Bất động sản

Cải tạo chung cư cũ Hà Nội: Hơn 30 năm đạt trên 1%

Hơn 30 năm, đạt trên 1%

Hà Nội hiện có khoảng 1.579 chung cư cũ, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP được nghiên cứu, đặt ra nhiệm vụ từ hơn 30 năm qua, kể từ khi các chung cư cũ hết niên hạn sử dụng, có dấu hiệu xuống cấp.

Qua các mô hình thí điểm, từ năm 2005 TP bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, do một số bất cập và sự thay đổi chính sách nên đến nay mới có 19 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoàn thành.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam từng cho biết, xây dựng, cải tạo chung cư cũ là vấn đề được đặt ra đối với Hà Nội từ cách đây khoảng 30 năm, nhưng đến nay mới thực hiện được khoảng 1,2%.

Do đó, TS.KTS Nghiêm nhấn mạnh, cần phải xem việc cải tạo chung cư cũ là nhiệm vụ cấp thiết chứ không phải cần thiết. Đồng thời, trong quá trình thực hiện nên xác định rõ mức độ quan trọng của công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Cải tạo chung cư cũ Hà Nội: Hơn 30 năm đạt trên 1% - Ảnh 1.

Cần phải xem việc cải tạo chung cư cũ là nhiệm vụ cấp thiết chứ không phải cần thiết. (Ảnh: Lộc Liên

Bình luận về vấn đề cải tạo chung cư cũ, một số độc giả cho rằng, nên đặt ra giới hạn quyền sở hữu với căn hộ chung cư là có thời hạn kèm với đất là lâu dài. Khi vượt quá thời hạn sử dụng nếu chất lượng không còn đảm bảo an toàn thì nhà nước có quyền cấm sử dụng toà nhà nếu như không được xây mới.

Một số người dân đưa ra ý kiến: Chung cư là một tài sản thuộc loại hình giới hạn thời gian sử dụng (tuổi thọ), nên có thể căn cứ vào thời gian sử dụng để khấu trừ giá trị của chúng theo năm (ví dụ quy định hạn sử dụng 50 năm thì sau 50 năm thì bắt buộc tháo dỡ , và giá trị trở về không), người sử dụng chỉ còn quyền sử dụng đất trên diện tích chung cư cũ (nếu có).

Cải tạo chung cư cũ Hà Nội: Hơn 30 năm đạt trên 1% - Ảnh 2.

Độc giả cho rằng, khi vượt quá thời hạn sử dụng nếu chất lượng không còn đảm bảo an toàn thì nhà nước có quyền cấm sử dụng

Công tác cải tạo (hay xây mới) chung cư cũ là trách nhiệm của chủ đầu tư, nếu chung cư do Nhà nước xây dựng và bán cho người sử dụng thì Nhà nước và người sử dụng có trách nhiệm cải tạo hay xây mới chung cư cũ (bao gồm các chi phí phát sinh). Nếu chung cư thuộc sở hữu (hay đại diện) của doanh nghiệp hoặc cá nhân, thì cá nhân hay doanh nghiệp bắt buộc phải có trách nhiệm xây mới hay cải tạo chung cư cũ.

Không thể quy hết trách nhiệm cho Nhà nước, các loại hình chung cư hiện nay đa số là tài sản cá nhân, theo Luật thì không thể bỏ tiền chung (tiền thuế của nhân dân) ra để sửa sang hay xây mới tài sản thuộc sở hữu cá nhân được.

Gỡ nút thắt?

Trên thực tế, n gày 5/8/2005, HĐND TP Hà Nội đã thông qua ban hành Nghị quyết số 07 về việc cải tạo xây dựng mới các khu chung cư cũ, xuống cấp trên địa bàn TP với 03 quan điểm và 04 nguyên tắc, trong đó xác định việc cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ là việc lớn, khó và liên quan trực tiếp đến cuộc sống của một bộ phận lớn dân cư TP, vì vậy, phải thực hiện bài bản, chắc chắn, có bước đi thích hợp, có kế hoạch lộ trình cụ thể, không làm tràn lan; đặc biệt, ưu tiên thực hiện các nhà chung cư cũ nguy hiểm.

Cải tạo chung cư cũ Hà Nội: Hơn 30 năm đạt trên 1% - Ảnh 3.

Sau đó, hàng loạt Nghị quyết, Nghị định, Quyết định của Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã được đưa ra nhằm thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn: Nghị quyết số 34 ngày 3/7/2007 của Chính phủ; Nghị định số 71 của Chính phủ; Quyết định số 48 của TP Hà Nội; Nghị định số 101/2015/NĐ - CP về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ....

Đặc biệt, ngày 15/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 69 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, theo đó đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực cơ chế phát huy hiệu quả để triển khai cải tạo, xây dựng lại hệ thống chung cư cũ.

Đến ngày 18/12/2021, UBND TP Hà Nội có quyết định 5289 ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội.

Cải tạo chung cư cũ Hà Nội: Hơn 30 năm đạt trên 1% - Ảnh 4.

Tháng 12/2022, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4900 tạm cấp kinh phí 22,125 tỷ đồng cho các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy để lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo lại các khu chung cư cũ năm 2022;


Cải tạo chung cư cũ Hà Nội: Hơn 30 năm đạt trên 1% - Ảnh 5.

Mới nhất, ngày 23/2/2023, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 1186/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Trong đó đặt ra mục tiêu triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp).

Tuy vậy, đến nay công tác cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn và vướng mắc...(CÒN TIẾP)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm