Khoa học

Cách pha cà phê tốt nhất cho sức khỏe, theo khoa học

Tóm tắt:
  • Cách pha chế cà phê ảnh hưởng đến hàm lượng chất làm tăng cholesterol LDL và sức khỏe tim mạch.
  • Nghiên cứu tại Đại học Uppsala cho thấy máy pha chế có hàm lượng diterpenes cao hơn cà phê lọc giấy.
  • Cà phê pha kiểu espresso chứa hàm lượng cafestol cao nhất, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
  • Khuyến nghị sử dụng cà phê lọc giấy để bảo vệ sức khỏe tim mạch và giảm cholesterol LDL.
  • Người tiêu thụ cà phê cần theo dõi tổng lượng caffeine và tránh uống khi đói hoặc sát giờ ngủ.

Cách pha cà phê ảnh hưởng đến thành phần

Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Uppsala (Thụy Điển), phương pháp pha chế cà phê ảnh hưởng đáng kể đến hàm lượng các hợp chất diterpenes tự nhiên, gồm cafestol và kahweol, được biết đến là những chất làm tăng cholesterol LDL (cholesterol "xấu").

Cholesterol LDL cao có thể dẫn tới các vấn đề về tim mạch.

Cách pha cà phê tốt nhất cho sức khỏe, theo khoa học - 1

Cách pha cà phê ảnh hưởng đến hàm lượng chất làm tăng cholesterol (Ảnh: N.A.).

Nhóm nghiên cứu do TS David Iggman, Đơn vị Dinh dưỡng và Chuyển hóa lâm sàng, Đại học Uppsala dẫn đầu, đã phân tích các mẫu cà phê lấy từ 14 máy pha chế cà phê tại các cơ sở y tế công cộng ở Thụy Điển.

Các mẫu cà phê này được so sánh với cà phê pha bằng các phương pháp phổ biến khác như: pha nhỏ giọt (drip), pha kiểu French press, cà phê espresso và cà phê đun sôi (kiểu Thổ Nhĩ Kỳ).

Kết quả cho thấy, cà phê được pha từ các máy pha chế có mức diterpenes cao hơn cà phê lọc giấy thông thường nhưng thấp hơn cà phê đun sôi.

Cách pha cà phê tốt nhất cho sức khỏe, theo khoa học - 2

Lượng cafestol trong mỗi tách cà phê theo các phương pháp pha (Ảnh: Getty).

Trung bình, cà phê từ máy pha có mức cafestol là 175,7mg/l và kahweol là 141,8 mg/l. Trong khi đó, cà phê pha kiểu espresso chứa hàm lượng cao nhất với cafestol lên tới 2.446,7mg/l.

Nghiên cứu trước đây cũng đã xác định rằng cà phê đun sôi, điển hình là cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, chứa hàm lượng cao hai diterpenes có hại này.

Một nghiên cứu kéo dài 20 năm ở Na Uy (2020) cho thấy người uống cà phê không lọc có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn so với người uống cà phê lọc giấy.

Chính vì vậy, từ năm 2023, các quốc gia Bắc Âu đã chính thức khuyến nghị sử dụng cà phê lọc giấy để bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Tiến sĩ Iggman khẳng định, vai trò quan trọng của bộ lọc cà phê: "Quá trình lọc quyết định mức độ các chất làm tăng cholesterol trong cà phê. Không phải tất cả các máy pha cà phê đều loại bỏ được những hợp chất này một cách hiệu quả".

Nhóm nghiên cứu tính toán rằng, nếu một người thay thế ba ly cà phê pha bằng máy thông thường bằng cà phê lọc giấy, trong vòng 5 ngày mỗi tuần, có thể giảm cholesterol LDL khoảng 0,58 mmol/l.

Đây là mức tương đương với việc thêm 60ml kem béo (40%) vào mỗi ly cà phê lọc giấy.

"Phần lớn các mẫu cà phê trong nghiên cứu đều có hàm lượng diterpenes đủ cao để ảnh hưởng rõ rệt đến cholesterol LDL, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai", TS Iggman chia sẻ.

Do đó, với những người uống cà phê thường xuyên mỗi ngày, cà phê lọc giấy hay các loại cà phê được lọc kỹ khác sẽ là lựa chọn an toàn hơn.

Nghiên cứu này cũng vừa được công bố trên tạp chí Nutrition, Metabolism & Cardiovascular Diseases.

Uống cà phê thế nào để bảo vệ sức khỏe?

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), người trưởng thành khỏe mạnh không nên tiêu thụ quá 400mg caffeine mỗi ngày, tương đương khoảng ba đến bốn tách cà phê pha thông thường.

Tuy nhiên, mức chịu đựng caffeine ở mỗi người là khác nhau. Với người có thể trạng yếu, rối loạn giấc ngủ, phụ nữ mang thai hoặc người mắc bệnh tim mạch, ngưỡng an toàn có thể thấp hơn rất nhiều.

Một điều đáng chú ý là không phải ai cũng nhận ra mình đã vượt ngưỡng caffeine mỗi ngày, bởi ngoài cà phê, chất này còn có trong trà, nước tăng lực, một số loại thuốc cảm. Vì vậy, cần tính toán tổng lượng caffeine tiêu thụ từ tất cả nguồn thực phẩm trong ngày, không chỉ riêng cà phê.

Nên tránh uống cà phê khi đang đói, vì sẽ kích thích dạ dày tiết nhiều axit, làm tăng nguy cơ viêm loét. Không uống cà phê sau 14h để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ - yếu tố có liên hệ trực tiếp đến sức khỏe tim mạch.

Hãy lắng nghe cơ thể của bạn. Nếu sau khi uống cà phê, bạn cảm thấy hồi hộp, bồn chồn, tim đập nhanh hay mất ngủ kéo dài, đó là dấu hiệu nên giảm lượng tiêu thụ, hoặc chuyển sang loại cà phê ít caffeine (decaf).

Ngoài ra, hạn chế sử dụng cà phê hòa tan có nhiều đường, kem hoặc chất tạo ngọt nhân tạo cũng là cách để giảm áp lực cho tim và hệ tuần hoàn.

Các tin khác

Chubb Life cập nhật giá đơn vị Quỹ Liên kết Đơn vị - Sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động

Sản phẩm Bảo hiểm Liên kết Đơn vị - Kế hoạch Tài chính Chủ động được thiết kế với các tính năng ưu việt nhằm đáp ứng đồng thời cả hai nhu cầu: Bảo vệ và Đầu tư. Với thông điệp “Đầu tư vững tâm – Bảo vệ vững vàng”, sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động góp phần hoàn thiện danh mục giải pháp tài chính toàn diện của Chubb Life Việt Nam trên hành trình thực hiện sứ mệnh bảo vệ người trụ cột và gia đình Việt.

Hình ảnh mới nhất Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 vừa bị chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra

Hình ảnh 2 bệnh viện to lớn được Nhà nước đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng bỏ hoang 10 năm qua, gây xót xa trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là điển hình của sự lãng phí trong đầu tư công. Thanh tra Chính phủ vừa chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại 2 dự án này sang Bộ Công an để xem xét, điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.

Vỡ túi nâng ngực khi đang mang thai

Quá trình mang thai lần 3, người phụ nữ 27 tuổi, quê Thái Bình đau nhức ngực trái, kết quả siêu âm phát hiện vỡ túi nâng ngực đặt 7 năm trước.