Doanh nghiệp BĐS phá sản, giải thể tăng gần 40%
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực,... thậm chí, có đơn vị giảm đến 50% số lao động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO...
Do khó khăn, nhiều doanh nghiệp BĐS phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án
Trong năm 2022, số doanh nghiệp địa ốc thành lập mới là 8.593 doanh nghiệp, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp quay lại hoạt động là 2.081 doanh nghiệp, tăng 56,7%. Trong khi đó, số doanh nghiệp tuyên bố phá sản, giải thể, tăng 38,7%.
Nguyên nhân theo Bộ Xây dựng là doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn hoặc tạm dừng tiến độ thực hiện dự án. Thực tế, việc một số tổ chức, cá nhân bị xử lý vì có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tác động lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư.
Bên cạnh đó lãi suất cho vay, tỉ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động do chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế.
Không những vậy, khách hàng mua bất động sản khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án bất động sản, dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.
Chia sẻ mới đây, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho hay, lâu rồi mới thấy thị trường BĐS 3 tháng không bán được hàng. Nhiều doanh nghiệp hụt hơi thanh khoản khiến khó chồng khó. Năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều tín hiệu tốt hơn quý cuối năm 2022, tuy nhiên thị trường BĐS vẫn còn đối diện nhiều thách thức.
Doanh nghiệp môi giới BĐS cũng khó chồng khó
Sự sụt giảm thanh khoản của thị trường BĐS đang tác động trực tiếp tới đội ngũ làm nghề môi giới, các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp, trong đó có cả các đơn vị phân phối sản phẩm.
Doanh nghiệp và đội ngũ làm nghề môi giới cũng khó khăn hàng loạt
Thống kê sơ bộ từ một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV cho thấy, lợi nhuận đa số đi lùi.
Trong quý IV/2022, CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services, Mã: DXS) đạt 884 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 32,3% so với cùng kỳ, ghi nhận lỗ sau thuế 137 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu dịch vụ bất động sản giảm 56,9%, chỉ đạt 302 tỷ đồng; doanh thu bán căn hộ, nhà phố và đất nền đạt 400 tỷ đồng, giảm 33,9%.
Lũy kế năm 2022, Đất Xanh Services đem về hơn 4.096 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu mảng môi giới đạt 2.340 tỷ đồng, giảm 21,4%. Lợi nhuận sau thuế đạt 535 tỷ đồng, giảm 38,7% so với cùng kỳ.
CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, Mã: CRE) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 175 tỷ đồng, giảm tới 83,6% và lỗ sau thuế 59 tỷ đồng trong quý IV. Trong đó, Lũy kế năm 2022, CenLand ghi nhận 3.491 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 198 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm vừa qua, doanh thu đầu tư bất động sản của công ty ghi nhận khoảng 2.075. Doanh thu mảng môi giới khoảng 1.424 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ.
Trong quý cuối năm, CTCP Bất động sản Khải Hoàn Land (Mã: KHG) là doanh nghiệp duy nhất ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng nhưng giảm 19,8% so với doanh thu thuần là 630 tỷ đồng, giảm 18,8% so với cùng kỳ. Lũy kế năm 2022, doanh nghiệp này đạt 1.396 tỷ đồng doanh thu thuần lợi nhuận sau thuế đạt 442 tỷ đồng, tăng lần lượt là 8,3% và 7% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp bất động sản trong quý cuối năm phải đối mặt với nhiều sóng gió, từ sự suy giảm của thị trường chung cho đến sự khó khăn trong các kênh huy động vốn. Do vậy, không ngoài dự đoán, đa phần kết quả kinh doanh của nhóm này đã đi xuống.
Các chuyên gia dự báo, năm 2023 dự báo là năm tiếp tục khó khăn đối với các DN lĩnh vực bất động sản
Ông Vũ Trường Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Winhousing Việt Nam nhận định: “Năm 2023 dự báo là năm tiếp tục khó khăn đối với lĩnh vực bất động sản nói chung và môi giới bất động sản nói riêng. Thanh khoản thấp chính là thủ phạm khiến hàng chục ngàn môi giới bất động sản bị đá văng ra khỏi thị trường. Khi nào nguồn tín dụng còn bị siết thì tính thanh khoản sẽ còn thấp. Và đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là các doanh nghiệp bất động sản và môi giới địa ốc”...
Đề xuất nới trần tín dụng
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp..., đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn.
Tình trạng này không chỉ kéo dài một hai tháng mà đã diễn ra trong suốt nửa cuối năm 2022 và càng về sau thì “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp càng suy giảm.
Trước tình hình hiện tại của thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam xem xét, đề xuất phương án điều hành trần (room) tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Theo đó, ngân hàng cần hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng đối với doanh nghiệp, dự án BĐS đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và các loại hình BĐS phục vụ mục đích sản xuất, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ...