, tương đương hơn 57 triệu đồng/m2.

Theo anh Sơn, với mức giá gần 60 triệu đồng/m2 tại huyện ở Hà Nội là tương đối cao, ngang ngửa với giá đất tại mặt ngõ các quận trung tâm như Thanh Xuân, Cầu Giấy,... thời điểm bấy giờ. Nhưng, vì tin khu vực này đang có nhiều quy hoạch như lên quận trong thời gian tới, dự án mở rộng Quốc lộ 32 và đường vành đai 3.5.

“Dù là huyện ven đô nhưng môi giới khẳng định giá bất động sản sẽ tăng mạnh theo yếu tố quy hoạch nên tôi quyết định đầu tư và chờ khi Hoài Đức lên quận sẽ bán ra kiếm lời. Nhưng từ thời điểm đó tới giờ, giá đất tại khu vực đang chững lại. Mảnh đất của tôi cũng chỉ tăng nhẹ khoảng 59 triệu đồng/m2”, anh Sơn chia sẻ.

Theo anh Sơn tìm hiểu, trước thời điểm anh xuống tiền mua mảnh đất đó thì giá đất trong khu vực tăng trung bình khoảng 15 - 20%/năm. Nhưng từ khi anh mua thì giá đất tăng không đáng kể. Các thông tin quy hoạch hiện nay vẫn chưa có chuyển biến gì mới.

Cầm đèn chạy trước ô tô, nhà đầu tư bất động sản mòn mỏi chờ lên phố - Ảnh 1.

Tương tự, cách đây hơn 1 năm, anh Trần Chính (Nam Từ Liêm, Hà Nội), bỏ ra số tiền 2 tỷ đồng mua mảnh đất rộng 42m2 tại Đức Thượng (Hoài Đức), tương đương 47,6 triệu đồng/m2.

“Mua mảnh đất này vì không đủ tiền nên có 600 triệu đồng là tôi đi vay. Đến nay, mảnh đất cũng chỉ tăng khoảng 200 triệu đồng ở thời điểm cuối năm 2021. Đến đầu năm 2022, mảnh đất gần như đứng giá, nhưng dù muốn bán nhưng cũng khó kiếm khách mua”, anh Chính nói.

Theo anh Chính, cũng vì tin theo tư vấn của môi giới nên mới quyết định vay ngân hàng mua. Nhưng đến nay liên hệ lại môi giới muốn bán thì cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Thời điểm này kiếm khách mua khó nên anh cứ giữ lại đi”.

“Môi giới tư vấn cho tôi, đến khi Hoài Đức chính thức lên quận giá đất sẽ tăng mạnh, thậm chí có thể tăng gấp 2 lần trong thời gian ngắn. Nhưng bao giờ lên quận thì chưa dám chắc”, anh Chính nói.

Còn tiềm năng tăng giá?

Theo nhận định của giới chuyên gia, nhờ vào các thông tin quy hoạch, giá đất tại Hoài Đức kể từ năm 2018 cho tới cuối năm 2021 đã tăng rất mạnh, ước tính tăng khoảng 40 - 50%.

Đáng chú ý, thời điểm hiện tại, đất tại mặt đường 32 có giá đắt nhất, dao động từ 100 - 150 triệu đồng/m2, có những mảnh được rao bán với giá 200 triệu đồng/m2, ngang ngửa với giá nhà đất tại trung tâm Hà Nội.

Anh Nguyễn Văn Hải, nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho biết, giá đất Hoài Đức vài năm trước đã tăng rất mạnh, có phần tăng hơi “ảo”, nên ở thời điểm này, các thông tin quy hoạch chưa rõ ràng, giá đất Hoài Đức đang có xu hướng chững lại. Đây đang là xu hướng chung của thị trường bất động sản, không riêng gì tại thị trường Hoài Đức.

Cầm đèn chạy trước ô tô, nhà đầu tư bất động sản mòn mỏi chờ lên phố - Ảnh 2.

Theo anh Hải, tại một khu vực đang có nhiều thông tin quy hoạch như Hoài Đức, thì giá đất sẽ khó giảm, nhưng cũng sẽ không tăng “sốc” như vài năm trước. Do đó, nếu có dòng vốn mạnh, đầu tư vào Hoài Đức vẫn tiềm năng, nhưng nếu sử dụng các đòn bẩy về tài chính, đón trước quy hoạch thì không ổn. Vì rõ ràng, giá đất tại đây đang có sự điều chỉnh, không còn tăng sốc như vài năm trước, vay vốn mà không tính đến khả năng trả nợ thì rất dễ mất trắng.

Theo báo cáo của UBND Hà Nội vào đầu năm 2022, Hoài Đức đã đạt được 22/27 tiêu chí để trở thành quận. Nhiều tiêu chí đạt cao, như: Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt 9,42%; thu nhập bình quân 62 triệu đồng/người/năm; huyện không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ dân được cấp nước hợp vệ sinh đạt 100%.

5 tiêu chí còn lại huyện cần hoàn thiện gồm: Y tế, cây xanh, giao thông, tỷ lệ nước thải được xử lý, cân đối thu - chi ngân sách. Để hoàn thiện các tiêu chí này, huyện Hoài Đức đang tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ các dự án khu vườn hoa cây xanh, các khu đất dịch vụ, đấu giá; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, Vân Canh; triển khai xây dựng các trạm xử lý nước thải cục bộ tại các xã: Vân Côn, Cát Quế, Đông La, Yên Sở, Song Phương, La Phù, An Thượng...

Tổng nguồn lực để hoàn thành đề án xây dựng huyện thành quận khoảng 6.215,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố 3.704 tỷ đồng, ngân sách huyện 2.511,5 tỷ đồng.

Trên cơ sở các tiêu chí đạt được, huyện Hoài Đức đăng ký thời gian hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận vào cuối năm 2023, đầu năm 2024, hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, công nhận huyện Hoài Đức đạt chuẩn quận vào năm 2024.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm