Đi dọc trục đường Yên Lãng - Hoàng Cầu (Đống Đa) trong thời gian này, người tham gia giao thông "nhói lòng" khi thấy hàng loạt cây xanh không thể phát triển khi ngọn "đụng" gầm bê tông đường trên cao.
Nhiều cây xanh thuộc loại cây đô thị có giá trị vừa được trồng trong vài năm trở lại đây khi bám đất phát triển thì ngọn cây phải tự uốn cong để tránh dầm cầu bê tông.
Có cây ngọn đâm thẳng vào rãnh dầm cầu bê tông đường sắt trên cao, không thể phát triển tiếp, lá cây đổ vàng, thân còi cọc.
Có cây một phần ngọn né được đường trên cao, phần ngọn còn lại héo khô, chết.
Được biết, hệ thống cây xanh gồm cây đô thị và chuối cảnh được trồng ở dải phân cách trục đường Yên Lãng - Hoàng Cầu khoảng 3 năm nay, sau khi dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi trên cao thi công xong. Việc trồng cây được Sở Xây dựng Hà Nội lập thành dự án để chi ngân sách.
Cây chuối to và có chiều cao khoảng 2 mét (ảnh trái), nhưng sau 3 năm phát triển và chăm sóc, do thiếu ánh sáng, trồng không đúng môi trường, cây chuối chỉ còn lại gốc và vài lá thấp lè tè (ảnh chụp ngày 7/4)
Ở dải phân cách đường Vành đai 3 trên cao hàng loạt cây đô thị vừa được trồng mới, khi phát triển cũng đang đội gầm đường trên cao.
Do không có ánh sáng và ngọn cây bị "đụng" gầm bê tông đường trên cao nên các cây họ cau cảnh đang khô héo, chờ chết.
Trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) nhiều cây đô thị họ cau, họ cọ cũng được đem trồng ở dải phân cách giữa, bên trên là dầm bê tông đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Với một số cây thân gỗ trong đó có loại bàng lai ngọn cây đã né được gầm cầu để phát triển, nhưng thân cây bị cong, trông rất xót lòng và mất mỹ quan. Việc trồng cây trên dải phân cách Vành đai 3 và dải phân cách đường Nguyễn Trãi - Trần Phú đều được lập thành các dự án riêng để chi ngân sách.