Hari Won kiểm soát khoản chi hàng ngày của Trấn Thành
Trấn Thành và Hari Won được coi là cặp vợ chồng hot nhất nhì showbiz Việt. Nhiều khán giả khá quan tâm về cuộc sống gia đình, đặc biệt là cách quản lý khối tài sản của cặp đôi.
Trong một chương trình truyền hình, Hari Won đã từng có chia sẻ khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ. “Ngày nào tôi cũng để vào ví chồng 5 triệu chứ không ít. Chồng tôi tiêu trong một ngày còn bao nhiêu, tôi sẽ lấy lại rồi hôm sau lại để vào đó 5 triệu. Sáng nào thức dậy, tôi cũng lôi ví chồng ra kiểm tra xem còn bao nhiêu tiền để thêm đủ số tiền khác cho tròn 5 triệu vào. Như vậy, tôi cũng sẽ biết hôm qua chồng tiêu hết bao tiền. Từ đó, tôi quản lý được chi tiêu của chồng mà không mang tiếng ki bo".
Có thể thấy Hari Won đã kiểm soát chi tiêu của gia đình khá nghiêm ngặt. Được biết từ thời đại học, cô đã sống tiết kiệm. Chẳng hạn, những đồ đã mặc thì sẽ bán để lấy tiền, hay mua đồ cũ để tiết kiệm, thậm chí còn xin áo cũ để về mặc lại.
Hari Won cũng đã áp dụng triệt để thói quen chi tiêu có kế hoạch như vậy với Trấn Thành từ trước khi kết hôn. Cụ thể, cô nàng từng tiết lộ đã cho Trấn Thành 2 triệu mỗi ngày để tiêu vặt, Hari Won muốn chồng mình có thể học cách chi tiêu có kiểm soát.
Hari Won và Trấn Thành
Ai nên là người quản lý chi tiêu gia đình?
Một chủ đề khiến nhiều gia đình đau đầu chính là ai sẽ “cầm trịch" để quản lý chi tiêu gia đình? Liệu có phải vợ nên là tay hòm chìa khoá như cặp đôi Hari Won và Trấn Thành, hay cả 2 nên tham gia cùng nhau trong quản lý tài chính gia đình?
Trên thực tế, điều này sẽ phụ thuộc vào từng gia đình và khó để có công thức chung áp dụng hiệu quả với tất cả mọi người. Với một số gia đình, việc quản lý chi tiêu sẽ thuộc về người am hiểu hơn trong lĩnh vực tài chính. Một người kỷ luật hơn, nhẫn nại để lên kế hoạch hàng tháng và luôn theo sát đốc thúc các thành viên phải làm theo.
Mặt khác, đối với một vài gia đình, họ cảm thấy bình đẳng hơn khi cả 2 vợ chồng cùng tham gia quản lý chi tiêu. Điều này khiến cặp đôi có ý thức hơn về trách nhiệm và quyền lợi trong gia đình.
Tuy nhiên, dù là lựa chọn nào, các vấn đề về tiền bạc thường là nguyên nhân phổ biến gây ra xung đột giữa các cặp vợ chồng. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là cả hai người đều cảm thấy thoải mái khi thiết lập ngân sách và kế hoạch tài chính, kể cả có “nắm quyền" tài chính gia đình hay không.
Ảnh minh hoạ
Bắt đầu nói chuyện
Bước đầu tiên để lập kế hoạch tài chính thành công với tư cách là một cặp vợ chồng là bắt đầu nói chuyện. Điều đó có thể không thoải mái nhưng 2 bạn cần hiểu rõ về tình hình tài chính của nhau để tạo ra một ngân sách bền vững. Điều đó có nghĩa là nói về những thứ như: thu nhập, nợ, thói quen chi tiêu, mục tiêu tiết kiệm và điểm tín dụng.
Reyes, giám đốc tư vấn tài chính cấp cao của ứng dụng tài chính cá nhân Albert, cho biết: “Các cặp vợ chồng cần có một cuộc thảo luận thẳng thắn về việc tiền khiến bản thân cảm thấy như thế nào, bạn tin tưởng giao tiền cho ai và bạn đang ở trong tình trạng tài chính nào, bao gồm cả nợ và thu nhập”.
Nhưng những cuộc trò chuyện về tiền bạc này không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần. Hãy dành các buổi tối hẹn hò thường xuyên để bạn thảo luận về tài chính, xem xét tình trạng của các mục tiêu và thực hiện bất kỳ điều chỉnh nào đối với kế hoạch của bạn.
Hợp nhất hay không?
Có 3 cách tiếp cận phổ biến khi lập ngân sách của một cặp vợ chồng. Thứ nhất, hợp nhất mọi thứ lại với nhau rồi chia sẻ tất cả thu nhập cũng như chi phí. Thứ 2, tạo một tài khoản chung mà cả hai người cùng đóng góp cho các chi phí chung đồng thời duy trì các tài khoản riêng biệt. Thứ 3, giữ mọi thứ riêng biệt và chia hóa đơn.
Đối với các cặp vợ chồng quyết định sử dụng một tài khoản cho các chi phí chung và các tài khoản cá nhân riêng biệt, Jerel Butler, người sáng lập Millennial Financial Solutions, khuyên bạn nên dựa vào thu nhập cá nhân để xem xét mức độ đóng góp vào tài khoản này. Chẳng hạn, nếu một người kiếm được 60% tổng thu nhập hộ gia đình, họ sẽ đóng góp đủ để trang trải 60% trong tổng số hóa đơn chung hàng tháng.
Nếu có sự khác biệt lớn về thu nhập, việc chia đều chi phí có thể dẫn đến các vấn đề sau này, Sophia Bera, chuyên gia lập kế hoạch tài chính được chứng nhận, cho biết: “Rất nhiều người quyết định chia mọi thứ theo tỷ lệ 50-50 và vài tháng sau nhận ra rằng nó không hiệu quả”.
Ảnh minh hoạ
Mục tiêu đề ra
Bạn và người bạn đời không nhất thiết phải có tất cả các mục tiêu tài chính giống nhau. Có thể có những mục tiêu chung, chẳng hạn mua nhà và nhiều mục tiêu cá nhân hơn, như du lịch, tập gym.
Chìa khóa để đạt được những cột mốc như vậy là phải cụ thể: Mục tiêu là gì và bạn có muốn đạt được nó không? Mary-Charles Nassif, cố vấn tài chính của Edward Jones Financial, cho biết: “Các cặp vợ chồng có thể có các mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, hãy trò chuyện và ghi lại chúng để đảm bảo thói quen chi tiêu phù hợp với các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn”.