Tối nay ăn gì? Hay hôm nay nấu món gì là câu hỏi thường trực của nhiều chị em mỗi khi chuẩn bị về nhà sau giờ làm việc. Nếu không có nhiều thời gian chuẩn bị cho bữa tối, thậm chí phương án đặt đồ ăn bên ngoài giải quyết cho nhanh được rất nhiều người lựa chọn để tiết kiệm thời gian và công sức.
Nhưng đồ ăn đặt ngoài thì đắt đỏ vì giá nguyên vật liệu tăng cao, chưa kể còn có thể kém vệ sinh. Bạn có thể xem nhanh qua cách đi chợ mua nguyên liệu về nấu ăn tại nhà của Nguyễn Thanh Nga (sinh năm 1990) sống và làm việc tại Fukuoka, Nhật Bản hiện đang giúp bà mẹ trẻ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Bữa cơm với chi phí chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/người
Nga cho biết, Nhật là đất nước tươi đẹp nhưng vật giá khá cao. Thêm nữa vì thời gian và tiền bạc của Nga đều phải "tiết kiệm" nên cô thường đem cơm tự nấu ở nhà đi làm. Các bữa ăn của Nga đều do cô tự mua nguyên vật liệu rồi nấu ăn mang đi. Tính chi phí ra chỉ mất tầm 10 - 15 nghìn đồng/bữa.
"Tôi chọn mua thực phẩm theo mùa của Nhật. Rau củ quả đắt nhưng sẽ an toàn. Đặc biệt, tôi đang sống ở Fukuoka, đây là cảng lớn. Ở đây thì rất nhiều cá tươi. Vào cuối ngày các siêu thị lớn hay có chương trình giảm giá một nửa. Cá vẫn rất tươi do được bảo quản tốt và giá lại rất rẻ, bắt đầu từ 7h tối trở đi. Còn các loại thịt giá chỉ nhỉnh hơn giá tại Việt Nam chút xíu", Nga chia sẻ.
Các nguyên liệu nấu ăn Nga sử dụng chủ yếu là đồ tươi sống, và rất ít sử dụng đồ hộp. Sắp xếp thời gian, Nga sẽ lên siêu thị lớn mua rất nhiều cá, thịt, gà,... Chi phí mỗi lần mua sắm sẽ rơi vào khoảng 2 sen (350 nghìn đồng). Với số nguyên liệu này, Nga ăn được khá lâu, nên cô tính mỗi bữa chỉ rơi vào khoảng 10 - 15 nghìn đồng mà thôi.
Cách nấu ăn mà Nga áp dụng để tiết kiệm thời gian và tiền bạc của mình hơn là làm dạng cơm trộn. "Tôi hay mua thịt hoặc cá về chế biến sẵn, nêm gia vị đầy đủ, kể cả rau củ cũng cắt nhỏ bỏ vào hộp. Mỗi khi nấu lấy trong tủ lạnh ra, trích mỗi thứ một ít, trộn với cơm rồi xào cho nóng là xong hộp cơm mang đi làm rồi", Nga chia sẻ.
Hình ảnh phía trên là lượng đồ ăn mà Nga đã đi siêu thị mua để sử dụng trong vòng 10 ngày. Ngoài ra, còn một ít rau quả và trái cây nữa. Đợt mua hàng này vì bận nên Nga không đi siêu thị đồ tươi được. Ảnh: NVCC.
Với số nguyên liệu trên, hộp thịt bằm nhỏ Nga sẽ ướp gia vị, xào chín lên hơi mặn, chia ra được 4 bữa. Cá hộp, một hộp được 2 bữa, 3 hộp là 6 bữa. Nếu mỗi bữa Nga băm hai lát thịt nguội thì sẽ làm được thêm 10 bữa. Trứng ăn 1 quả/ngày. Vậy là đủ thực phẩm cho 10 ngày ăn.
Bữa sáng Nga sẽ ăn bánh hoặc trái cây, hoặc cả hai và uống trà. Bịch bánh to kia Nga cắt ra được 4 phần, ăn 4 bữa. Bịch kế tiếp 5 cái bánh to xấp xỉ bằng ổ mì que.
Rau củ quả tại Nhật rất đắt. Nga mua chỗ này với giá 550¥ (gần 100 nghìn) ở một cửa hàng được cho là rẻ ở khu đang sống. Rau không có đa dạng các loại như Việt Nam, chỉ có cải ngọt, bó xôi, cải thảo và su hào. Ảnh: NVCC.
Tiết kiệm từ 20 - 40 nghìn cho mỗi bữa
Với cách này Nga tiết kiệm được từ 20 - 40 nghìn đồng/bữa so với cách nấu mỗi thứ một món như trước đây. Ngoài việc tiết kiệm tiền bạc ra, cách chế biến cũng đơn giản, dọn dẹp cũng nhanh gọn, tầm 5 - 10 phút là xong, thấy rất tiện.
"Nhiều người cũng góp ý vì cho rằng ăn uống như thế là thiếu khoa học, thiếu dinh dưỡng. Nên tôi cũng muốn chia sẻ rằng, bản thân coi đây là một mẹo hữu ích để gửi tới mọi người có thể tham khảo thôi. Tôi ăn dựa trên khẩu phần và nhu cầu dinh dưỡng của bản thân, số lượng như vậy cảm thấy là đầy đủ, thậm chí điện thoại về gia đình hằng ngày ai nấy đều khen là béo lên.
Tôi vẫn đi học và đi làm đều đặn. Sống ở Nhật địa hình cũng phức tạp, chuyên đi bộ lên xuống dốc cao nhưng vẫn chưa bao giờ bị tụt đường huyết. Thế nên trong tương lai tôi vẫn sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp này để tiết kiệm thời gian và cả tiền bạc nữa".
Một vài hình ảnh bữa cơm với chi phí từ 10 - 15.000 đồng của Nga. Ảnh: NVCC.
Như vậy chỉ với khoản chi phí từ 10 - 15.000 đồng là Nga đã có một bữa cơm cảm thấy hợp lý với bản thân và vừa vặn với kinh tế. Nếu chị em độc thân nào thấy hữu ích cũng có thể tham khảo và thử áp dụng trong cuộc sống xem sao nhé!
Bài viết được ghi lại từ chia sẻ của nhân vật.