"An cư lạc nghiệp " là quan điểm của ông bà ta từ xa xưa nhưng đến thời hiện đại nó vẫn luôn là một áp lực lớn đối với những người trẻ, đến mức được coi là thước đo cho sự trưởng thành của mỗi con người - nhọc nhằn tìm cách để mua nhà hay đã đến lúc tự mở cho mình những lối đi riêng?
Nhọc nhằn với "giấc mơ" an cư
Người trẻ thời đại này dường như ai cũng đang bị cuốn vào quay cuồng với "áp lực từ những con số". Đi học hơn thua nhau bởi điểm số, đi làm thì sống chung với tiền lương, KPI…, còn ngoài xã hội thì thước đo của sự thành công với nhiều người lại là bạn có một chiếc xe ô tô hay một căn nhà của riêng mình. Có thể thấy, quan điểm "an cư lạc nghiệp" vẫn nằm trong điều ưu tiên của người Việt bởi sở hữu được một căn nhà là bạn đang khẳng định được sự trưởng thành của mình. Thế nhưng, với thu nhập trung bình hiện tại cùng với tình trạng giá nhà đất ngày một tăng cao, "giấc mơ" an cư với nhiều người trẻ có lẽ đang ngày càng xa tầm với.
Lựa chọn căn nhà thuê cách chỗ làm hàng chục cây số, chịu khó ở tầng cao nhất để tiết kiệm hết mức có thể, mua nhà ở thành phố trước tuổi 30 theo Hạnh Dung là thước đo để đánh giá sự thành công của một người trẻ. Tiết kiệm từ cốc trà sữa mỗi tuần, đắn đo suy nghĩ trước mỗi chầu cafe, không biết từ khi nào việc chắt chiu lại khiến Dung hào hứng đến vậy. Không muốn bị trói chân vào những khoản nợ thì đành sống khổ để đạt được giấc mơ sang.
Chưa mua nhà thì khao khát, có rồi thì lại áp lực tiền nong. Không thể chờ đợi tiết kiệm từng ngày, quyết định vay nợ để mua nhà khi kinh tế cũng chẳng dư dả nhưng những gì mà một người phụ nữ khác nhận lại là phải bán đi giấc mơ của mình để trở về với hiện tại.
Áp lực phải thành công sớm, phải đạt được những cột mốc nhất định trong đời, thậm chí là phải tìm con đường đi ngắn nhất để rồi thay vì đeo đuổi giấc mơ an cư thì lại lạc lối trong "mê cung" của những áp lực, kỳ vọng.
Người Việt cần ít nhất 23,5 năm thu nhập để mua nhà ở
Chiếm phần trăm lớn trong tỷ lệ dân số và lực lượng lao động nhưng những người trẻ tuổi lại khó thực hiện mục tiêu mua nhà để an cư lập nghiệp. Riêng về giá cả, hiện nay, giá bất động sản Việt Nam đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân.
Theo một nghiên cứu gần nhất, người Việt Nam trung bình cần ít nhất hơn 23 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ và thậm chí cao hơn nhiều so với các nước khác tại châu Á. Tình trạng thiếu nguồn cung về nhà ở giá rẻ khiến nhiều người trẻ có thu nhập ở mức trung bình khó có thể sở hữu một ngôi nhà tại thành phố lớn để an cư.
Xu hướng làm mới không gian sống từ những căn hộ cũ
Trước thực tế nhiều khó khăn, tạm gác lại "giấc mơ" nhà riêng, để vẫn có thể có một không gian sống theo ý của mình, có một xu hướng không mới, cũng chưa bao giờ cũ, thậm chí gần đây đang dần "tăng nhiệt" khi được không ít người lựa chọn, đặc biệt là các bạn trẻ, đó là làm mới không gian sống từ những căn hộ cũ.
"Đi thuê thì ai sửa nhà phức tạp bao giờ", "sửa cho đẹp thì vẫn chẳng phải nhà của mình" - vì suy nghĩ này mà gia đình chị Trang đã ở nguyên trạng trong căn hộ tập thể cũ suốt 9 năm nay. Tuy nhiên, khi gia đình chị mong muốn có thêm thành viên, thay vì mua một căn nhà mới có giá trị cao gấp nhiều lần thì cải tạo lại chính căn hộ đang thuê là phương án "dễ thở" hơn.
Chưa lập gia đình nhưng với mong muốn có một không gian vừa mang yếu tố cá nhân lại vừa đem đến trải nghiệm mới, với Hải Thiên, bỏ ra số tiền cả trăm triệu để cải tạo một căn nhà thuê ở ngay trung tâm thành phố là một khoản đầu tư phù hợp và xứng đáng.
Thay vì mua nhà thì thuê nhà, cải tạo nhà theo nhu cầu riêng của cá nhân hay gia đình là xu hướng đang "tăng nhiệt". Xu hướng này đến từ nhiều yếu tố, trong đó phần đa được cho là đến từ phong cách sống và sự phù hợp về chi phí.
Các chuyên gia dự báo, trong năm 2023, thị trường cho thuê dự kiến sẽ ngày càng sôi động hơn. Bên cạnh đó, những dịch vụ cải tạo nhà cũ cũng ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu làm mới không gian sống từ những căn hộ cũ.
Người trẻ cố mua nhà - Nên hay không?
Một số người trẻ cho rằng cả đời chỉ lo làm để trả những món nợ xe cộ, nhà cửa thì quả là lãng phí. Tuy nhiên, không ít người cũng phản bác, thời trẻ không làm chỉ thích khám phá trải nghiệm thì khi già cả biết bấu víu vào đâu? Không ít những người trẻ dù là sinh ra và lớn lên ở đâu cũng đang gánh vác rất nhiều trách nhiệm trên vai, trong đó, chuyện nhà cửa dường như là một câu hỏi lớn nhất mà bất cứ ai trong chúng ta cũng cần phải đi tìm đáp án cho bằng được.
Vay đến 80% để mua nhà, mặc dù đã thắt chặt chi tiêu hết mức có thể, nhưng sau 1 năm thay vì sống thoải mái trong căn nhà riêng, Trường Giang lại cảm thấy bế tắc vì áp lực nợ nần.
Mua nhà và vay nợ cũng là lựa chọn của gia đình chị Hương cách đây 2 năm trước. Để vừa trả lãi, vừa trả cả một phần gốc, luôn luôn tiết kiệm là tôn chỉ mà chị phải đặt ra mặc dù không tránh khỏi những khoản phát sinh.
Sống dè sẻn hết mức có thể nhưng vẫn loay hoay vay đi mượn lại hay nảy sinh mâu thuẫn gia đình từ bài toán nợ nần. Để phòng tránh những rủi ro thậm chí có thể lớn hơn khi mua nhà, cần phải có kế hoạch cụ thể với một tỷ lệ vay phù hợp.
Người trẻ có nên cố mua nhà dù phải mang áp lực nợ nần trong nhiều năm hay không? Câu trả lời nằm ở con số tiết kiệm, thu nhập và phong cách sống của mỗi người. Còn bạn, bạn có phải là thành viên của hội "nỗ lực mua nhà" hay không, nếu có thì bạn đang sống ở phiên bản nào của cuộc sống?