Tài chính

Sắc đỏ bao trùm cổ phiếu ngân hàng, một mã ngược dòng tăng phiên thứ 9 liên tiếp

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu tháng 2 với phiên giảm mạnh nhất trong nhiều tuần qua. Đóng cửa, VN-Index giảm 35,21 điểm (3,17%) về 1.075,97 điểm, HNX-Index giảm 6,42 điểm (2,89%) xuống 216,01 điểm, UPCoM-Index giảm 0,9 điểm (1,19%) về 74,93 điểm.

Sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng điện tử khi có tới 629 mã giảm, trong đó có tới 72 mã nằm sàn, so với 256 mã tăng và 146 mã tham chiếu.

Tại nhóm ngân hàng, kết phiên có 18/29 mã giảm, 4 mã đứng giá tham chiếu và chỉ 5 mã có được sắc xanh. Trong đó, LPB dẫn đầu đà lao dốc khi giảm sàn xuống 13.800 đồng/cp. Một loạt mã ngân hàng khác giảm sâu trên 3% như VPB (-5,9%), STB (-5,4%), TPB (-5,2%), BID (-5,1%), CTG (-4,9%), TCB (-4,1%).

Ngược dòng thị trường chung, cổ phiếu HDB của HDBank tiếp tục thể hiện phong độ tích cực khi xanh 1,9%; qua đó dẫn đầu về mức tăng giá trong nhóm ngân hàng niêm yết trên HoSE và HNX và đứng thứ hai trong nhóm VN30 (nhóm 30 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa và tính thanh khoản cao nhất sàn HoSE). Với diễn biến tích cực trên, HDB đã trải qua 9 phiên tăng giá liên tiếp với tổng tỷ suất sinh lời gần 14,5%.

Cùng với diễn biến giá, thanh khoản HDB cũng liên tục duy trì ở mức cao trong những phiên gần đây, với khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân 10 phiên gần nhất đạt gần 2,4 triệu đơn vị.

Diễn biến tích cực tại cổ phiếu HDB xuất hiện trong bối cảnh tỷ lệ tối đa sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (hay còn gọi là room ngoại) tại HDBank mới được điều chỉnh từ 18% lên 20% từ ngày 30/1. Việc nới room ngoại lên 20% vốn điều lệ sẽ giúp các quỹ đầu tư chuyên nghiệp quốc tế có thêm cơ hội gia tăng đầu tư và đồng hành với ngân hàng.

Thực tế, lực cầu đặc biệt mạnh từ khối ngoại là động lực chính giúp HDB duy trì được nhịp tăng giá bất chấp những biến động bất lợi của thị trường chung. Cụ thể, trong 6 phiên gần nhất, nhà đầu tư nước ngoài đã gom ròng gần 6,9 triệu cổ phiếu HDB, giá trị gần 127 tỷ đồng.

Trước đó, nhiều tổ chức phân tích cũng đánh giá cao triển vọng kinh doanh của HDBank. Theo Chứng khoán VNDirect, triển vọng tăng trưởng tín dụng năm nay của HDBank cũng như 3 ngân hàng tham gia tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng như Vietcombank, MB và VPBank sẽ thuận lợi hơn so với toàn ngành nhờ những ưu đãi và chính sách cấp room tín dụng. Bên cạnh đó các nhà băng này cũng có nền tảng tài chính mạnh.

Cùng với HDB, VIB cũng là mã ngân hàng hiếm hoi có được sắc xanh trong phiên hôm nay khi tăng nhẹ 0,2%. Liên quan đến cổ phiếu này, HĐQT VIB mới đây đã thông qua phương án tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt. Cụ thể, ngân hàng sẽ thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng số tiền tạm ứng gần 2.108 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức dự kiến ngày 3/3/2023. Ngày chốt danh sách cổ đông để nhận tạm ứng cổ tức là ngày 10/2.

Ngoài HDB và VIB, chỉ có 3 mã ngân hàng giao dịch trên UPCoM tăng giá là VBB (+2,9%), SGB (+2,3%) và KLB (+0,8%).

Mặt khác, áp lực bán tháo tăng cao khiến thanh khoản của nhóm ngân hàng phiên hôm nay tăng khá mạnh. Trong đó, VPB dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh, đạt gần 32,2 triệu đơn vị. Đứng sau lần lượt là SHB (24,7 triệu cp), STB (16,2 triệu cp), MBB (15,7 triệu), TPB (14,5 triệu cp), LPB (14,5 triệu cp),….

Cùng với giao dịch khớp lệnh, hoạt động thỏa thuận cũng diễn ra nhộn nhịp tại nhiều mã ngân hàng như LPB (23,9 triệu cp, giá trị 353,4 tỷ đồng), ACB (6,2 triệu cp, giá trị 156,7 tỷ đồng), STB (2,6 triệu cp, giá trị 69,9 tỷ đồng), TCB (1,97 triệu cp, giá trị 58,8 tỷ đồng),…

Về khối ngoại, nhóm này tiếp tục mua ròng mạnh một số mã ngân hàng bên cạnh HDB như STB (1,49 triệu cp, giá trị 38,3 tỷ đồng), BID (864.000 cp, giá trị 37 tỷ đồng), VCB (146.000 cp, giá trị 13 tỷ đồng). Trong khi bán ròng hơn 1 triệu cổ phiếu CTG, giá trị 30,7 tỷ đồng và sang tay nội khối 5 triệu cổ phiếu ACB; 1,4 triệu cổ phiếu VPB; 870.000 cổ phiếu TCB.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm