Nhắc đến du lịch Vĩnh Long, hẳn người ta sẽ nhớ đến đầu tiên là những vườn trái cây sai trĩu quả và các khu vui chơi giải trí liên quan đến sông nước, kênh rạch. Nhưng đâu chỉ vậy, với bề dày lịch sử - từng là một trong những “thủ phủ” của lục tỉnh Nam Kỳ, lại thêm một phần dân số là người Khơ - me, cho nên vùng đất này còn ẩn chứa những nét xưa cổ kính, mang đậm giá trị văn hóa.
Cù lao An Bình và Bình Hòa Phước
Nằm nổi giữa sông Tiền, cù lao An Bình và Bình Hòa Phước quanh năm có đất phù sa màu mỡ, nhiều nước ngọt. Cũng nhờ đó mà người dân nơi đây trồng được vô số cây trái như chôm chôm, sầu riêng, xoài, nhãn, bưởi năm roi… Đến đây, du khách có thể trải nghiệm du lịch miệt vườn, tham quan các ngôi nhà cổ và hái trái cây thỏa thích.
Vườn cây cảnh của nghệ nhân Nguyễn Thành Giáo (ông Sáu Giáo) thuộc địa phận ấp Bình Thuận, xã Bình Hòa nổi tiếng với hàng trăm loại cây cảnh quý như mai vàng, mai chiếu thủy, nhài, bách xanh… Chưa kể, xung quanh còn là vườn nhãn và ao nuôi cá.
Trong khi đó, nhà ông Mười Đầy lại thu hút với ngôi nhà sàn cột bằng gỗ đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Zuttoride.
Một trong những địa danh vừa quen, vừa lạ ở đây phải nhắc tới nhà cổ Cai Cường. Người sở hữu ngôi nhà là ông Phạm Văn Bổn - xưa là một đại địa chủ. Căn nhà được bố trí 3 gian, 2 nếp nhà vuông góc với mặt chính giữa hướng ra rạch Cái Muối. Nét độc đáo nhất của ngôi nhà cổ chính là sự pha trộn giữa hai phong cách kiến trúc Việt - Pháp. Nếu như bên trong là bộ bàn ghế, đồ đạc mang đậm nét Á Đông thì bên ngoài lại được trang hoàng hơi hướng phương Tây.
Nhà cổ Cai Cường được xây dựng từ từ năm 1885. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo.
Tại đây cũng là không gian của những buổi biểu diễn đờn ca tài tử hay du khách có thể nghỉ lại ở 2 gian nhà cổ. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo, Lu Nguyen, @vta15994.
Cũng thuộc cù lao An Bình, chùa Tiên Châu nằm trên bãi Tiên, tả ngạn sông Cổ Chiên. Để có được diện mạo khang trang như hiện giờ, ngôi chùa với tuổi đời hơn 250 năm này đã trải qua tới 4 lần trùng tu. Bốn nóc, ba gian nhà được bố trí theo hình chữ “tam”, nối liền nhau liên tiếp từ chính điện, hậu tổ và hậu liêu. Phía trước chùa là vườn cây xanh và tượng Phật bà đang cầm trên tay bình nước cam lộ, đứng uy nghĩ giữa đài sen. Ngoài ra, trong chùa còn có pho tượng Phật A Di Đà bằng đất sét và 96 cột gỗ tròn, được các nghệ nhân xứ Huệ chạm trổ tinh xảo.
Ảnh: @cecile4real, @mia.
Để tới được Cù lao An Bình, du khách hãy chọn các phương tiện khác nhau và có mặt ở thành phố Vĩnh Long. Từ đây, hãy lên phà An Bình ở công viên sông Tiền, ngồi chừng 15 phút là sẽ đặt chân lên tới cù lao.
Làng gạch gốm Mang Thít
Nằm giữa 2 dòng Tiền Giang và Hậu Giang, những hạt phù sa không chỉ bồi đắp cho Vĩnh Long có những đồng lúa bạt ngàn, vườn cây bốn mùa hoa trái mà còn hình thành mỏ đất sét quý giá. Người dân đất Vĩnh đã tận dụng nguồn tài nguyên được thiên nhiên ban tặng mà gây dựng lên làng nghề gạch gốm lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dân gian thường gọi nơi đây là "vương quốc đỏ" hay "vương quốc gạch gốm".
Làng gạch gốm trải dài bên bờ sông. Ảnh: Cao Kỳ Nhân
Nghề làm gạch gốm ở Vĩnh Long trải dài khoảng 30km, dọc bờ sông Cổ Chiên, qua địa bàn TP. Vĩnh Long, huyện Long Hồ và huyện Mang Thít. Trong đó, các xã của huyện Mang Thít là nơi tập trung nhiều lò gạch hơn cả. Được biết, tại đây đang lưu giữ gần 1000 lò gạch còn nguyên vẹn và gần 600 lò gạch còn một phần, nằm san sát nhau với diện tích rộng gần 3000ha, dọc các bờ kênh, tạo thành một vòng cung bờ phía Nam.
Ảnh: Phan Minh, @nhientravelvn, thamhiemmekong.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, đây là một di sản độc đáo đương đại, mà chỉ Vĩnh Long mới có. Làng nghề Mang Thít hơn 100 năm tuổi kéo dài hàng chục cây số nhưng nơi tập trung nhiều lò gạch nhất là bên rạch Cai Thầy. Từng mái lò, từng hàng gạch ngói đỏ rực xếp chồng lên nhau, giao thoa với màu xanh đặc trưng của sông nước, thiên nhiên, tạo nên khung cảnh yên bình, cổ kính, không lẫn vào đâu được.