Sáng 15-9, tại phiên họp thứ 15, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của các cơ quan tư pháp.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đánh giá năm 2022 là năm rất quan trọng, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến khó khăn, phức tạp.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: NGHĨA ĐỨC
Ông Tô Lâm cho hay năm 2022 giảm được gần 10% tội phạm. Theo Bộ trưởng công an, “chỉ tiêu phấn đấu mỗi năm giảm 5% tội phạm” tuy chưa được Quốc hội giao nhưng trong nhiều năm liên tục đều vượt chỉ tiêu này.
“Chúng tôi cho rằng đây là chỉ số rất quan trọng vì mục tiêu của chúng ta là phải xây dựng một xã hội lành mạnh, an toàn, kỷ cương, để mọi người dân được sống trong hoà bình, ổn định, không phải lo lắng gì nhiều, có cuộc sống hạnh phúc...”- ông Tô Lâm nói và đề nghị UBTVQH ghi nhận việc này có ý nghĩa rất nhân văn.
“Chúng tôi theo dõi trên toàn quốc, nhiều tỉnh cả ngày không có một vụ phạm pháp hình sự nào. Hôm trước, tôi làm việc với Tuyên Quang, các đồng chí nói tổng kết 9 tháng năm 2022 chỉ có khoảng 200 vụ phạm pháp hình sự, tức là khoảng 160 ngày không có vụ phạm pháp hình sự nào thì rất mừng.
Làm sao chúng ta càng tăng số lượng này lên thì mang rất nhiều ý nghĩa, thậm chí giảm biên chế cũng giảm được từ việc này, giảm cán bộ, giảm trại giam, giảm rất nhiều thứ khác”- ông Tô Lâm nói.
Ngoài ra, đánh giá chung, Đại tướng Tô Lâm cho biết các chỉ tiêu Quốc hội giao cơ bản đều vượt, đây là những điểm rất nổi bật của 2022. Trong đó, công tác phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng có nhiều bước tiến mới, đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế- xã hội...
“Ban chỉ đạo Trung ương PCTN mới đây đã họp kết luận, đánh giá về việc này. Tinh thần này phải được thể hiện trong báo cáo, nhất là báo cáo thẩm tra phải nêu được vấn đề đó”- ông Tô Lâm nói và nhấn mạnh: “Làm một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, cả một lĩnh vực”.
Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá chúng ta đã bước đầu ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên, tham nhũng đang ngày càng tinh vi, phức tạp khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn khi đối phó với tội phạm, “mình cứ ra được cái khiên này tội phạm lại có mác khác”.
“Đề nghị báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp điều chỉnh, chỉnh sửa theo hướng rất toàn diện như vậy”- Bộ trưởng Tô Lâm nói. Ông cho rằng những góp ý về một số vụ việc cụ thể cũng rất quan trọng nhưng thiếu toàn diện.
“Năm 2022, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật tốt hơn những năm trước nhiều”- ông Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh, đồng thời khẳng định công tác này không làm cản trở những việc này mà “phục vụ rất tốt cho phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội”.
“Tất nhiên, đúng là có một số vụ việc còn tồn tại, như đình chỉ vụ án, chúng tôi cho rằng đó là việc rất thông thường, luật pháp cho phép, không phải đình chỉ là ám chỉ đó là oan, sai. Chúng ta phải có quan điểm nhận định thống nhất”- ông Tô Lâm nói.
Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết khi làm báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Tư pháp đã rất thận trọng, mỗi một đánh giá, nhận định đều có footnote kèm theo. Đồng thời cân đối giữa phần khen- chê.
“Trong báo cáo này, ngồi nhìn lại thì chủ yếu là khen, phần tồn tại, hạn chế, phần chê rất ít nhưng các đồng chí vẫn tiếp tục có góp ý cho báo cáo thẩm tra, chúng tôi xin ghi nhận các ý kiến này. Tuy nhiên, cũng phải thông cảm, Uỷ ban Tư pháp đứng ở giữa và phải tham mưu cho các ĐBQH biết ưu điểm, hạn chế của hoạt động tư pháp thời gian qua là gì, căn cứ vào đâu nói có hạn chế đó”- bà Nga nhấn mạnh.